Gặp gỡ thực tập sinh từ Nhật Bản trở về

10:12, 30/12/2015

Năm 2015, Lâm Đồng là 1 trong 4 tỉnh của cả nước đưa thực tập sinh ra nước ngoài trong vòng 4 năm nay theo tinh thần Chỉ thị 41 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Sở LĐTB&XH Lâm Đồng và Chi nhánh Nhật Bản (Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế SOVILACO) thuộc Bộ LĐTB&XH phối hợp tổ chức buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa đối với TTS hoàn thành xuất sắc hợp đồng tu nghiệp 3 năm tại Nhật Bản. 

Năm 2015, Lâm Đồng là 1 trong 4 tỉnh của cả nước đưa thực tập sinh (TTS) ra nước ngoài trong vòng 4 năm nay theo tinh thần Chỉ thị 41 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Sở LĐTB&XH Lâm Đồng và Chi nhánh Nhật Bản (Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế SOVILACO) thuộc Bộ LĐTB&XH phối hợp tổ chức buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa đối với TTS hoàn thành xuất sắc hợp đồng tu nghiệp 3 năm tại Nhật Bản. 
 
Đại diện những thực tập sinh xuất sắc trong ngày hội ngộ trên quê hương Lâm Đồng
Đại diện những thực tập sinh xuất sắc trong ngày hội ngộ trên quê hương Lâm Đồng

Đại diện các TTS là những nữ lao động trẻ đến từ các địa phương Đà Lạt, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Di Linh của Lâm Đồng và còn có cả tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre. Chia sẻ với Báo Lâm Đồng, ông Vũ Quang Luân - Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ JVPF MuRaYaHa, kiêm Giám đốc Chi nhánh Nhật Bản bày tỏ cảm kích về cuộc gặp gỡ chưa từng có ở 4 tỉnh triển khai chương trình khép kín xuất khẩu lao động do công ty thực hiện. Ông Luân cho biết, hàng năm, công ty có hơn 300 người đi lao động ở Nhật Bản, trong đó tỉnh Lâm Đồng có số lượng lớn nhất và càng ghi nhận ở chỗ, Lâm Đồng có số người vi phạm ít nhất. “Đạt được hiệu quả này là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, quán triệt sâu sắc của ngành LĐTB&XH địa phương và chất lượng giáo dục ý thức của người lao động rất tốt. Cách làm của Lâm Đồng có trọng điểm như Lâm Hà, Bảo Lộc, Đức Trọng và Đạ Tẻh chứ không làm tràn lan, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng”, ông Luân nhận xét. Mặt khác, cũng theo ông Luân, thành quả này còn là kết quả của sự phối hợp giữa các ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là ngành ngân hàng đã giải ngân cho vay vốn linh hoạt. Để chủ trương khép kín đạt kết quả thực sự, ông Luân mong muốn Sở LĐTB&XH Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ bằng hình thức phát huy và tận dụng nguồn tài chính, vốn tri thức của đội ngũ TTS khi trở về với địa phương. Mặt khác, để phát huy được lực lượng lao động tại chỗ hiệu quả nhất trước và sau khi hoàn thành lao động tại nước ngoài rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành LĐTB&XH và Giáo dục - Đào tạo. 
 
Tại buổi gặp gỡ, nhiều cảm xúc của các TTS bộc lộ, trong đó điểm chung nhất là niềm vui và sự tự hào vì đã lĩnh hội được nhiều tri thức lao động của một môi trường tiên tiến. Nguyễn Thị Ngọc Yến, sinh năm 1989, ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, xuất cảnh sang Nhật tháng 4/2012, làm nghề may tại tỉnh AiChi, có gia đình trước khi xuất cảnh. Yến cho biết: Với mức thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng, cô đã phụ giúp chồng ở nhà một nguồn tài chính lớn để chăm sóc con nhỏ 6 tuổi, sửa lại căn nhà 300 triệu đồng, chăm sóc 1ha cà phê và hồ tiêu. Cùng thực tập với Yến, Nguyễn Thị Thanh Tâm, sinh 1987, ở phường 10, thành phố Đà Lạt chia sẻ: Vui vì học hỏi được nhiều về môi trường làm việc rất khoa học. Thời gian 3 năm ở Nhật, cô tranh thủ học thêm nghề nấu ăn nên nay bằng số vốn liếng tài chính và tri thức, Thanh Tâm mở một quán các món ăn Nhật Bản tại đường Bà Triệu. Thanh Tâm khuyên những người đến Nhật Bản sau mình rằng, hãy tích cực làm việc và năng giao tiếp cởi mở quảng giao với người Nhật để học hỏi thật nhiều điều bổ ích. Nguyễn Thị Thanh Tâm có em gái là Nguyễn Thị Thu Thảo sau khi hoàn thành xuất sắc đợt thực tập 3 năm vừa trở lại nước Nhật hôm 12/12 để xây dựng gia đình với đức lang quân là người Nhật Bản. 
 
Cũng chia sẻ những niềm vui lớn vì được học hỏi nhiều kinh nghiệm về kỹ năng lao động chuyên nghiệp, những nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản, các nữ lao động Lâm Đồng đều chứng tỏ bản lĩnh của mình. Họ trở về nước trong nhiều tháng của năm 2015, đó là Nguyễn Hoàng Oanh, phường 2, thành phố Bảo Lộc; Văn Thị Diệu Thanh, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng; Lê Thị Thoan, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh; Nguyễn Thị Ái Thu, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh... Lê Thị Thoan sinh năm 1988, làm nghề may đệm xe hơi tại Nhật Bản không giấu niềm vui khi được hòa nhập với cộng đồng người lao động đến từ nhiều quốc gia. Về lại Đạ Tẻh, cô quyết định sử dụng một số vốn tích lũy được tự lập nghiệp bằng mở trang trại chăn nuôi gia súc cho mình. Còn Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà thay mặt tất cả các bạn thực tập sinh trở về cảm ơn sự quan tâm của tỉnh và ngành LĐTB&XH đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn được đến với đất nước Nhật Bản học tập, lao động và sinh sống. Tuyết Hạnh phát biểu: “Chúng cháu trở về quê hương với một diện mạo mới cùng với một niềm tin mới. Chúng cháu hiện nay đã có thể làm được nhiều việc mà trước đây chỉ mơ ước thôi chúng cháu cũng chẳng dám nghĩ tới. Các bạn thực tập sinh hôm nay có mặt rất đỗi tự hào vì đã thực hiện đúng lời hứa của mình với lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng và các thầy cô thuộc Chi nhánh Nhật Bản, các bạn đều là những thực tập sinh đã hoàn thành xuất sắc hợp đồng lao động, xứng đáng với lòng tin mà các bác, các chú, các thầy cô dành cho”. 
 
Nguyên Giám đốc Sở LĐTB&XH Lâm Đồng Trương Ngọc Lý cũng bày tỏ niềm vui trước sự trưởng thành của con em Lâm Đồng sau 3 năm TTS tại Nhật Bản. Ông Lý hết sức ngưỡng mộ về ý chí, nghị lực làm việc của người Nhật khi được chứng kiến tận mắt và mong muốn con em Lâm Đồng trở về nước phát huy tinh thần ấy. “Các bạn sẽ là tấm gương để thế hệ các em noi theo, các bạn là những tuyên truyền viên thuyết phục nhất”, ông Lý gửi gắm đến những TTS. TTS phải trở thành tài sản quý của nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đó cũng là cốt lõi của Chỉ thị 41 Bộ Chính trị đã nêu. Vấn đề là địa phương có định hướng phát huy tiềm năng của đội ngũ TTS, từ vốn tài chính đến kỹ năng sống, kỹ năng lao động...; đồng thời, bản thân người lao động phải chủ động tham gia với địa phương chứ không chỉ ngồi chờ. 
 
ĐẠO PHAN