"Bóng cả" của buôn làng

09:09, 14/09/2015

Được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông K'Glu (53 tuổi, ngụ tại buôn Đạ Nha, thôn 7, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) luôn thể hiện vai trò là một "bóng cả" của buôn làng. 

Được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông K’Glu (53 tuổi, ngụ tại buôn Đạ Nha, thôn 7, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) luôn thể hiện vai trò là một “bóng cả” của buôn làng. Khi có việc cần trao đổi với bà con, ông luôn dùng lời lẽ dễ nghe, dễ gần và không một tiếng nặng, tiếng nhẹ. Đây được xem là “bí quyết” của ông trong việc vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.    
 
Ông K’Glu rà soát lại sổ hộ khẩu
Ông K’Glu rà soát lại sổ hộ khẩu

Ông K’Glu là một trong những người có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập buôn Đạ Nha vào năm 1988. Trong ký ức của ông, lúc đó, cuộc sống của đại đa số người DTTS tại buôn Đạ Nha gặp rất nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu du canh, du cư, phát nương làm rẫy. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu mới thành lập, buôn Đạ Nha đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và huyện. Nhiều chương trình đầu tư và làm nhà ở cho bà con đã được thực hiện. Nhờ đó, cuộc sống của người dân đã có chuyển biến rõ nét theo thời gian. Nếu như trước đây, đa số người dân trong buôn đều là hộ nghèo và đói ăn lúc giáp hạt thì nay tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm đều giảm đáng kể (khoảng 2 - 3%/ năm). Hiện tại, trong tổng số 282 hộ dân trong buôn, số hộ nghèo còn 84 hộ và cận nghèo là 37 hộ. Mặc dù số hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao nhưng đạt được kết quả này là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương; trong đó, có sự đóng góp của những người có uy tín trong buôn như ông K’Glu. 
 
Năm 1998, ông K’Glu bắt đầu làm công an viên của thôn. Giai đoạn này, tình hình an ninh trật tự tại địa phương có những diễn biến phức tạp. Tình trạng thanh thiếu niên quậy phá và tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giao cho các doanh nghiệp diễn ra khá phức tạp. Trong suốt thời gian làm công an viên (đến năm 2005) và sau đó là làm trưởng thôn cho đến nay, ông K’Glu cùng với các tổ chức đoàn thể trong thôn đã ra sức tuyên truyền để bà con hiểu việc giao đất, giao rừng là chủ trương lớn của Nhà nước. Bà con nếu biết chịu khó lao động thì cũng sẽ được hưởng lợi từ chủ trương này. Tuyên truyền, vận động là thế nhưng để làm thay đổi nhận thức của bà con không phải là chuyện một sớm một chiều. Thế là, ông K’Glu lại tiên phong đi đầu. Ông vận động con cháu trong gia đình không phát nương làm rẫy hoặc lấn chiếm đất rừng, thay vào đó là đi làm công cho các doanh nghiệp. Ông cũng nhận đất rừng để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Đến nay, 100% bà con trong buôn đều nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh và Vườn Quốc gia Cát Tiên với tổng diện tích gần 8.000ha. Hàng năm, mỗi hộ tại buôn Đạ Nha được hưởng từ dịch vụ chi trả môi trường rừng với số tiền từ 6 - 10 triệu đồng. Nhờ đó, hầu hết bà con không còn phát nương làm rẫy trên đất rừng hoặc đất đã giao khoán cho các doanh nghiệp. Tình trạng phá rừng cũng giảm đáng kể.
 
Hiện tại, 120 hộ nghèo và cận nghèo của buôn Đạ Nha còn tham gia trồng cao su tập trung. Đến nay, cao su đã được 2 năm tuổi. Việc trồng cao su tập trung là một dự án lớn của huyện Đạ Tẻh, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS. Với ý nghĩa đó, ông K’Glu đã cùng với Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn ra sức tuyên truyền, vận động bà con tham gia trồng cao su. Ông K’Glu chia sẻ: “Trước đây, bà con chủ yếu làm theo hộ, chưa làm tập trung với nhau bao giờ nên quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài công tác tuyên truyền, xã Quốc Oai còn thành lập Đội thanh niên xung kích thường xuyên kết hợp với thôn và các nhóm trưởng để đôn đốc và cùng làm với bà con. Đến nay, việc trồng cao su tập trung đã bắt đầu ổn định và trên 80% bà con đã bắt đầu chịu làm”. Ngoài việc trồng cao su tập trung, nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được triển khai tại Đạ Nha. Phát huy tính gương mẫu của người đảng viên, ông K’Glu luôn đi đầu trong việc thực hiện các chương trình, dự án để bà con tin và làm theo. Ông là một trong những người tiên phong trồng cà phê tại một số khu vực thích hợp. Đến nay, gia đình ông đã có 400 gốc cà phê trồng từ năm 2000 và 300 gốc mới xuống giống. Bà con cũng học làm theo nên hiện tại diện tích cà phê trong buôn đã nâng lên khoảng 10ha. Ngoài ra, việc tỉa cành, tạo tán và chăm sóc vườn điều già cỗi cũng được ông K’Glu thực hiện trước. Trong 3 năm thực hiện chương trình này của huyện (có kinh phí hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ/năm), đến nay, đã có 70 lượt hộ thực hiện tỉa cành, tạo tán vườn điều, góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất, cải thiện đời sống.      
 
 Gia đình ông K’Glu hiện sống trong căn nhà đơn sơ với vách ván và mái tôn, thế nhưng, trên các bức vách trong nhà lại treo rất nhiều bằng khen, giấy khen của ông và các con. Hai người con trai của ông là K’Lút đã tốt nghiệp Trường Đại học An ninh, hiện đang công tác tại Công an huyện Đạ Tẻn và K’Liếu đang theo học tại Trường Sỹ quan Lục quân 2. Với ông, việc con cái được học thành tài là “tài sản” lớn nhất của gia đình. Tấm gương của những người con cũng là “bằng chứng” để ông vận động bà con cho con cháu đến trường. Bởi lẽ, theo ông, có cái chữ thì buôn làng mới mong được đổi thay lâu bền.
 
HỮU SANG