Cô giáo xóa mù buôn B'Lú

08:08, 19/08/2015

Sáu mươi tư tuổi, người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn vẫn ngày ngày gắn bó với chiếc xe đạp đi khắp mọi nơi. Với bà con buôn B'Lú, thuộc tổ dân phố 5, thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, cô Nguyễn Thị Minh không chỉ là Trưởng ban Mặt trận tổ dân phố mà trước hết là cô giáo của buôn, gắn bó với bà con từ những thời khó khăn nhất. 

Sáu mươi tư tuổi, người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn vẫn ngày ngày gắn bó với chiếc xe đạp đi khắp mọi nơi. Với bà con buôn B’Lú, thuộc tổ dân phố 5, thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, cô Nguyễn Thị Minh không chỉ là Trưởng ban Mặt trận tổ dân phố mà trước hết là cô giáo của buôn, gắn bó với bà con từ những thời khó khăn nhất. Nhiều người nói, có chuyện gì cần trao đổi, bà con buôn B’Lú cứ gọi bà Minh.

Cô Nguyễn Thị Minh và học trò cũ thôn B’Lú
Cô Nguyễn Thị Minh và học trò cũ thôn B’Lú

Vốn là cô giáo tiểu học, năm 1989, cô Nguyễn Thị Minh rời quê hương Hà Nam vào huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng tiếp tục nghiệp “gõ đầu trẻ”. Hồi ấy, buôn B’Lú còn nằm giữa một khu sình lầy, nước thụt bởi con suối bao quanh. Trẻ không tới trường, người lớn không biết chữ. Với mục tiêu xóa mù, cô giáo Minh được cử vào mở lớp xóa mù cho buôn. Và, những ngày năm 1991 đã mở ra một quan hệ gắn bó lâu dài giữa cô - trò. Nhớ lại những ngày làm cô giáo của buôn, cô Minh cười sâu sắc: “Lúc ấy khổ quá, khổ mà vui. Suốt 5 năm liền, gần như đêm nào tôi cũng lội suối vào buôn dạy xóa mù”. Buôn không có trường, không có lớp, nhà ở của bà con cũng chỉ là những căn lều nát gió thổi bập bùng. Vậy là cả cô và trò lên rừng chặt cây, hái lá về dựng lên ngôi “trường” để làm nơi học. Tối nào cũng vậy, cô giáo Minh đi bộ, lội từ trung tâm thị trấn vào B’Lú. Cô nhớ lại, ngày mùa khô còn đỡ, mùa mưa đường khó đi, nước ngập, bùn sình, dù đã đi ủng nhưng tới nơi, cô vẫn ướt hết quần áo. Điện không có, cô giáo có chiếc đèn bão, học sinh học dưới ánh nến, ánh đèn “hột vịt”. Học sinh trong lớp xóa mù của cô đủ mọi lứa tuổi, người lớn có, trẻ em có, nhiều gia đình cha con cùng đi học với nhau. Dạy xóa mù, cô không có những bông hoa vào ngày 20/11. Thay vào đó là những gói mì tôm cô mua, cô xin được mang vào cho học trò chống đói bởi vào mùa giáp hạt, nhiều học trò thiếu ăn không thể tới lớp.
 
Nhớ lại những ngày học chữ, ông K’Lưu, một trong những học trò lớn tuổi nhất cười vui vẻ. Trước lúc ấy, cả buôn B’Lú không ai biết chữ. Đời sống khổ quá, đường xa, sình lầy, cũng không cha mẹ nào nghĩ đến chuyện cho trẻ con tới trường học chữ. Đời sống cứ tăm tối, mù mịt trong vòng quay vật lộn kiếm ăn qua từng ngày cho đến khi cô Minh vào buôn mở lớp dạy chữ. Cái khao khát của cả buôn đã được chia sẻ. Ngày ngày lên rẫy trồng điều, lên rừng kiếm măng, đêm đêm bà con xách đèn, xách nến tới lớp, chăm chỉ học từng cái chữ, từng con tính. Bàn tay chai sần của ông quen với rựa, với cuốc lại ngượng nghịu làm quen với cây viết nho nhỏ. Ông cười: “Hồi ấy mình đi học chăm mà thua bọn nhỏ, bọn chúng học nhanh hơn. Vậy mà học suốt năm năm, mình cũng tốt nghiệp được tiểu học, làm lễ ra trường đàng hoàng”. 
 
Năm 1997, lớp học xóa mù ở thôn B’Lú được tốt nghiệp, người lớn đã có trình dộ tiểu học, trẻ em tiếp tục theo học các trường ngoài trung tâm. Còn cô Minh tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Tiểu học Đoàn Kết, ngôi trường vừa được xây dựng. Cô lại tiếp tục công việc của một giáo viên xóa mù, cùng tập thể anh chị em vừa lo sách vở, ghế bảng cho ngôi trường, vừa đêm ngày đi vận động bà con tới trường học chữ. Cô bảo, có kinh nghiệm từ ngày dạy xóa mù ở B’Lú, công việc ở Đoàn Kết dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Và, cô gắn bó với công việc cho đến khi về nghỉ hưu năm 2006.
 
Tuy về nghỉ hưu, nhưng hoạt động của một nhà giáo vẫn không ngừng nghỉ. Cô được đồng nghiệp tín nhiệm bầu vào “chức” Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Đạ Huoai, giữ vai trò đầu tàu liên lạc của những giáo viên đã hưu trí. Với tổ dân phố 5, cô trở thành trưởng ban mặt trận, mọi hoạt động trong đời sống của bà con cô đều nắm rõ, tham gia nhiệt tình và hăng hái. Bà con thiếu gì, cần gì, nhà ai có chuyện vui chuyện buồn,  tâm tư tình cảm ra sao, cô Minh đều thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Với B’Lú, dù lớp học xóa mù đã không còn, trẻ hôm nay tới trường rất thuận lợi nhưng cô chưa bao giờ chia xa. Ngoài công việc của mặt trận, hè nào cô Minh cũng vào buôn mở lớp học ôn bài cho trẻ khỏi quên kiến thức suốt thời gian nghỉ. Trước khi vào năm học, cô đi quyên góp quần áo, sách vở cho các cháu bớt phần khó khăn. Nói như anh Lê Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Madagui: “Cô Minh nhiệt tình lắm, việc gì trong buôn, trong tổ cô cũng nắm được, cần vận động bà con cứ gọi cô”.
 
Ở tuổi sáu mươi tư, tấm lòng người giáo viên xóa mù năm nào vẫn nguyên vẹn trong trái tim cô Nguyễn Thị Minh. Bởi, con đường gắn bó với con chữ đã cháy trong tim từ thuở ấy.
 
Diệp Quỳnh