Suy ngẫm về sáu điều Bác Hồ dạy đối với công an nhân dân

09:08, 19/08/2015

Ra đời trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, tổ chức, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, tin cậy, công an nhân dân Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Ra đời trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, tổ chức, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, tin cậy, công an nhân dân Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
 
Công an tỉnh tuyên dương các cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW. Ảnh: Q.THÀNH
Công an tỉnh tuyên dương các cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW. Ảnh: Q.THÀNH

Sinh thời, Bác Hồ không chỉ dành tình cảm mà còn thường xuyên căn dặn phải tu dưỡng và rèn luyện đạo đức người chiến sĩ công an. Trong tư tưởng của Người, công an là lực lượng phải luôn kiên quyết đấu tranh với kẻ thù ngoan cố chống lại cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và phục vụ nhân dân. Trong bức thư gửi cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, ngày 11/3/1948, Người đã dạy cán bộ, chiến sĩ công an phải rèn luyện Tư cách người Công an Cách mệnh là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải kiên quyết khôn khéo”. Chỉ ngắn gọn trong sáu điều, nhưng yêu cầu về tư cách mà Bác huấn thị đối với lực lượng công an nhân dân, có giá trị tư tưởng và thực tiễn sâu sắc. Mỗi điều Bác dạy là một yêu cầu, những yêu cầu đó thể hiện nhân sinh quan của người chiến sĩ công an, mang bản chất giai cấp, bản chất nhân dân, bản chất cách mạng, hòa quyện vào nhau, tác động qua lại với nhau, hợp thành một cấu trúc vững chắc, trên nền tảng cách mạng, triệt để của giai cấp công nhân. Đây chính là sự khái quát hình mẫu người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân với những phẩm chất quan trọng thông qua sáu mối quan hệ mà mỗi người chiến sĩ phải có để thực hiện thường xuyên.
 
Trong sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, điều: “Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép” mang ý nghĩa sâu xa. Công an nhân dân dù lực lượng nào cũng đều từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chở che, giúp đỡ, đã liên tục chiến đấu, công tác và trưởng thành. Do tính chất đặc thù, nhiều chiến sĩ công an thường xuyên tiếp xúc với dân, giải quyết nhiều việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Do vậy, khi tiếp xúc với nhân dân phải kính trọng, lễ phép, đó là một phẩm chất đòi hỏi người chiến sĩ công an nhân dân phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ.
 
Sáu điều Bác Hồ dạy đối với công an nhân dân bao gồm nhiều mối quan hệ xã hội trọng yếu nhất, cơ bản nhất, đó là mối quan hệ ứng xử với bản thân, với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với công việc và với địch. Đây là một cấu trúc trong một thể cân đối hoàn chỉnh, lấy hoạt động làm cơ sở để giải quyết các mối quan hệ xã hội, tạo nên những giá trị đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Đó là tiêu chuẩn cụ thể của người chiến sĩ công an nhân dân thể hiện ở lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, chế độ xã hội chủ nghĩa; hết lòng vì nhân dân phục vụ, vì hạnh phúc của nhân dân.
 
Mặc dù dưới tác động nhiều mặt của cơ chế thị trường, nhưng người chiến sĩ công an nhân dân vẫn tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, giữ vững trật tự - an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới. Trong điều kiện mới, không chỉ trong đấu tranh chống tội phạm mà cả trong những hoạt động khác, người chiến sĩ công an nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm trước nhân dân như giúp dân phòng, chống bão lụt, cứu người và tài sản, phòng cháy, chữa cháy, quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vv…
 
Cũng theo Bác Hồ, phẩm chất kính trọng, lễ phép với nhân dân còn thể hiện ở tác phong, lề lối làm việc gần gũi, gắn bó với nhân dân, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và kịp thời giải quyết theo chức năng, thẩm quyền; thể hiện ở phương pháp công tác, ở đường lối quần chúng.
 
Điều lệnh nội vụ công an nhân dân chỉ rõ: “Cán bộ chiến sĩ công an nhân dân khi tiếp xúc với cán bộ, bộ đội và nhân dân, kể cả người vi phạm pháp luật, phải có thái độ tôn trọng, lịch sự, khiêm tốn, hòa nhã, bình tĩnh, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, cụ thể, giải quyết việc phải theo đúng quy định của pháp luật. Phải có tư thế, tác phong nghiêm túc, không đeo kính râm, không đút tay vào túi quần, túi áo, không có lời nói, việc làm có hại đến uy tín của ngành công an…”. Mọi biểu hiện nói năng thô tục, lạnh nhạt, trịnh thượng, quan cách, cửa quyền, hách dịch, ban ơn, trù úm, dọa nạt… là hoàn toàn xa lạ với phẩm chất của người chiến sĩ công an nhân dân. Tuy vậy, trong thực tiễn hoạt động, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân không nhận thức hết tầm quan trọng trong việc phát huy dân chủ của nhân dân dẫn đến sai phạm. Một số cán bộ còn biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu… làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu lực, hiệu quả công tác của toàn lực lượng. Nhưng, đó chỉ là số ít, “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an ngày đêm có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui lẽ sống của mình” đã làm ngời sáng chân dung người chiến sĩ công an nhân dân, trở thành niềm tin yêu, là chỗ dựa của các tầng lớp nhân dân.
 
Qua việc học tập sáu điều Bác Hồ dạy, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân không chỉ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác mà còn tự giác hơn trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Đồng thời, xuất hiện ngày càng nhiều cán bộ, chiến sĩ công an nêu gương dũng cảm, kiên quyết tấn công các loại tội phạm, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, củng cố và tạo niềm tin trong nhân dân về hình ảnh người chiến sĩ công an… Gần đây, dư luận rất cảm phục và hết lời ca ngợi sự tài ba của những điều tra viên xuất sắc, phá thành công những vụ trọng án xảy ra ở Bình Phước, Nghệ An, Quảng Trị, Yên Bái… Đó là những chiến công lớn của lực lượng công an nhân dân trong tình hình thực tế hiện nay. Tại Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong lực lượng công an nhân dân ngày 18-5-2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định tặng Bằng khen cho 145 tập thể và 83 cá nhân có thành tích xuất sắc. Trong đó, Lâm Đồng có một cá nhân tiêu biểu là Trung tá Đặng Văn Kiên, Đội trưởng điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố Bảo Lộc. Những kết quả rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ góp phần nâng cao sức mạnh để lực lượng công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng công an nhân dân Việt Nam luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhà nước và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lập nhiều chiến công, góp phần to lớn vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những lời dạy của Bác Hồ đã và sẽ luôn là định hướng cơ bản, là ngọn đuốc soi đường trở thành di sản thiêng liêng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam.
 
Kiều Minh