Tăng cường phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống

09:10, 01/10/2015

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Sở Công thương và Sở Tài chính về việc xây dựng đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn liền với phát triển thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Sở Công thương và Sở Tài chính về việc xây dựng đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn liền với phát triển thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.
 
Dệt thổ cẩm của người K’Ho được du khách nước ngoài quan tâm
Dệt thổ cẩm của người K’Ho được du khách nước ngoài quan tâm
Trước đó, vào giữa tháng 9/2015, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam về những vấn đề có liên quan mà các bên cùng quan tâm. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương khẩn trương xây dựng và hoàn thành Đề án “Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với phát triển hàng thủ công mỹ nghệ”. Trong đó, tập trung rà soát, phân tích, đánh giá thực trạng, khôi phục tiềm năng làng nghề truyền thống hiện có, định hướng phát triển cho từng loại hình ngành nghề, làng nghề đặc thù của địa phương gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt là lựa chọn những nghề, làng nghề có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí ưu tiên phát triển du lịch, những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làm quà tặng du lịch. Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ thiết kế mẫu mã, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn, kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất để thu hút lao động địa phương...
 
Mục đích của đề án nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị thu nhập.
 
Được xem là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống, tuy nhiên, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa thuần túy, giá trị chưa cao, sản phẩm làm ra chưa mang tính đặc trưng riêng của địa phương.                     
 
VĂN BÁU