Tận diệt lan rừng

09:08, 06/08/2015

Để có được những bụi lan rừng bày bán nơi những con phố nhộn nhịp người qua lại, ít ai biết được những tay chuyên "săn" lan dùng cả cưa máy đốn ngã hàng loạt cây rừng, bên cạnh nhiều cách khác. Nhiều vạt rừng thâm u tại huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh trở nên xơ xác vì các nhóm đi lấy lan kiểu "tận diệt" như trên.

Để có được những bụi lan rừng bày bán nơi những con phố nhộn nhịp người qua lại, ít ai biết được những tay chuyên “săn” lan dùng cả cưa máy đốn ngã hàng loạt cây rừng, bên cạnh nhiều cách khác. Nhiều vạt rừng thâm u tại huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh trở nên xơ xác vì các nhóm đi lấy lan kiểu “tận diệt” như trên.

Theo chân một nhóm chuyên “săn” lan rừng tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, chúng tôi chứng kiến cảnh “tàn sát” rừng để kiếm lan. Đứng đầu nhóm ba thanh niên chuyên “săn” lan rừng có tên thường gọi là Nguyên (30 tuổi) người dân tộc Tày. Rạng sáng, khi trời còn vởn sương lạnh tại xã vùng sâu Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, Nguyên đã lôi máy cưa ra nổ thử rồi cuộn gọn trong bao tải bắt đầu một ngày “săn” lan rừng như thường lệ.

Để lấy được bụi nhỏ hoàng lan này, Nguyên đã cưa đổ cả cây rừng cả chục năm tuổi
Để lấy được bụi nhỏ hoàng lan này, Nguyên đã cưa đổ cả cây rừng cả chục năm tuổi


Cưa cây lấy lan rừng

“Đồ nghề” đi “hái” lan rừng của ba tay “săn” lan vỏn vẹn một cưa máy loại lớn, thêm 3 lít xăng pha nhớt để trong túi cói cùng hai con dao rựa, cơm trưa và nước uống. “Những thứ này đủ tìm lan trong 1 ngày. Hôm nay, đổ đèo B40 đi hướng dốc 5 tầng, nếu ít lan thì vòng sang khu gần thủy điện Đồng Nai 4, xã Lộc Bắc kiếm tiếp” - Nguyên dõng dạc vạch ra hành trình tìm lan cho hai “cộng sự”. Từ trung tâm xã Lộc Bảo, nhóm đổ đèo đi 10km và dừng lại ở chân đèo B40, địa phận xã B’Lá II. Sau khi gửi xe máy, nhóm theo đường mòn đi thẳng lên những quả đồi lưa thưa cây nối tiếp nhau đi vào những khu rừng rậm.

Lan rừng bán tràn lan giữa phố

Ngay tại các con phố đông người qua lại như đường Quang Trung, ngã tư Trần Phú, khu chợ Đà Lạt, đường Hùng Vương,… TP Đà Lạt, những người hái lan và buôn lan hằng ngày vẫn bày bán la liệt các loại lan rừng như lồng đèn, hoàng lan, long tu, kim điệp, nghinh xuân… bán cho người dân và du khách tham quan. Tương tự như tại đường Trần Phú (QL 20) TP Bảo Lộc hay tại trung tâm huyện Đức Trọng, huyện Di Linh, người dân có thể bắt gặp nhiều người bán lan rừng theo ký, bán theo chậu hay theo cành với số lượng khá nhiều. Điều đáng buồn là hoạt động buôn bán lan rừng tràn lan không được cơ quan chức năng xem xét, quản lý, hay có động thái xử lý cụ thể.


Chừng 2 tiếng sau thì tới một khu rừng ven suối mà theo Nguyên, đây là địa điểm còn nhiều lan rừng chưa có ai khai thác. Tại chân suối ngay điểm dừng, Tùng - một tay “săn” lan cùng nhóm chỉ tay nói có hai bụi lan nhỏ bám chót vót trên một thân cây to vừa một người ôm. Ngay lập tức Nguyên lôi máy cưa trong bao tải ra ráp xích máy tiến lại. “Bụi này có giá đấy” - Nguyên nhận xét. Tiếng máy cưa vang lên “ỉn ỉn”!”, khói xăng và mùn gỗ tươi bay mù mịt. Chưa đầy 1 phút sau “rắc rắc…”, cây rung mạnh rồi “ầm ầm” đổ dạt về một phía. Chỉ đợi có thế, hai tay “săn” lan còn lại xách dao rựa, bao tải nhanh chóng tiến lại phía ngọn cây vừa đốn hạ tìm kiếm. Lát sau Tùng giơ lên một bụi lan nhỏ cười tươi nói: “Được 1 bụi hoàng lan, một bụi bị giập nát bấy rồi”. Lần theo bờ suối rậm rạp cây rừng, chỉ chưa đầy 2 tiếng sau, nhóm của Nguyên tiếp tục hạ 4 cây gỗ lớn có đường kính khoảng 40 tới 70cm và thu về nửa bao lan rừng. Tại nơi những cây gỗ nhóm Nguyên vừa hạ, cây rừng gẫy rạp, có gốc cây bị cưa gãy ngang thân, nhựa trắng còn chảy ròng.

Tại một cây cổ thụ khác bị đốn hạ, Nguyên vừa cẩn thận tách rễ các bụi lan lồng đèn vừa tiếp tục cưa đứt từng khúc cây lớn để lấy cả những bụi râu rồng to bằng cái trống lớn dồn vào bao tải. Nguyên giải thích, nhóm dùng cưa hạ cây mỗi ngày có thể lấy nhiều gấp 5-7 lần các nhóm lấy lan thủ công như trèo hay dùng móc, chặt cành… Cách này tránh được nguy hiểm khi trèo cây cao và to nhưng cưa cây lấy lan cũng rất dễ dập và hư so với kiểu trèo cây. Trên đường ra lại chân đèo B40, Nguyên cảnh giác nói: “Bọn này cũng biết để kiểm lâm bắt được sẽ phạt rất nặng nên thường “né” bằng cách luồn vào sâu trong rừng mới hạ cây. Thông thường hạ khoảng dăm cây, tụi này sẽ di chuyển tới nơi khác chứ không loanh quanh một chỗ cả ngày”. Theo lời của Tùng, nhóm thường ưu tiên lấy các loại lan rừng như kim điệp, ngọc điểm, long tu, hoàng lan, lồng đèn, địa lan… vì các loại lan trên hoa quý và đẹp, thường ra hoa đúng tháng để người mua chơi dịp tết nên bán được giá cao. “Như bụi nhỏ hoàng lan này, giá khoảng 20-30 ngàn đồng/bụi. Nếu biết cách ghép nhiều bụi nhỏ, hoa nở rất đẹp và có giá” - Tùng giải thích.

Hôm sau tôi tiếp tục đi với nhóm Nguyên vào gần khu rừng rậm nhiều cây lớn giáp khu vực thủy điện Đồng Nai 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Tiếp tục với chiêu thức tương tự, chỉ trong 3 tiếng tìm kiếm, nhóm đã cưa 7 cây lớn, thu về một bao tải đầy lan kim điệp, hoàng lan và nhiều loại lan khác.

Nhóm Nguyên băm nát cây rừng để kiếm một giò râu rồng
Nhóm Nguyên băm nát cây rừng để kiếm một giò râu rồng


Nhiều nhóm “săn” lan kiểu “tận diệt”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng địa bàn huyện Bảo Lâm đã có khoảng 4 nhóm chuyên “săn” lan rừng bằng cách đốn cây rừng để tìm lan. Ngoài nhóm Nguyên tại xã Lộc Bảo, tại xã Quảng Ngãi, huyện Đạ Tẻh còn có nhóm “săn” lan kiểu “tận diệt” cây rừng của nhóm ông Hường, ông Lợi. Tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm có nhóm của ông K’Bờm, ông Tuyên... Hầu hết các nhóm trên đều lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của kiểm lâm, dùng cưa máy lén lút vào rừng đốn các loại cây cổ thụ có nhiều lan mà bình thường nếu trèo cây sẽ nguy hiểm và không thể lấy được. Cũng theo Nguyên, ngoài việc tổ chức đốn cây để lấy lan, nhiều nhóm còn chuyên đi theo các lâm tặc đốn gỗ rừng để lấy lan. “Nhưng phải quen thân lắm họ mới cho đi chứ không phải dễ” - Nguyên tiết lộ.

Tại địa bàn huyện Đạ Tẻh, chúng tôi làm quen và theo nhóm thanh niên, đứng đầu là Cường (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh). Nhóm của Cường cũng “săn” lan với cách thức “bứng” cả cây để tìm lan. Tại hồ thủy điện Đạ Tẻh, xã Mỹ Đức, Cường thường cùng hai thanh niên khác dùng thuyền máy làm phương tiện đi lấy lan rừng. Khi từ bờ hồ di chuyển lên khu vực giáp rừng, Cường oang oang nói: “Ở đây có cưa cây đổ ầm ầm cũng không ai biết mà tới vì cách hồ nước cả ngàn ha. Mình vận chuyển gỗ mới sợ bị bắt chứ lấy lan thì đơn giản”. Cũng như nhóm của Nguyên, sau khi cưa đổ cây, Cường lấy tất cả các loại lan, từ lan quý tới các loại lan giá rẻ, ít người mua. Được biết, ngày đỉnh điểm nhóm Cường có thể “săn” được 5 bao tải đầy lan rừng. Tất cả số lan Cường lấy được trong ngày đều bán theo hình thức bán ký cho giới buôn lan để bán xuống thành phố Hồ Chí Minh. Theo Cường, giới buôn lan mua đổ đầu bình quân từ 30 tới 200 ngàn đồng/kg lan rừng phân loại theo các loại lan hè tới lan quý. Mỗi ngày kiếm lan như vậy trừ chi phí, mỗi người kiếm được 100-300 ngàn đồng/ngày.

Bà Huệ (Bảo Lộc) - người chuyên thu mua và bán các loại lan rừng cho hay, hiện nay ngoài các loại lan truyền thống, lan quý, giới buôn lan còn săn lùng mua nhiều loại lan hè hay bất cứ loại lan nào cho ra hoa, loại lan lạ sẽ sẵn sàng mua và thương lượng giá. Tùy theo tình trạng bụi lớn hay nhỏ, hoa ra đẹp hay không sẽ có giá bán khác nhau. Bà Huệ cho biết, mình thường mua bán lan rừng quanh năm từ các nhóm “săn” lan tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã nhiều năm. Trước đây, mỗi ngày chị mua được cả tạ lan rừng nhưng giờ gom dữ lắm cũng chỉ được vài chục ký mỗi ngày.
 

Phóng sự: HOÀI THANH