Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

09:08, 28/08/2015

Ngành Giáo dục Lâm Đồng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và thực hiện nhiều chương trình đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Sáng 24/8, hơn 310 ngàn học sinh các bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã tựu trường, chính thức bước vào năm học mới 2015 - 2016. Ngành Giáo dục Lâm Đồng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và thực hiện nhiều chương trình đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 
 
Ngành Giáo dục thường xuyên tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Ngành Giáo dục thường xuyên tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 702 trường (tăng 3 trường so với năm học 2014 - 2015).Tổng số học sinh (HS) toàn tỉnh 310.866 HS. Toàn tỉnh có 8 trường PT DTNT cấp huyện và 1 trường PT DTNT cấp tỉnh, tổng số HS DTTS từ mầm non đến phổ thông trong toàn tỉnh là 71.255 HS (22,92%).
 
310 trường triển khai đề án Dạy và học ngoại ngữ
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành đang triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Ngành đã tiến hành khảo sát, bồi dưỡng cho 743/1.094 giáo viên tiếng Anh, trong đó có 22 giáo viên được gửi đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Có 32 trường THCS với 2.844 học sinh, 6 trường THPT với 445 học sinh học theo chương trình tiếng Anh 10 năm, 245 trường tiểu học và 18 trường tiểu học & THCS triển khai dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần và tự chọn 2 tiết/tuần. Tổng số giáo viên đạt chuẩn theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là 516/1.283 (40,2%).
Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và CBQLGD đầy đủ về số lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý, giảng dạy. Năm học này, toàn ngành có 24.002 CB, GV, CNV, tỷ lệ đạt chuẩn cao (từ 95% đến 100%). Bình quân tỷ lệ giáo viên trên lớp ở tiểu học 1,22 giáo viên/lớp, THCS 1,85 giáo viên/lớp, THPT 2,05 giáo viên/lớp. Ngành Giáo dục đã tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên theo chuyên đề và hướng dẫn giáo viên tự bồi dưỡng thường xuyên với 18.681 giáo viên; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho 66 người và nhiều giáo viên tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học trong nước bằng nguồn ngân sách tự chủ của các trường và cá nhân tự túc. 
 
Trước khi kết thúc năm học 2014 - 2015, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GDĐT, các trường, các đơn vị trực thuộc tập trung xây dựng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, đảm bảo yêu cầu của năm học mới 2015 - 2016. Từ nhiều nguồn vốn, toàn ngành đã sửa chữa và xây dựng mới 356 phòng học, 142 phòng bộ môn, 85 nhà vệ sinh, 20 văn phòng, 1 thư viện, 11 nhà ăn, 10 phòng học đa năng, 5 phòng công vụ, 18 phòng nội trú; trang bị thiết bị dạy học cho các cấp với hơn 81 tỷ đồng để mua sắm thiết bị Lý, Hóa, Sinh, thiết bị giáo dục quốc phòng, máy chiếu, máy vi tính, thanh tương tác thông minh mimio, bàn, ghế, đồ chơi ngoài trời, đồ dùng cho mầm non, phòng học ngoại ngữ, sách tham khảo cho các bậc học... 
 
“Năm học 2015 - 2016, toàn ngành tiếp tục chú trọng đổi mới quản lý, đổi mới dạy và học, gắn với các cuộc vận động và các phong trào thi đua để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ nhà giáo, CBQL và toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục”, bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh. Cụ thể: Ngành Giáo dục triển khai nhiều chương trình mới ở các cấp học. Đối với bậc học mầm non, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường hoạt động vui chơi và các hoạt động trải nghiệm, khám phá của trẻ; chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ, với yêu cầu của xã hội hiện đại và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt là triển khai thí điểm mô hình trường học mới VNEN cấp THCS (lớp 6), áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục với các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương, triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa địa phương tỉnh Lâm Đồng dùng cho giáo dục phổ thông...
 
HÀ LINH