Từ thực tiễn giảng dạy VNEN tại Di Linh

09:09, 08/09/2015

Vào năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Gung Ré, huyện Di Linh) là 1 trong số 12 trường tiểu học đầu tiên trong toàn tỉnh Lâm Đồng được chọn làm thí điểm để triển khai dạy và học theo "Mô hình trường học mới Việt Nam" (VNEN). Đến năm học 2015 - 2016, số trường giảng dạy theo VNEN tại huyện Di Linh đã tăng lên 15.

Vào năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Gung Ré, huyện Di Linh) là 1 trong số 12 trường tiểu học đầu tiên trong toàn tỉnh Lâm Đồng được chọn làm thí điểm để triển khai dạy và học theo “Mô hình trường học mới Việt Nam” (VNEN). Đến năm học 2015 - 2016, số trường giảng dạy theo VNEN tại huyện Di Linh đã tăng lên 15.
 
Lớp học VNEN tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Gung Ré, Di Linh)
Lớp học VNEN tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Gung Ré, Di Linh)
Trường Tiểu học Kim Đồng có trên 460 học sinh; trong đó, có 60% học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Nhà trường đã triển khai thí điểm Mô hình VNEN từ đầu năm học 2012 - 2013 tại 3 lớp của khối lớp 2 và 3 lớp của khối lớp 3. Từ thực tiễn giảng dạy theo Mô hình VNEN, cô giáo Thái Thị Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, cho chúng tôi biết: Phương pháp giáo dục VNEN là dạy và học theo nhóm, nên học sinh tiếp thu bài vở một cách chủ động. Việc đổi mới dạy và học theo VNEN là phương pháp giảng dạy tiên tiến, thúc đẩy học sinh học tập trong tư thế chủ động, sáng tạo và có sự phối hợp; mặt khác, là chuyển đổi từ cách giảng dạy truyền thụ của giáo viên sang việc tổ chức hoạt động tự học, tự rèn luyện của học sinh. Học sinh nắm bắt và từng bước chủ động thực hiện việc học tập theo qui trình 10 bước học tập, thể hiện được vai trò chủ thể trong quá trình học tập. Từ đó, phương pháp dạy học, việc kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục giúp cũng được điều chỉnh và đổi mới cho phù hợp…
 
Mặc dù trong năm đầu tiên giảng dạy theo VNEN tại Trường Tiểu học Kim Đồng, nếu so với năm học trước đó, kết quả học tập của khối lớp 2 tương đương nhau; còn khối lớp 3 thì tỷ lệ học sinh đạt giỏi và khá có phần giảm hơn. Nguyên nhân cũng là do năm đầu tiên, nhà trường đưa môn Anh văn vào dạy thí điểm 4 tiết/ 1 tuần ở khối lớp 3 (và lớp 4). Nên phần lớn học sinh lớp 3 đạt điểm thấp ở môn Anh văn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là hiệu quả của phương pháp dạy và học theo VNEN mà từ thực tiễn tại Trường Tiểu học Kim Đồng được ghi nhận: “Giáo viên và học sinh đổi mới được phương pháp giảng dạy và học tập. Giáo viên nắm chắc được chương trình, thực hiện có hiệu quả các tiết dạy, bài dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học. Việc tổ chức trang trí, bố trí lớp học theo nhóm đã tạo cho học sinh hứng thú, chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức. Học sinh tự đánh giá mình và đánh giá bạn về kết quả học tập, nên đã tạo được tinh thần tự giác, thi đua trong học tập…”. Do đó, phương pháp dạy và học theo VNEN đã được tiếp tục nhân rộng. Năm học 2013 - 2014, toàn huyện đã tăng lên 4 trường; năm học 2014 - 2015, tăng lên 12 trường (gồm 35 lớp 2, 31 lớp 3, 10 lớp 4 và 3 lớp 5). 
 
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đặng Thị Thu (cán bộ chuyên môn tiểu học của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Di Linh) cho biết: Để thực hiện tốt cho việc nhân rộng VNEN, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề cho cán bộ quản lý và giáo viên; tổ chức hội thảo cấp cụm trường và cấp huyện để các trường học tập, trao đổi kinh nghiệm. Nhờ vậy, cán bộ và giáo viên nắm vững về cách tổ chức giảng dạy theo Mô hình VNEN; chất lượng tiết dạy ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đối với các trường triển khai nhân rộng mô hình VNEN, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc ban giám hiệu thực hiện đúng tinh thần VNEN, là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang trí lớp học; xây dựng mô hình tự quản, các nhóm học tập; hướng dẫn cách học và các bước học tập. 
 
Theo tổng hợp, đánh giá của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Di Linh, trong năm học 2014 - 2015, so sánh kết quả giáo dục học sinh khối tiểu học giữa tỷ lệ bình quân chung và tỷ lệ bình quân học sinh VNEN, cho thấy: Tỷ lệ bình quân chung về phẩm chất chưa đạt chiếm 0,15% (VNEN chiếm 0,08%); năng lực chưa đạt chiếm 0,91% (VNEN chiếm 0,3%); kiến thức - kỹ năng chưa hoàn thành chiếm 1,13% (VNEN chiếm 0,5%). Tuy nhiên, đối với học sinh DTTS, việc học theo VNEN gặp nhiều khó khăn, do các em chưa mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, nhất là học sinh lớp 2. Phổ biến là kỹ năng đọc của các em lớp 2 còn hạn chế. Vì vậy, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện yêu cầu các trường phải tăng cường dạy tiếng Việt cho các em DTTS ngay từ đầu năm học; cho các em ngồi xen kẽ với những em khá, giỏi.
 
Theo ông Phan Đình Đồng, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Di Linh: “Phương pháp dạy theo VNEN được khẳng định là nâng cao tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên lâu nay đã quen với phương pháp truyền thống, nên khi chuyển đổi phương pháp giảng dạy theo VNEN thì gặp phải khó khăn nhất định, nhất là giáo viên lớn tuổi. Do đó, việc cần thiết là phải được tập huấn kỹ càng. Mặt khác, cơ sở vật chất phải được đáp ứng yêu cầu. Nếu không thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập”. 
 
Bước vào năm học mới (2015 - 2016), huyện Di Linh có thêm 3 trường là Trường Tiểu học Liên Đầm I, Trường Tiểu học Tân Nghĩa I và Trường Tiểu học Tân Châu I bắt đầu áp dụng phương pháp giảng dạy VNEN. Như vậy, hiện nay, toàn huyện Di Linh đã có 15 trường giảng dạy theo VNEN. Mặc dù là năm đầu tiên, Trường Tiểu học Liên Đầm I triển khai phương pháp giảng dạy VNEN cho 4 lớp của khối lớp 2, ông Trần Văn Bình, Hiệu trưởng, rất tự tin: “Trường chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ càng; đã tập huấn và đã dạy thử, học thử. Giáo viên và học sinh bắt đầu “vào cuộc”, không có gì lúng túng cả!”.
 
BÙI TRƯỞNG