Nghị lực vượt khó học giỏi của những học trò nghèo

08:09, 04/09/2015

Với ước mơ được trở thành người có ích cho xã hội, những cô cậu học trò nghèo luôn có một nghị lực phi thường để vượt qua mọi khó khăn, ngày đêm miệt mài cùng "con chữ" cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Với ước mơ được trở thành người có ích cho xã hội, những cô cậu học trò nghèo luôn có một nghị lực phi thường để vượt qua mọi khó khăn, ngày đêm miệt mài cùng “con chữ” cho một ngày mai tươi sáng hơn.
 
Ngôi trường Tiểu học Tà Nung (Đà Lạt) nằm thấp thoáng bên những vạt cà phê xanh tốt là nơi học tập suốt 5 năm liền của Đa Guót Linh - lớp 5B, cô học trò người dân tộc Cil có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều năm liền là học sinh giỏi của lớp, năm học 2014 - 2015 vừa qua, Linh vươn lên trở thành học sinh xuất sắc nhất trường và được UBND thành phố Đà Lạt tuyên dương, khen thưởng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ làm nương rẫy nhưng luôn cố gắng cho con được đến trường. Linh là chị cả của hai người em còn nhỏ, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau giờ học Linh phụ giúp cha mẹ trông em và làm việc vặt trong nhà, chưa có một ngày được đi học thêm như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Giờ học của Linh là sau khi gia đình đã xong bữa cơm tối, cha mẹ bận rộn với hai em, một mình Linh cặm cụi bên bàn học để hoàn thành bài tập cô giáo giao. “Em luôn tranh thủ học bài trong giờ ra chơi ở lớp để về nhà có thời gian phụ giúp cha mẹ. Em muốn sau này được làm cô giáo để dạy học cho các em nhỏ trong thôn…”, nụ cười bẽn lẽn nhưng ánh mắt sáng ngời của cô học trò nghèo chứa đầy niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng.
 
Còn Đỗ Triệu Vỹ - lớp 10D Trường THPT Lê Lợi (Đơn Dương) từ khi sinh ra đã mồ côi cha. Một mình người mẹ tàn tật nhận tranh về nhà thêu để nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ của Vỹ. Thương mẹ và hiểu hoàn cảnh gia đình, Vỹ luôn cố gắng học tập và phụ giúp mẹ ngoài những giờ lên lớp. 9 năm liền là học sinh giỏi, Vỹ luôn là tấm gương sáng để bạn bè noi theo. Nhiều khi quá khó khăn, Vỹ nghĩ đến chuyện nghỉ học để đi làm giúp mẹ, nhưng trong căn phòng trọ nhỏ, hai mẹ con lại động viên nhau và Vỹ lại nỗ lực vươn lên để tiếp tục đến lớp, theo đuổi ước mơ làm bác sĩ “để sau này có thể chữa bệnh cho mẹ và cho những người nghèo”. Con đường đến trường dài hơn 3 cây số, không kể trời nắng hay mưa, Vỹ vẫn kiên trì cuốc bộ để không vắng mặt buổi học nào. Không có điều kiện đi học thêm, Vỹ tranh thủ hỏi lại thầy cô những gì chưa hiểu, trong giờ học em cố gắng tập trung tiếp thu bài giảng, phần kiến thức “thêm” chỉ là những quyển tài liệu hay sách nâng cao lâu lâu được mẹ mua tặng do đạt thành tích tốt trong học tập. Trong lớp, Vỹ luôn nhiệt tình chỉ bài cho những bạn học yếu hơn. Không những là người con ngoan, trò giỏi, Vỹ còn là một cán bộ đoàn năng động, đi đầu trong các phong trào của lớp, của trường. Khó khăn, vất vả của mẹ con Vỹ vẫn còn đó, nhưng trong sâu thẳm của người mẹ tật nguyền và người con hiếu học, ước mơ vẫn bùng cháy, vẫn thôi thúc mẹ con em để một ngày Vỹ có thể trở thành bác sĩ. 
 
Đó chỉ là hai trong hàng ngàn học sinh nghèo vẫn ngày đêm nỗ lực vượt khó, không từ bỏ ước mơ được tiếp tục cắp sách đến trường. Các em là những tấm gương sáng đầy nghị lực thể hiện cho truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
 
Hà Linh