Một vòng quanh... trại tạm giam

09:08, 05/08/2015

Có thể nói, Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng là một trong những trại tạm giam đẹp. Trong lúc chờ anh Phú pha bình trà đãi khách, tôi tranh thủ bước ra ngoài và nhìn bao quát. Thú thật, sự rộng hẹp của khuôn viên trại tạm giam này không gây trong tôi cảm xúc gì cả. Nếu nó rộng quá, bề thế quá, nhà cửa đồ sộ quá..., trong tôi cảm giác cứ gai gai thế nào ấy...

Buổi chiều hôm ấy, bỗng... hứng chí, tôi gọi cho đại tá Phạm Đăng Phú, một cán bộ công an tôi quen, hiện đang là Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng: “Sáng mai, tôi ghé chơi được không? Ghé trại giam chứ không phải ghé nhà đâu! Tôi có cảm giác xưa nay cái chốn giam giữ ấy của anh không mấy khi được giới viết lách ghé chơi, tìm hiểu...”. Anh Phú cười khà trong máy điện thoại: “Thì đúng rồi, trại giam là nơi rất không nên đến! Nó là chỗ “cấm kỵ” mà! Nhưng... không sao, sáng mai tôi đón nhà báo...”. Và, đúng hẹn, tôi đến...

Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng nằm trên một ngọn đồi mà người dân Đà Lạt quen gọi là đồi Dã Chiến. Từ trung tâm Đà Lạt theo hướng Trại Mát rẽ vào đồi Dã Chiến khoảng gần chục cây số.

Cảm nhận đầu tiên

Đại tá Phạm Đăng Phú - Giám thị Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng
Đại tá Phạm Đăng Phú - Giám thị Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng

Có thể nói, Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng là một trong những trại tạm giam đẹp. Trong lúc chờ anh Phú pha bình trà đãi khách, tôi tranh thủ bước ra ngoài và nhìn bao quát. Thú thật, sự rộng hẹp của khuôn viên trại tạm giam này không gây trong tôi cảm xúc gì cả. Nếu nó rộng quá, bề thế quá, nhà cửa đồ sộ quá..., trong tôi cảm giác cứ gai gai thế nào ấy. Còn nếu ngược lại, cảm giác sẽ là sự hụt hẫng...”. Đại tá Phạm Đăng Phú gọi: “Vào uống nước đã! Tí nữa, đích thân tôi đưa ông đi một vòng quanh trại!”. Trở lại bàn trà, câu chuyện của tôi và anh Phú không đi thẳng vào vấn đề trại tạm giam ngay mà cứ vòng vo những chuyện trước đây, chuyện về xã hội, vợ con, công việc chung chung...

Và rồi, anh Phú bảo: “Mới đó mà mình về đây cũng đã ngót ba năm rồi đấy!”. Ngày anh Phú chuyển về làm giám thị trại tạm giam, tôi có biết nên nhớ lại: Ừ, mới đó mà cũng đã những ba năm rồi chứ ít đâu... Tiếng là quen nhau lâu lắm rồi nhưng thú thực là các công việc của anh Phú đã kinh qua không làm cho tôi bận tâm nhiều, nên chỉ nhớ loáng thoáng về anh thế này: Đại tá Phạm Đăng Phú; sinh năm 1960; nguyên quán Hà Nam; hiện đang là Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng PC 81B Công an Lâm Đồng; đang là Giám thị Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng... Dường như hiểu sự sốt ruột của tôi nên anh Phú uống chưa hết chén trà đã lên tiếng: “Tôi đưa ông đi thăm thú quanh quanh chút rồi sau đó về lại đây ta nói chuyện nhé! Cả buổi sáng nay tôi xếp lịch là dàng riêng cho ông đấy! Ông cứ tha hồ mà tìm hiểu, mà tiếp cận...”.

Một vòng...

Tôi và đại tá Phạm Đăng Phú rời khỏi Phòng Giám thị Trại Tạm giam. Trước tiên, anh Phú không đưa tôi đi thăm phạm nhân hoặc can phạm mà là đưa đi thăm... vườn cà phê. Vườn cà phê của Trại Tạm giam nằm trên một ngọn đồi cao của khu trại. Từ đây nhìn xuống, “trại tù” là một “nét chấm phá” hòa chung vào bức tranh kiến trúc và rừng thông Đà Lạt một cách rất tự nhiên. Bức ảnh tôi ghi lại nếu không để ý, khó có thể nhận biết đâu là trại giam, còn đâu là phố phường và xóm làng của người dân Đà Lạt. Vừa đi, anh Phú vừa cung cấp cho tôi một vài con số: “Ở Trại, cả can phạm và phạm nhân vào lúc cao điểm là 350 người - vừa đúng “công suất”. Trong trại, chúng tôi cũng tăng gia sản xuất nhiều thứ lắm, nào là rau, su su, heo, bò... Ở đây, căn tin bán hàng với giá còn rẻ hơn cả bên ngoài đấy. Rồi, bếp tập thể của phạm nhân cũng được chúng tôi duy trì thường xuyên và có người phụ trách giống như một bếp ăn tập thể của bất kỳ một cơ quan nào ở bên ngoài xã hội. Cùng đó, là khu sinh hoạt của phạm...”. Rồi, anh hạ giọng và cười: “Có cả “ngôi nhà hạnh phúc” của phạm nữa đấy!”. Anh Phú ghé vào tai tôi: “Quản lý các đối tượng này là điều đương nhiên rồi. Nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để khơi gợi trong họ những hành động hướng thiện. Cái mà chúng tôi đang làm để khơi gợi lòng hướng thiện đó không chỉ bằng lời nói mà còn là những hành động cụ thể...”. Tôi hiểu! Phạm ở đây quả là phức tạp vô cùng (dĩ nhiên rồi, ở trại nào mà chả thế). Bên trong bộ quần áo sọc kia hẳn là những thành tích bất hảo của phạm nhân. Hoặc, đằng sau ổ khóa bên song sắt là chân dung của một tay anh chị nào đó đang chờ kêu án.

Cứ mãi lan man nghĩ suy, tôi chợt giật mình khi đứng trước một người phụ nữ mặc áo sọc bên bếp ăn tập thể của phạm. Gian ngoài là phòng ăn. Phía trong là gian bếp. Trong gian bếp có đủ mọi thứ như một bếp ăn tập thể của một... cơ quan nhà nước nào đó: Xoong nồi, chén bát, bếp gas, tủ đựng gia vị... Tất cả đều rất sạch sẽ, tươm tất. Anh Phú cho tôi biết: “Nhà ăn tập thể của trại thường xuyên có 30 suất ăn. Khẩu phần ở đây được nấu theo quy định chung của nhà nước. Khẩu phần đó đảm bảo sức khỏe, và dĩ nhiên là phải công khai. Nếu phạm muốn cải thiện bữa ăn cho “tươi” thêm, tất nhiên là cũng phải theo quy định”.

Toàn cảnh Trại Tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng
Toàn cảnh Trại Tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng


Một chút trăn trở

Tuy không được chứng kiến một bữa ăn của phạm, nhưng với những nguyên liệu chế biến được tận mắt nhìn thấy trong bếp, tôi hình dung ra suất ăn của họ ở đây là khá... sang! Anh Phú đề nghị: “Hay là trưa nay ông ở lại ăn cơm với mình nhé?”. Anh bảo, vì nhà xa nên nhiều anh em ở đây ăn cơm trưa ở căn tin. Thú thật là tôi muốn gật nhưng vì lỡ có một cái hẹn khác nên tôi từ chối. Với lại, một vòng quanh Trại, được đích thân ông giám thị dắt đi thăm thú nhiều nơi, nhất là thăm chỗ làm việc của anh em công an, tôi phần nào hình dung được cuộc sống của họ ở đây như thế nào. Đơn giản thế này: Có lẽ anh Phú chưa biết tôi cũng là người lính cách nay gần bốn mươi năm nên dễ dàng nhận ra mấy chiếc tủ gỗ “lộc cộc” trong phòng trực ban kia là loại tủ được trang bị từ hồi những năm 70 của thế kỷ trước. Rồi nữa, chiếc giường đơn vạt gỗ hiện đang được mấy anh cán bộ dưới quyền của anh Phú dùng để ngủ trưa hoặc trực đêm kia là loại giường mà mấy chục năm về trước tôi đã từng ngả lưng. Thêm vào nữa, cái kiểu dán giấy báo để ngăn giữa phòng này với phòng kia của mấy anh công an Trại Tạm giam Công an tỉnh xem ra không “lão luyện” như thời chúng tôi còn có thứ vật liệu “báo ảnh Liên Xô” cách nay ba bốn chục năm.

Lúc trước khi trở lại phòng của Giám thị Phú, hai anh em chúng tôi có ngang qua một ngôi nhà được gọi là “nhà hạnh phúc”. Anh phú cười cười và bảo: “Ở đây, hễ ai cải tạo tốt, qua “bình xét”, cứ hằng tuần vào ngày thứ bảy, đêm thứ bảy và ngày chủ nhật sẽ có một người được vợ vào thăm và ở riêng trong ngôi nhà này!”. Và, anh nói nhỏ vào tai tôi: “Đã có những đứa bé được sinh ra từ “ngôi nhà hạnh phúc” này rồi đấy nhá!”. Tôi cũng cười, và nghĩ thêm: Ký ức buồn của những sinh linh được sinh ra từ “ngôi nhà hạnh phúc” này sẽ được xóa nhòa bởi những người lính công an làm việc ở một nơi mang tính đặc thù là trại giam kiểu như Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng như thế này sẽ quan trọng hơn nhiều! Và, đội ngũ cán bộ và chiến sỹ của Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng đang tiếp tục phấn đấu vì điều ấy. Tôi có đề nghị anh Phú cho tôi xin một vài văn bản kiểu “báo cáo thành tích” nhưng nghĩ không cần phải ghi lại nội dung ra đây làm gì!

Phóng sự: KHẮC DŨNG