Gắn phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng - an ninh

07:12, 30/12/2015

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của Lâm Đồng có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 14%, thu nhập bình quân đầu người (năm 2015) đạt trên 52 triệu đồng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. 

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của Lâm Đồng có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 14%, thu nhập bình quân đầu người (năm 2015) đạt trên 52 triệu đồng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,6% (năm 2010) giảm xuống còn khoảng 1,9% (năm 2015). 
 
Hội thao 3 môn quân sự phối hợp nữ dân quân tự vệ
Hội thao 3 môn quân sự phối hợp nữ dân quân tự vệ

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội
 
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy và khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích gieo trồng đến năm 2015 ước đạt 342.870 ha, tăng 9,1% so với năm 2010. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, khâu làm đất được cơ giới hóa trên 95%. Thông qua việc đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển đổi giống và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cho năng suất phần lớn các cây trồng đều tăng qua các năm. Một số cây trồng đạt giá trị kinh tế cao như: rau đạt bình quân 250 triệu đồng/ha/năm, cà phê đạt 95 - 100 triệu đồng/ha/năm, hoa đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm… Sản xuất lâm nghiệp phát triển theo hướng giảm khai thác rừng tự nhiên, tăng cường quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và trồng rừng kinh tế; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực lâm nghiệp hàng năm khoảng 180 - 200 tỷ đồng để trồng, chăm sóc rừng trồng và giao khoán bảo vệ rừng. 
 
Về sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã năng động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 12.310 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 22,5%/năm. Đến cuối năm 2015, các Khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội thu hút được 68 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3.270 tỷ đồng và 69,4 triệu USD; có 36 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 1.870 tỷ đồng và 35 triệu USD… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, như: Cảng hàng không Liên Khương; đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt; đường ĐT 723, 721, 725; Thủy điện Đồng Nai 2, 3 và 4; Tổ hợp Bauxit - Nhôm; Khu Hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng… đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Kinh tế khởi sắc đã tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh và phát triển toàn diện. Phong trào xây dựng thôn, khu phố, gia đình văn hóa được cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.304 thôn, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 83,4%; 241.939 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, đạt 85,4%; 40 xã, phường, thị trấn được công nhận văn hóa, đạt 27,2%; 1.133 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 82,5%... Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động giáo dục và đào tạo. Tính đến năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 709 trường với gần 300.000 học sinh và trẻ mầm non ra lớp, tăng 48 trường so với năm học 2010 - 2011. Chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học có sự chuyển biến tích cực và bền vững. Hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng được củng cố và phát triển, với 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng và 4 trường trung cấp dạy nghề… Mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 2.567 giường bệnh (tăng 339 giường so với năm 2011), bình quân 22,5 giường/10.000 dân (không tính giường bệnh tuyến xã). Đội ngũ cán bộ ngành y tế thường xuyên được củng cố, biên chế đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
 
Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh
 
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng cơ quan Quân sự, Công an tỉnh vững mạnh về mọi mặt, đủ khả năng tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quốc phòng - an ninh. Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức đăng ký công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ (DQTV), tuyển chọn kết nạp vào lực lượng DQTV bảo đảm chất lượng ngay từ đầu vào. Hiện nay, lực lượng DQTV của địa phương được xây dựng đạt tỷ lệ 1,42% so với dân số; bảo đảm đủ các thành phần lực lượng như: cơ động, tại chỗ và binh chủng. Chất lượng chính trị trong DQTV hàng năm được nâng lên. Từ 2011 - 2015 đã phát triển được 1.043 đảng viên, nâng tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV lên 22,8% (năm 2015); trong đó, đảng viên trong lực lượng dân quân chiếm 18,8% và đảng viên trong tự vệ chiếm 43,7%. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 147/147 chi bộ ban CHQS cấp xã, trong đó có 72/147 chi bộ quân sự có chi ủy; 131/163 trung đội dân quân cơ động có tổ đảng, 220/489 tiểu đội dân quân cơ động có đảng viên… Trong công tác huấn luyện DQTV, với phương châm “cơ bản, thiết thực và chất lượng”, sát với tình hình thực tế, phù hợp với tổ chức, trang bị và sở trường cách đánh của DQTV. Trên tinh thần đó, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch theo đúng nội dung, chương trình phù hợp với tình hình địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch đề ra. Hàng năm, 100% các đầu mối đơn vị đều tổ chức huấn luyện, kết thúc huấn luyện có tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả với 100% đơn vị đạt yêu cầu, trong đó kết quả khá - giỏi chiếm trên 80%. 
 
Xác định diễn tập là một hình thức huấn luyện nâng cao nhằm rèn luyện tác phong chỉ huy của cán bộ, hàng năm Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với từng loại hình diễn tập. Trong 5 năm (2011 - 2015), 100% huyện, thành phố tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ; các huyện, thành phố tổ chức diễn tập chiến đấu - trị an cho 147/147 xã, phường, thị trấn. Thông qua các loại hình diễn tập, trình độ tổng hợp của cán bộ, chiến sỹ DQTV nói riêng và sự điều hành của cấp ủy, chính quyền cũng như sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương nói chung được nâng lên rõ rệt; khả năng huy động lực lượng, kỹ năng chiến thuật từng người và phân đội được nâng cao, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã và đang đào tạo 2 khóa Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quân sự cơ sở cho 180 đồng chí; đã và đang đào tạo cao đẳng, đại học ngành Quân sự cơ sở cho 102 đồng chí, hiện nay đã ra trường 25 đồng chí, đang đào tạo 77 đồng chí..
 
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng - an ninh, tạo được sức mạnh tổng hợp trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. Thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2015 đã đặt nền móng vững chắc để xây dựng Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
 
LÊ HỮU TÚC