Phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng

08:11, 23/11/2015

Chương trình phòng chống sốt xuất huyết tỉnh Lâm Đồng hàng năm đều triển khai hoạt động mạng lưới cộng tác viên tại các huyện trọng điểm để trực tiếp truyền thông hướng dẫn diệt loăng quăng tại các hộ gia đình. Phòng chống sốt xuất huyết không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của cộng đồng. 

Chương trình phòng chống sốt xuất huyết tỉnh Lâm Đồng hàng năm đều triển khai hoạt động mạng lưới cộng tác viên tại các huyện trọng điểm để trực tiếp truyền thông hướng dẫn diệt loăng quăng tại các hộ gia đình. Phòng chống sốt xuất huyết không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của cộng đồng. Vì vậy phải tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân có kiến thức hiểu biết và thực hành tốt sẽ góp phần vào việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả tại địa phương.   
 
Phun hóa chất phòng chống véc tơ gây bệnh sốt xuất huyết ở Đạ Tẻh
Phun hóa chất phòng chống véc tơ
gây bệnh sốt xuất huyết ở Đạ Tẻh
Sốt xuất huyết (SXH) là loại bệnh truyền nhiễm gây dịch do muỗi truyền với tỉ lệ mắc và chết cao. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, hiện chỉ điều trị triệu chứng và chăm sóc y tế tốt mới có thể cứu sống bệnh nhân. Để giảm lây truyền bệnh thì việc phòng chống véc tơ là nhiệm vụ chính (diệt muỗi, diệt bọ gậy của muỗi Aedes aegypti).
 
Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng chủ trì và ông Nguyễn Văn Lộc - Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm làm chủ nhiệm đề tài “Khảo sát kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống bệnh SXH của cộng tác viên, hộ gia đình tại các huyện trọng điểm  tỉnh Lâm Đồng”. Ông Nguyễn Văn Lộc - chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình cộng tác viên phòng chống SXH tại cộng đồng các huyện phía Nam của tỉnh được triển khai từ năm 1999 nhằm mục đích truyền thông trực tiếp đến người dân làm thay đổi nhận thức và kỹ năng thực hành về phòng bệnh SXH. Từ khi triển khai mô hình đến nay, ở Lâm Đồng chưa có nghiên cứu đánh giá về kiến thức, thái độ thực hành của cộng tác viên (CTV) và hộ gia đình về bệnh SXH. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của ngành Y tế Lâm Đồng vừa mới được nghiệm thu. Mục tiêu nghiên cứu xác định tỉ lệ CTV, hộ gia đình có kiến thức, thái độ, thực  hành đúng về phòng chống SXH; tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành của CTV và hộ gia đình tại địa bàn trọng điểm về SXH. 
 
Đề tài ghiên cứu mạng lưới phòng chống SXH trên 124 CTV và 620 hộ gia đình tại 3 huyện phía Nam của tỉnh (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) từ tháng 6/2014 đến 3/2015 đã đưa ra kết luận: Số CTV có kiến thức đúng về SXH chiếm 87,9% và thái độ đúng về SXH chiếm 79%, có thực hành tốt về phòng chống SXH chiếm 74,2%. Kết quả quan sát kiểm tra dụng cụ chứa nước có lăng quăng là 9,7% tại các hộ CTV.
 
Đối với hộ gia đình: số hộ có kiến thức đúng về SXH chiếm 72,6% và có thái độ đúng về SXH chiếm 79,5%, thực hành tốt về phòng chống SXH chiếm 66,9%. Kết quả quan sát dụng cụ chứa nước có loăng quăng là 17,4% tại các hộ gia đình. Nghiên cứu đã đưa ra nhận định: có mối liên quan giữa trình độ học vấn, tập huấn và thâm niên công tác của đội ngũ CTV với kiến thức hiểu biết về SXH; không có mối liên quan giữa học vấn, nghề nghiệp và hộ gia đình có người bệnh với kiến thức về SXH nhưng có mối liên quan giữa nghề nghiệp, học vấn, hộ gia đình có người bệnh SXH với thái độ phòng chống SXH. Có mối liên quan giữa hộ gia đình có người bệnh SXH với thực hành tốt trong phòng chống SXH và có mối liên quan giữa kiến thức với thực hành phòng chống SXH của hộ gia đình. Nghĩa là, hộ gia đình nào có người mắc bệnh SXH thì sẽ có thái độ và thực hành tốt với bệnh SXH; người dân có kiến thức hiểu biết đúng về bệnh SXH thì có kỹ năng thực hành phòng bệnh tốt. 
 
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả Nguyễn Văn Lộc đã đưa ra một số kiến nghị Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh củng cố và tăng cường công tác quản lý hoạt động CTV tại các huyện có triển khai mạng lưới phòng chống SXH tại cộng đồng để triển khai có hiệu quả chương trình phòng chống SXH. Cần tổ chức kiểm tra kiến thức, kiểm tra về kỹ năng thực hành của CTV nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CTV trong phòng chống SXH tại cộng đồng. Các Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn lại CTV nhằm nâng cao những mảng kiến thức còn thiếu, yếu, đặc biệt là kiến thức hiểu biết về bệnh SXH Dengue. Bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, vận động, thuyết phục người dân thay đổi hành vi. Nâng cao hiệu quả vãng gia (tiếp cận hộ gia đình) của CTV, đưa ra phương thức truyền thông dễ nhớ, các biện pháp phòng bệnh người dân có thể thực hiện được tại nhà. Duy trì hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe thường xuyên thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
 
DIỆU HIỀN