Xã anh hùng Sơn Điền ngày mới

09:09, 01/09/2015

Đã là về nguồn vùng căn cứ kháng chiến thì có ý nghĩa lớn lắm (vì tôi nguyên là dân học sử mà); thứ hai, tôi lâu lắm rồi không trở lại Sơn Điền (Di Linh, Lâm Đồng) - vùng đất mà từ hồi mới chập chững bước vào nghề báo cách nay ngót nghét hơn một phần tư thế kỷ, tôi đã chọn làm một trong những điểm đến đầu tiên của mình...

Nghe anh Phạm Văn Được, Trưởng ban Chính sách - pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng - nói qua phôn “Dịp Quốc khánh năm nay, LĐLĐ cùng một số tổ chức đoàn thể của tỉnh tổ chức chuyến về nguồn tại xã anh hùng Sơn Điền của Di Linh, anh chuẩn bị đi nhé?”, tôi gật đầu không chút lưỡng lự. Không lưỡng lự là bởi: Đã là về nguồn vùng căn cứ kháng chiến thì có ý nghĩa lớn lắm (vì tôi nguyên là dân học sử mà); thứ hai, tôi lâu lắm rồi không trở lại Sơn Điền (Di Linh, Lâm Đồng) - vùng đất mà từ hồi mới chập chững bước vào nghề báo cách nay ngót nghét hơn một phần tư thế kỷ, tôi đã chọn làm một trong những điểm đến đầu tiên của mình.
 
Lần đến xã anh hùng Sơn Điền gần đây nhất của tôi cũng đã năm, bảy năm trước. Bởi vậy, khi ngồi trên xe với mấy anh chị cán bộ Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh..., tôi làm người quan sát, lắng nghe hơn là tranh luận những chủ đề có liên quan đến vùng căn cứ kháng chiến Sơn Điền. Thấy tôi hơi im lặng, anh Được quay sang bảo: “Chuyến đi làm công tác xã hội này là sự tri ân của lớp cháu con của chúng ta đối với thế hệ người đi trước. Nên, mặc dầu vẫn tặng quà cho gia đình khó khăn, cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn... nhưng tính “cứu trợ” xã hội không được đặt nặng...”. Tôi hiểu ấy là anh Được muốn lưu ý tôi về tính chất của chuyến làm công tác xã hội này của tổ chức LĐLĐ tỉnh và các đoàn thể khác của tỉnh.
 
Một góc Sơn Điền hôm nay
Một góc Sơn Điền hôm nay
 
Chói lòa nắng sớm Sơn Điền
 
Đoàn công tác xã hội có đến 7 chiếc xe bốn bánh: Xe của LĐLĐ tỉnh, xe của Tỉnh Đoàn (chở đoàn bác sỹ trẻ tình nguyện), xe của Hội Chữ thập đỏ, hai chiếc xe chở hàng và thêm hai chiếc xe của các mạnh thường quân. Hàng, quà phong phú lắm - đáng cho một chuyến về nguồn. Hơn 8 giờ sáng, xe của LĐLĐ tỉnh đến nơi trước tiên. Bên trong khuôn viên và cả bên ngoài cổng Trường cấp 1 Sơn Điền, bà con đến đã khá nhiều. Phía ngoài hàng rào, cả một lô một lốc xe máy dựng kín thành mấy hàng dài. Đã hơn 8 giờ sáng nên dẫu nằm lọt trong một thung lũng nhưng mấy dãy nhà xây xen lẫn nhà ván của bà con ở trung tâm xã đã bừng lên sắc nắng ươm mật đến chói lòa. Xe dừng, mấy anh chị trong đoàn nhanh chóng mang những thứ cần thiết vào bên trong cổng trường để trang trí nơi làm lễ. Mấy anh chị bên Tỉnh Đoàn cũng nhanh chóng sắp xếp bàn ghế phía trong phòng học để chuẩn bị khám bệnh và phát thuốc cho bà con. Mỗi người một việc, chẳng mấy chốc là đâu vào đó. Thấy tôi mặt cứ... nghệt ra, chị Đinh Thị Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng, hỏi như là không hỏi: “Anh thấy chúng tôi có “chuyên nghiệp” không?”. Anh Phạm Văn Được “tranh thủ” cung cấp cho tôi một vài số liệu: Quà cho đối tượng có công gồm 20 suất, mỗi suất trị giá 500.000 đồng (do hội viên trong Khối Thi đua Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của tỉnh quyên góp, đóng góp); quà gồm dầu ăn, bột ngọt, gạo, mì tôm... và khám bệnh miễn phí cho 110 đối tượng khó khăn cùng với 20 đối tượng có công là 130 suất, trong đó có 110 người được nhận 100.000 đồng/người; cùng đó, quà cho các em học sinh gồm 342 suất gồm dụng cụ học tập, tập vở, bút...; trong đó có 100 em được tặng thêm bộ quần áo đồng phục đo may.
 
Tôi tranh thủ chạy lại trụ sở UBND xã để tìm gặp ông Chủ tịch. Thấy tôi hớt hải vào cổng, một người đàn ông còn khá trẻ ra dáng cán bộ “chặn lại” rồi tự giới thiệu: “Dạ, em là K’Vít, Chủ tịch xã... Em đang định xuống chỗ làm lễ về nguồn...”. Cách nay năm, bảy năm gì đó, khi trở lại Sơn Điền, tôi khá bất ngờ trước một Chủ tịch xã K’Bôn trẻ măng (khoảng hơn ba mươi tuổi tí thôi). Còn giờ, nghe K’Vít tự giới thiệu, tôi quan sát và thêm một lần nữa bất ngờ: K’Vít bảo rằng mình “còn trẻ mà” khi tự đặt ra cách xưng hô với tôi, rồi cười: “Em vừa được bầu làm chủ tịch hôm 14.8 này đây thôi. Anh chủ tịch cũ lên Tân Châu nhận công tác mới. Em trước đây làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã...”. Lúc làm lễ, nghe giới thiệu Phó Bí thư Đảng ủy xã K’Wuẩn, tôi nhìn người vừa đứng dậy từ hàng ghế đại biểu, anh cũng trẻ măng! Trước lúc lễ diễn ra, tôi cũng đã tranh thủ gặp một số đầu mối hội và đoàn thể của xã, thì ra, các anh, các chị ấy cũng vậy, cũng trẻ măng... Đứng giữa đất trời vùng đất anh hùng Sơn Điền, tôi cứ có cảm giác như đang có một làn gió mới, một cơn nắng sớm đang ngự trị nơi này, vừa mới thổi về, vừa mới bước sang... Và rồi, tôi bỗng nhớ về chuyến đến Sơn Điền cách nay một phần tư thế kỷ: Sơn Điền ngày ấy hoang vu lắm, cách trở lắm... Ngày ấy, cái nghèo cái đói ở đó luôn túc trực trong từng ngôi nhà sàn của người Nộp (một nhánh của người Cơho) ở nơi này. Nhưng, trong sự khó khăn chung của đất nước những ngày ấy, vùng căn cứ kháng chiến Sơn Điền vẫn toát lên sự bình thản đến lạ thường, sự bao dung đến cao độ của vài trăm con người (trước 1975, Sơn Điền chỉ có vài trăm con người) sẵn sàng nhịn ăn để dành gạo nuôi quân trong kháng chiến và sẵn sàng đồng cam cộng khổ để vượt qua những gì phải đối mặt sau những ngày giải phóng và suốt cả thời kỳ bao cấp sau đó nữa. Đến những năm đầu 90 của thế kỷ trước, mặc dầu đã thoát khỏi bao cấp được vài năm nhưng thời gian chưa đủ để lột xác một vùng đất. Sơn Điền cũng vậy; nhưng những con người vốn quen với măng le, rau rừng, đọt mây nơi vùng đất kháng chiến này vẫn cứ ung dung tự tại. Đó là những Ma Vương, K’Măng... 
 
Chuyến trở lại lần này, tôi hầu như không còn gặp ai là người quen cách nay hai mươi lăm năm. Khi nghe tôi hỏi thăm, tân Chủ tịch xã anh hùng Sơn Điền K’Vít nói: “Trong số đó, hầu hết họ đã về bên kia thế giới. Người còn sống, giờ đã già yếu lắm rồi...”. Và bỗng, tôi nhớ đến nụ cười luôn ung dung tự tại của những con người một thời vừa bước ra khỏi chiến tranh ấy như Ma Vương...
 
Khám bệnh cho đối tượng người có công
Khám bệnh cho đối tượng người có công
 
Tin vào ngày mai
 
Lúc còn ngồi trên xe để đến với xã anh hùng Sơn Điền, tôi nói với mọi người: “Từ ngã ba này vào Sơn Điền còn khá xa. Nhưng, cái đáng nhớ nhất là trước khi đến trung tâm xã, chúng ta phải lội qua một con suối. Nó hình như là suối Đạ Rsa thì phải...”. Chiếc xe cứ mải miết lăn bánh. Nó vòng qua đến năm, bảy vòng núi đồi uốn lượn tuyệt đẹp. Khu nhà trung tâm xã anh hùng Sơn Điền thỉnh thoảng lại hiện ra nhưng chiếc xe vẫn chưa thể dừng. Còn tôi, tôi dán mắt ra ngoài cửa xe để mong nhìn lại con suối Đạ Rsa ngày nào... Thấy một vài điểm có bờ ta luy giữa hai vách núi, tôi nghĩ chả nhẽ con suối ngày nào đã mất? Nhưng cuối cùng, may quá, dòng Đạ Rsa vẫn còn đó; nhưng thay vì lội suối như trước thì lúc này, bác tài xế dễ dàng điều khiển chiếc xe ngang qua đập tràn... 
 
Tôi quan sát khá kỹ cái đập tràn xây ngang qua suối. Đến lúc gặp Phó Bí thư K’Wuẩn, tôi tỏ ra lo ngại thực sự: “So với trước, đập tràn là quý lắm rồi. Nhưng vào mùa lũ, nơi đây vẫn bị chia cắt...”. Phó Bí thư K’Wuẩn trả lời ngay: “Huyện đã có kế hoạch xây dựng tại đó một chiếc cầu treo trị giá hơn 7 tỷ đồng...”. Thêm một thông tin đáng mừng!
 
Phía sân trường tiểu học sau các nghi thức là cảnh phát quà, khám bệnh, phát thuốc... và nhất là cảnh sinh hoạt của các em học sinh dưới sự hướng dẫn của mấy anh chị tình nguyện viên trông đến là chộn rộn, náo nhiệt. Tôi theo chân một người phụ nữ vừa nhận phần quà gồm thùng mì tôm, bao gạo, một túi đựng dầu ăn, bột ngọt... đang khệ nệ vác ra phía cổng trường. Chị đặt lên lan can cổng trường nghỉ mệt. Tôi hỏi: “Sao chị không nhờ ai đó mang xe đến chở về nhà...?”. Chị cười: “Hẹn ông xã rồi mà đến giờ chưa thấy “nó” đâu!”. Hỏi chuyện, tôi được biết chị tên là Ka Hun, sinh năm 1969. Chị Ka Hun bảo nhà mình cũng có đất trồng cà phê, trồng lúa nhưng vì đông con và nhất là đứa con thứ tư năm nay vào đại học nên có phần khó khăn. Lân la hỏi chuyện những Ka Tam, Ka Ngã... cũng đều thế cả. Điều này càng chứng minh cho tính chất về nguồn để tri ân một vùng đất nhiều hơn là chuyến làm từ thiện xã hội như sự lưu ý của anh Phạm Văn Được đối với tôi lúc còn ngồi trên xe. Mà đúng là như vậy, tôi hơi... khó tin ngay khi nghe anh K’Vít Chủ tịch xã thản nhiên nói rằng “Sơn Điền hiện không còn hộ đói; hộ nghèo thì giảm xuống chỉ còn 9,54%, cuối năm nay sẽ còn giảm nữa...”. Anh K’Vít còn cung cấp cho tôi một vài con số mà anh bảo rằng “vừa cập nhật” từ khi chính thức làm chủ tịch hôm 14.8 vừa rồi là, bình quân ở đây mỗi hộ có hơn 1ha đất sản xuất; trong đó, đảm bảo trung bình một hộ có gần 1ha cà phê và vài sào lúa nước - hai loại cây trồng “ăn chắc” của Sơn Điền (xã có hơn 570 hộ với hơn 3.000 khẩu; trong khi diện tích cà phê là 555ha, lúa 110ha (hiện có 50% diện tích lúa làm hai vụ). Cùng đó, khoảng gần 50% hộ dân được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng gần 5.100ha (cả xã có gần 10.000ha rừng).
 
Tôi “hỏi khó” K’Vít: “Chuyện làm cà phê và trồng lúa cùng với nhận rừng với bà con là chuyện... cũ rồi. Vậy, cái mới, cái sức bật, cái đòn bẩy của bà con trong lúc này và trong cả tương lai là gì?”. Cứ tưởng vị tân chủ tịch còn khá trẻ này lảng tránh câu hỏi nhưng tôi hơi bất ngờ là anh đã tỏ ra khá nhanh nhạy: “Trước hết, xã chúng tôi sẽ lấy cái nền tảng đã có của cây cà phê và cây lúa để phát triển nhưng phải phát triển theo hướng mới. Đó là, cà phê sẽ được thực hiện cải tạo, tái canh (năm ngoái tái canh 25ha, năm nay tiếp tục triển khai cũng chừng ấy diện tích). Còn cây lúa thì phải nâng lên hai vụ (hiện đã có khoảng 50ha canh tác hai vụ) bằng cách đầu tư hệ thống thủy lợi nhỏ trước khi đợi nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi lớn. Cùng với đó, Sơn Điền cũng sẽ xây dựng một số mô hình điểm như mô hình trồng xen bơ, sầu riêng, chôm chôm... vào vườn cà phê; hoặc như thực hiện một số mô hình chăn nuôi gà, heo địa phương... Về con người, chúng tôi vẫn lấy đối tượng đã thành đạt làm chính nhưng sẽ “cấy” lực lượng trẻ vào (như là con, cháu của các gia đình ấy hiện là lực lượng nòng cốt của tổ chức Đoàn Thanh niên) để dần dần vừa thay thế và vừa làm chủ sản xuất...”. Nghe tân chủ tịch trẻ K’Vít trả lời cặn kẽ đến từng vấn đề, tôi càng tin rằng nơi vùng đất anh hùng Sơn Điền này lại có thêm một luồng gió mới vừa thổi về và ngự trị... 
 
Đoàn chúng tôi rời xã anh hùng Sơn Điền lúc trời đã bước sang quá trưa. Ngang qua đập tràn trên suối Đạ Rsa, tôi bỗng dưng lại nghĩ một cách hình ảnh rằng khi chiếc cầu treo 7 tỷ đồng bắc ngang qua đây cũng là lúc vùng đất anh hùng Sơn Điền của huyện Di Linh thêm một lần nữa bước sang trang mới của sự phát triển.
 
Phóng sự: KHẮC DŨNG