Quy hoạch xây dựng - tạo động lực phát triển đô thị

09:11, 25/11/2015

Nhìn lại sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị" cho thấy những chuyển biến tích cực nhưng đồng thời cũng tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này.

Quy hoạch xây dựng không chỉ tạo ra khung cảnh, kiến trúc mà thông qua đó còn tạo cho đô thị động lực phát triển mang tính bền vững. Nhìn lại sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị” cho thấy những chuyển biến tích cực nhưng đồng thời cũng tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này.
 
Để triển khai Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành vào thời điểm tháng 8 năm 2008 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị”, UBND tỉnh đã có kế hoạch thể chế hóa nghị quyết này và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương thực hiện. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trao đổi với các chuyên gia Pháp về quy hoạch chung thành phố Đà Lạt
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trao đổi với các chuyên gia Pháp về quy hoạch chung thành phố Đà Lạt

Mức độ đô thị hóa còn thấp
 
Thảm nhựa 85% đường giao thông đô thị
 
Theo báo cáo sơ kết Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy, đến nay, hệ thống đường giao thông chính trong đô thị trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 834km và đã được thảm nhựa đạt tỷ lệ 85%. Mật độ đường giao thông so với đất xây dựng bình quân toàn tỉnh đạt từ 7 - 10km/km2. Bên cạnh đó, tỷ lệ cư dân ở đô thị sử dụng nước sạch đạt khoảng 65% và tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh đạt 60%. Riêng tỷ lệ xử lý rác thải y tế hợp vệ sinh đạt khoảng 90%.

KHẢI NHIÊN
Nhìn tổng quan địa hạt hành chính, Lâm Đồng có 12 đơn vị gồm 10 huyện và 2 thành phố. Ngoài đô thị loại 1 thành phố Đà Lạt, đô thị loại 3 thành phố Bảo Lộc và đô thị loại 4 Liên Nghĩa (Đức Trọng), các huyện còn lại có 15 đô thị đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị để được công nhận đô thị loại 5 vào năm 2020. Tất cả các đô thị trên đều có đồ án quy hoạch chung được duyệt còn thời hiệu trong thời gian 5 năm trở lên. Theo UBND tỉnh, trong vòng 7 năm qua, Lâm Đồng đã quyết định phê duyệt hơn 100 đồ án quy hoạch tại các đô thị với quy mô diện tích trên 100.000ha. Đồng thời thỏa thuận hơn 200 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc các dự án xây dựng ngoài ngân sách với tổng diện tích khoảng 15.000ha. Nếu như quy hoạch chung định ra chiều kích, quy mô không gian đô thị, thì quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết được coi là “công cụ”, khuôn khổ để tổ chức sắp đặt các hoạt động phát triển các ngành, lĩnh vực và kiến trúc của đô thị. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc được phủ kín quy hoạch phân khu, còn đối với các thị trấn thuộc các huyện trong tỉnh quy hoạch phân khu được duyệt mới chỉ dừng lại ở giới hạn trong phạm vi trung tâm và chưa vươn tới phủ kín ranh giới hành chính của thị trấn. Mặt khác, ngay như quy hoạch chi tiết, Bảo Lộc có 140 đề án được duyệt nằm trong phạm vi nội thành với diện tích 834ha và chiếm tỷ lệ 11,4% theo kế hoạch phủ kín quy hoạch chi tiết. Tương tự, thành phố Đà Lạt đã có 32/38 khu vực đã và đang triển khai quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết nhưng mới có 4 khu vực quy hoạch chi tiết được duyệt, số đồ án còn lại đang trong giai đoạn phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và trình duyệt nhiệm vụ quy hoạch, dự toán... Công tác quy hoạch xây dựng có tính chất mở đường đối với phát triển đô thị, song việc phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các đô thị trong tỉnh mới chỉ đạt tỷ lệ chung khoảng 40% và tỷ lệ đô thị hóa hiện nay khoảng 30%. Tỷ lệ này được cho là thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng. 
 
Nhiều đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao 
 
Từ các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đi kèm đó là các quy định, quy chế quản lý, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cũng như năng lực, chất lượng tư vấn, thẩm định... và công tác thực thi quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Đó là năng lực, trình độ của các tổ chức, cá nhân làm công tác quy hoạch, tư vấn quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị của tỉnh còn nhiều hạn chế; một vài địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo dẫn tới chưa lập chương trình, kế hoạch theo dõi kiểm tra tiến độ thực hiện của các tổ chức, cá nhân được phân công. Đáng nói hơn, công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng và đô thị chưa đồng bộ, trong khi việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân còn hình thức và chưa thành lập Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch đô thị để nghe các ý kiến chuyên gia trong quá trình thẩm định, phê duyệt dẫn tới chất lượng đồ án có nơi chưa cao. Điều đó được biểu hiện ở nhiều đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt nhưng phải rà soát lại trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch. Thậm chí một số đồ án ngay sau khi quy hoạch được duyệt đã phải xin chủ trương điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý dự án quy hoạch, thẩm định quy hoạch còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực và trình độ chuyên ngành. Đánh giá của các đoàn thanh tra (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra tỉnh, Thanh tra chuyên ngành của Sở Xây dựng...) trong thời gian qua chỉ ra rằng, qua thanh tra công tác quản lý quy hoạch đô thị từ thị trấn đến huyện và thành phố trong tỉnh còn tồn tại nhiều bất cập: thiếu biên chế, yếu chuyên môn dẫn tới có nhiều sai phạm trong quản lý trên các lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất, chuyển quyền và chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng nhà ở sai quy hoạch, không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế. Và, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý quy hoạch và trật tự đô thị dẫn tới vi phạm trật tự xây dựng kéo dài đến nay vẫn chưa thực sự kiểm soát được.
 
Đô thị hóa là quá trình tất yếu, nhưng trong tiến trình đó việc quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị có tạo ra cho đô thị động lực phát triển mang tính bền vững hay không tùy thuộc vào chất lượng quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch. Bởi nếu làm tốt các khâu từ lập đồ án, thiết kế, thẩm định... và quản lý xây dựng sẽ nâng cao điều kiện sống của nhân dân, góp phần thu hút đầu tư, nhanh chóng thay đổi bộ mặt kiến trúc cảnh quan và thẩm mỹ đô thị.
 
XUÂN TRUNG