Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sống đạo đức, nghĩa tình

04:11, 27/11/2015

Đó là vấn đề cốt lõi mà hội thảo về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức tại Resort Terracotta (KDL hồ Tuyền Lâm) ngày 26/11.

Đó là vấn đề cốt lõi mà hội thảo về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức tại Resort Terracotta (KDL hồ Tuyền Lâm) ngày 26/11. Tham dự hội thảo có 80 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành; đại diện các phòng văn hóa thông tin, trung tâm văn hóa, thể thao huyện, cán bộ văn hóa xã và những người có trách nhiệm với sự nghiệp văn hóa.
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Đề dẫn của bà Nguyễn Thị Nguyên -  Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng nêu rõ: Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc bản địa; tăng cường ngoại giao văn hóa; giáo dục con người văn hóa trong nhà trường; nâng cấp đồng bộ thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở... Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng những kết quả đạt được chưa cao, chưa tạo thành động lực, có sức lan tỏa lớn trong tập thể, cộng đồng. Sự quan tâm phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển xã hội. 
 
Hội thảo đã tập trung tìm kiếm giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, các sở, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện, tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chương trình hành động của Tỉnh ủy và nghị quyết của TW Đảng đã đặt ra. Đồng thời đi sâu tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục, cốt cách văn hóa của người Việt Nam và phù hợp với thời kỳ hội nhập sâu rộng toàn diện về kinh tế, văn hóa, giao lưu quốc tế; xác định mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực công tác; những giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 
 
Vì mọi sự phát triển, mọi mục tiêu phát triển đều vì con người, thì văn hóa phải được đặt ngang tầm với kinh tế, chính trị và xã hội, tất cả vì mục đích cuối cùng là phục vụ con người. Các đại biểu đã mang đến hội thảo 19 tham luận là ý kiến tâm huyết, những trăn trở. Có thể kể: Văn hóa trong phát triển kinh tế và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh (Trần Trung Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh), Một số giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Lâm Đồng (Bùi Thanh Long - Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Vai trò của chức sắc tôn giáo trong xây dựng và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng (Ths.Lê Minh An - Phó Ban Tôn giáo tỉnh), Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa trong thời kỳ hội nhập tại Lâm Đồng (Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ). Bên cạnh đó, là những tham luận Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển con người toàn diện trong nhà trường (Sở GD-ĐT), Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người tại Lạc Dương (Phòng VHTT Lạc Dương), Tuổi trẻ Lâm Đồng với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc (Tỉnh Đoàn Lâm Đồng), Vai trò, trách nhiệm của cán bộ văn hóa xã trong việc đưa nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người đi vào cuộc sống (Nguyễn Văn Kiệm, cán bộ văn hóa xã Đông Thanh - Lâm Hà), Sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng)... 
 
Ông Trần Văn Hiệp - UVBTV, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo NQ33/TW không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành văn hóa, mà là của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa con người là một con đường xa, nên rất cần sự phối hợp của các cấp các ngành để “đi cùng nhau” đến đích. Mà mục đích cuối cùng, cốt lõi nhất là xây dựng nền văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc, con người sống với nhau có nghĩa, có tình. Hội thảo sẽ không dừng lại ở nhận diện văn hóa, đề xuất, kiến nghị, giải pháp mà phải được cụ thể hóa thành văn bản, tiếp nhận, hành động, vận dụng và ứng dụng trong đời sống.
 
Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến thiết thực, tâm đắc:
 
* Ông Trần Trung Hiếu (Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh): Văn hóa Đảng phải cắm rễ sâu vào văn hóa dân tộc, mang những giá trị tinh túy nhất, tinh hoa nhất của văn hóa dân tộc. 
 
Xây dựng văn hóa trong chính trị, trước hết phải quan tâm đến xây dựng văn hóa Đảng, và vấn đề này có nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó trên hết và cốt lõi là vai trò tiên phong của mỗi đảng viên. Để góp phần xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh là trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Là lực lượng tiên phong, tổ chức lãnh đạo xã hội thì toàn Đảng và mỗi đảng viên phải thật sự trở thành biểu tượng của phẩm giá, đạo đức con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Văn hóa Đảng có đặc thù riêng, nhưng văn hóa Đảng cũng là một bộ phận của văn hóa dân tộc, bộ phận tiên tiến nhất, ưu tú nhất. Văn hóa Đảng chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, cắm rễ sâu vào văn hóa dân tộc.
 
* Ông Nguyễn Ước (Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt): Cần phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, về con người: tuyên truyền cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thì sẽ rộng khắp, lâu bền.
 
Đà Lạt đang xây dựng thành phố văn minh, thân thiện với 7 tiêu chí trọng tâm: xây dựng trang trí nhà cửa, hàng quán; giao tiếp ứng xử nơi công cộng; văn minh thân thiện trong tham gia giao thông; trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; trong ứng xử với môi trường thiên nhiên; tổ chức tang ma, cưới xin, lễ hội; xây dựng môi trường xã hội an toàn. Tất cả các tiêu chí đều thể hiện nội dung văn hóa, trình độ và phẩm chất con người. Tuy nhiên, muốn đi sâu, đi rộng, đủ sức cảm hóa trở thành dấu ấn nền tảng trong sinh hoạt mỗi người, mỗi nhà, cần phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, về con người: tuyên truyền cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thì sẽ rộng khắp, lâu bền.
 
* Ông Phan Hoàng Anh (Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng): Cán bộ phải làm gương cho nhân dân làm theo.
 
Bảo tồn văn hóa phải đi song hành với việc gạn lọc những giá trị văn hóa, loại bỏ hủ tục lạc hậu (thách cưới, lễ nghi tang ma) làm cho văn hóa phù hợp với sự phát triển. Cán bộ, đảng viên phải luôn làm gương cho nhân dân, kêu gọi nhân dân tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới xin, ma chay thì cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu cho nhân dân làm theo. 
 
Trong thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống như tệ nạn xã hội, những vụ án kinh hoàng, bạo lực học đường; con người Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn đối xử với nhau, đối xử với du khách trong cái tình. Phong cách ứng xử văn hóa của người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch, mến khách đã được nhiều bè bạn khắp nơi khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng ngợi khen. Cần có cơ sở khoa học, triển khai thành một công trình nghiên cứu khoa học làm cơ sở để triển khai rộng rãi, coi đó là niềm tự hào, đi vào đời sống nhân dân như một quy ước, làm cho nét đẹp văn hóa đó ngày càng được nhân rộng lên, không bị mai một.
 
* Ông Trần Thanh Hoài (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ): Văn hóa là công cụ, sức mạnh mềm trong ngoại giao 
 
Khi khoảng cách về sức mạnh chính trị và kinh tế giữa các quốc gia ngày càng thu hẹp thì ngoại giao văn hóa trở thành một công cụ mang tính “sức mạnh mềm” gắn kết các quốc gia và là chìa khóa đối ngoại hiệu quả nhất. Muốn vậy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc phải xác định và định hình bản sắc riêng của mình để ngoại giao. Trong thời gian qua, Đà Lạt - Lâm Đồng đón nhiều đoàn khách cấp cao với 5.000 khách nước ngoài đến làm việc, tổ chức từ thiện, tham quan cơ sở sản xuất; đồng thời tỉnh đã cử gần 1.000 lượt cán bộ, công chức tham gia học tập, tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương, các nước trên thế giới. Qua đó, đã đưa văn hóa, con người Đà Lạt - Lâm Đồng đến với bạn bè quốc tế, được bạn bè nhận diện và đánh giá cao. Phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ nét đẹp riêng của mình trong quá trình hội nhập.
 
QUỲNH UYỂN