Chỉ mong bà con ai cũng được dùng nước sạch

09:09, 29/09/2015

Gặp anh Phạm Tiến Thoảng, Giám đốc Nhà máy nước Đơn Dương, điều đầu tiên ấn tượng với anh chính là chất giản dị, nhiệt thành của người cán bộ trưởng thành từ thực tế. Sinh năm 1968, người đàn ông quê lúa Thái Bình đã có trên 20 năm gắn bó với ngành nước Lâm Đồng.

Gặp anh Phạm Tiến Thoảng, Giám đốc Nhà máy nước Đơn Dương, điều đầu tiên ấn tượng với anh chính là chất giản dị, nhiệt thành của người cán bộ trưởng thành từ thực tế. Sinh năm 1968, người đàn ông quê lúa Thái Bình đã có trên 20 năm gắn bó với ngành nước Lâm Đồng. Không ngại khó, không sợ khổ, anh chia sẻ tâm nguyện của mình như một điều rất bình thường: “Làm hết sức, hết lòng trong công việc không phải vì điều gì to tát,  tôi chỉ mong bà con ai cũng được dùng nước sạch”.
 
Anh Phạm Tiến Thoảng
Anh Phạm Tiến Thoảng
Nhà máy nước Đơn Dương là đơn vị sinh sau đẻ muộn, năm 2008 mới được thành lập. Phạm Tiến Thoảng nhận nhiệm vụ giám đốc nhà máy vào năm 2009, và tới nay anh vẫn gắn bó hết lòng với công việc. Anh chia sẻ, hoạt động của ngành nước ở Đơn Dương là khá khó khăn. Đơn Dương là huyện thuần nông, bà con đã quen dùng nước giếng khoan, giếng đào vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ tưới canh tác. Huyện không có nhà máy lớn, nhà hàng lớn cần dùng nhiều nước. Ngay cả các cơ quan công sở, khi chuyển từ thị trấn D’Ran ra Thạnh Mỹ thành lập huyện lị, do lúc đó chưa có hệ thống nước sạch nên đơn vị nào cũng tự trang bị hệ thống giếng khoan, bơm và bể nước tự phục vụ. Bởi vậy, việc quản lý và phát triển khách hàng mới còn chậm, sản lượng nước thương phẩm còn thấp, chưa sử dụng hết công suất của nhà máy. Tuy nhiên, xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại chính là người dân được sử dụng nước sạch, đặc biệt là các vùng thị tứ thị trấn, khu vực đông dân cư. Và thực hiện chủ trương của lãnh đạo Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, Phạm Tiến Thoảng cùng tập thể đồng nghiệp quyết tâm vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
 
Một trong những khó khăn của ngành nước là tỷ lệ thất thoát cao. Anh Thoảng kể, với những công trình xây dựng mới, tỷ lệ thất thoát cực lớn do công tác đấu nối xả rửa đường ống trong quá trình di dời đường ống, phục vụ mở rộng đường nội thị và phát triển khách hàng mới. Nhà máy nước Đơn Dương cũng vậy, việc xây dựng trạm cấp nước D’Ran và thi công lắp đặt, di dời 3.400m ống các loại khiến tỷ lệ thất thoát nước cao vọt, có tháng lên tới 60-65%. Làm sao để chống thất thoát nước, khắc phục sự cố rò rỉ đường ống, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, Phạm Tiến Thoảng với vai trò người đứng đầu đã cùng cả tập thể thực hiện nhiều giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Vào những giờ khuya, khách hàng ít sử dụng nước, anh Thoảng cùng anh em trong đơn vị khoanh vùng kiểm tra, phát hiện điểm rò rỉ để xử lí kịp thời. Anh bảo, rò rỉ do kỹ thuật xử lí còn dễ, thất thoát nước do “tiêu cực”, do con người chủ động xử lí khó hơn nhiều. Xử lí cơ bản những điểm rò rỉ, tỷ lệ nước thất thoát giảm hẳn là một thành công của anh cũng như tập thể Nhà máy nước Đơn Dương.
 
Do điện áp chưa ổn định, hệ thống điện và máy châm hóa chất của trạm hay xảy ra sự cố phải sửa chữa thường xuyên. Anh Thoảng đã chỉ đạo anh em trong nhà máy thay thế thiết bị, thiết kế lắp đặt lại hệ thống điện, nước giúp hệ thống máy móc vận hành tốt hơn. Với đặc thù khí hậu Đơn Dương, anh Thoảng luôn cẩn thận bố trí ca trực theo mùa, tránh những giờ mưa lũ, đục bồn lọc làm việc kém hiệu quả; thường xuyên kiểm tra đập nước, vét cát, làm vệ sinh, khai thông đảm bảo đủ lượng nước sản xuất phục vụ khách hàng. Trong quá trình thi công trạm cấp nước D’Ran cũng như di dời đường ống mở rộng nội thị, anh Thoảng tích cực phối hợp cùng đơn vị thi công, chủ động ứng vật tư và tiến hành theo phương pháp “cuốn chiếu”, vừa tháo gỡ vừa lắp đặt đường ống nhằm đảm bảo cấp nước liên tục cho khách hàng. Phương pháp này cũng giúp việc thi công an toàn, tiết kiệm chi phí nhân công và vật tư, cải thiện được chất lượng nước. 
 
Hiện nay, tỷ lệ thất thoát của Nhà máy nước Đơn Dương là 20,8%, một con số chấp nhận được so với tỷ lệ hao hụt trước kia và đơn vị đang tiếp tục giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn. Số khách hàng là 2.321 hộ, nước sản xuất 225.842m 3, nước ghi thu 178.880m 3, tăng trên 122% so với kế hoạch được giao. Không dừng lại ở con số, anh Thoảng  tâm niệm đã gắn bó với ngành nước, phải lấy nhiệm vụ đưa nước sạch tới cho khách hàng làm mục tiêu.
 
Diệp Quỳnh