Lâm Đồng - 5 năm xây dựng đời sống văn hóa

10:08, 18/08/2015

Xây dựng đời sống văn hóa (XDÐSVH) ở cơ sở - chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước đã tác động trực tiếp đến việc tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh và bồi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Ở Lâm Đồng, trong những năm qua, lĩnh vực này được chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả…

Xây dựng đời sống văn hóa (XDÐSVH) ở cơ sở - chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước đã tác động trực tiếp đến việc tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh và bồi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Ở Lâm Đồng, trong những năm qua, lĩnh vực này được chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả…
 
Chủ trương XDĐSVH ở cơ sở
 
XDÐSVH ở cơ sở là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong toàn bộ chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi địa phương, làng, xã. Bởi văn hóa - nói chung, XDĐSVH, môi trường văn hóa - nói riêng là tiền đề, nền tảng cốt lõi của sự phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ này và đã được Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X, XI của Đảng nhất quán quan điểm. Trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng đã chỉ rõ: “Phải đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đặc biệt, chú trọng XDĐSVH ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện đều có đời sống văn hóa”.
 
XDĐSVH ở cơ sở là bước đi ban đầu của việc xây dựng một nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, là cơ sở “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), ngày 16/7/1998, hiện nay, Đảng ta tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa và XDĐSVH, các cấp, các ngành trong cả nước nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng đã có nhiều nỗ lực thực hiện, góp phần làm thay đổi tư duy lý luận của Đảng, các cấp chính quyền và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước và địa phương…
 
Hồn nhiên tuổi thơ - Ảnh: PHAN VĂN EM
Hồn nhiên tuổi thơ - Ảnh: PHAN VĂN EM

Ở Lâm Đồng, từ năm 1989 phong trào TDĐKXDĐSVH và phong trào xây dựng “Thôn, buôn, khu phố văn hóa” (tên gọi chung là Làng văn hóa) đã ra đời. Năm 1990, Ban Chỉ đạo (BCĐ) “Xây dựng nếp sống văn hóa” tỉnh Lâm Đồng được thành lập, tập trung triển khai phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” (GĐVH) và “Câu Lạc bộ GĐVH”. Ngày 28/7/2000, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Chỉ thị 56-CT/TU về việc đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH. Ngày 26/10/2000, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Lâm Đồng được thành lập theo Quyết định số 115/2000/QĐ-UB của UBND tỉnh Lâm Đồng. Các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều thành lập Ban chỉ đạo và tại các thôn, buôn, khu phố thành lập Ban Vận động để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
 
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ XDĐSVH ở cơ sở và chiến lược phát triển văn hóa, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch như: Kế hoạch 7075/KH-UBND “Về việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 27/2012/QĐ-UBND “Về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa””; Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND “Về ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND về ban hành Quy chế công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; Kế hoạch triển khai “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”...
 
Những kết quả trong 5 năm XDĐSVH ở cơ sở
 
Đối với Lâm Đồng là một tỉnh đặc thù thuộc khu vực Tây Nguyên, việc XDĐSVH, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đã dành nhiều tâm huyết chỉ đạo triển khai thực hiện sự nghiệp phát triển văn hóa; trong đó, chú trọng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”. Bởi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo; lãnh đạo tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan cụ thể hóa thành những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện.
 
Sau khi tổng kết 20 năm xây dựng Làng văn hóa (1989-2009) và 10 năm (2000-2010) thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Sở VH,TT&DL Lâm Đồng tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện phong trào này giai đoạn 2010 - 2015, gắn với kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa IX. Có thể nói, đây là giai đoạn có nhiều thuận lợi từ công tác chỉ đạo của Trung ương, sự “vào cuộc” nhịp nhàng, hiệu quả của các cấp, các ngành ở địa phương đã thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH, cốt lõi là công tác XDĐSVH ở cơ sở có nhiều chuyển biến. 
 
Thực tế các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong cả nước đều hướng đến mục tiêu chung là XDĐSVH trong cộng đồng dân cư; tiêu biểu như Cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư” do Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì và phong trào TDĐKXDĐSVH do Bộ VH, TT&DL tham mưu thực hiện. Để tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, ngày 26/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 794/QĐ-TTg về việc thành lập BCĐ Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH trên cơ sở hợp nhất BCĐ Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH và Ban vận động Trung ương Cuộc vận động “TDĐK XDĐSVH ở khu dân cư”. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia “Xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 đã tạo “luồng gió mới” thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH và XDĐSVH ở cơ sở phát triển.
 
Giai đoạn 2010 - 2015, công tác XDĐSVH và phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả vượt bậc so với các năm trước. Theo tổng hợp của Sở VH, TT&DL, nhiều chỉ tiêu trong phong trào TDĐKXDĐSVH đều đạt tỷ lệ rất cao. Đến cuối tháng 7/2015, toàn tỉnh có tổng số 247.651/287.823 hộ gia đình đạt GĐVH, chiếm 86%; trong đó, có 19.876 GĐVH tiêu biểu cấp xã; 1.169 Câu lạc bộ GĐVH duy trì tốt hoạt động tại khu dân cư; 1.354/1.551 khu dân cư trong toàn tỉnh đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 87,3%). Toàn tỉnh có 58 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt chuẩn văn minh đô thị (39 xã đạt xã văn hóa nông thôn mới và 19 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị); 1.206/1.400 cơ quan, doanh nghiệp được công nhận cơ quan, doanh nghiệp văn hóa (chiếm 86,14%)...
 
Đặc biệt, cùng với việc đầu tư kinh phí từ các nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa, các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt của nhân dân ngày càng được quan tâm. Đến nay, trong tổng số 147 xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh đã xây dựng và hoạt động 111 nhà văn hóa cấp xã và 1.065 nhà sinh hoạt cộng đồng/tổng số 1.551 khu dân cư (chiếm 68,7%), với tổng kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gần 55 tỷ đồng; việc cưới, việc tang thực hiện đúng quy định; đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân nâng lên đáng kể. Đó là những tác động tích cực từ phong trào XDĐSVH ở cơ sở mang lại...
 
THANH DƯƠNG HỒNG