Những người văn minh

09:12, 31/12/2015

Ở ngôi làng xa tít mù khơi ấy, đến cái tên cũng chẳng dễ để nhiều người nhớ, lại đang có một đời sống văn minh khiến nhiều cư dân phố thị đang sống trong những nơi được công nhận danh hiệu văn hóa cũng phải thèm muốn và ghen tị. 

Ở ngôi làng xa tít mù khơi ấy, đến cái tên cũng chẳng dễ để nhiều người nhớ, lại đang có một đời sống văn minh khiến nhiều cư dân phố thị đang sống trong những nơi được công nhận danh hiệu văn hóa cũng phải thèm muốn và ghen tị. 
 
Đi đâu đó, công việc hoặc rong chơi, ngang qua thôn 5 - xã Rô Men (hay còn gọi là làng Mông) của huyện nghèo Đam Rông, nếu chẳng may phương tiện di chuyển của bạn là xe gắn máy bị hỏng hóc, nếu còn muốn đi tiếp, chắc hẳn bạn phải tuân thủ một vài nguyên tắc. Nói còn muốn đi tiếp là bởi cả khu làng của người Mông nơi đây chỉ có duy nhất một tiệm sửa xe, và cũng phải tuân thủ nguyên tắc vì anh chủ quán sẽ không sửa cho những ai ngồi vắt chân phì phèo hút thuốc hoặc miệng đã phả hơi cồn.
 
Giàng Seo Long - ông trưởng thôn của thôn nhiều cái không
Giàng Seo Long - ông trưởng thôn của thôn nhiều cái không

Ngôi làng nhiều cái không
 
… Vàng A Báo là ông chủ của tiệm sửa xe đặc biệt ấy. Anh cũng chưa “cực đoan” đến mức như lời giới thiệu ở trên, nhưng nói như anh là cái gì cũng “có cái lý của người Mông”. 
 
“Hút thuốc đã hại cho sức khỏe, lại còn uống rượu, nếu mình sửa, họ đi tiếp vừa nguy hiểm cho bản thân rồi gây hại cho người khác nữa. Đơn giản thế nên mình từ chối thôi”, Báo thật thà nói theo cái lý của mình.
 
Thời mới lớn, chưa gia đình con cái, Vàng A Báo cũng hút, hút nhiều là khác, anh nói vậy. Nhưng từ khi có con nhỏ, thấy bất tiện anh bỏ hẳn thuốc, rượu đương nhiên không đụng tới một giọt. Người trong làng đến sửa xe, anh tuyệt nhiên không sửa nếu đụng đến thuốc lá, người ngoài anh “dân vận” khuyên can - nên bỏ thuốc, nếu không nghe, anh mời ra ngoài hiên nhà sát đường có bàn ghế để thỏa mãn.
 
Gia đình Báo ngoài nghề sửa xe, còn có một “siêu thị” mini đúng nghĩa. Từ cá khô đến nước ngọt, mì gói đến dầu ăn… chỉ có hai mặt hàng không được gia chủ bày bán, đương nhiên là thuốc lá và bia rượu. Và nếu có bán chắc cũng chỉ bán cho khách vãng lai, bởi trong làng từ thanh niên cho đến người già, chẳng ai đụng đến những thứ độc hại mà cả xã hội thừa nhận, dù chúng là những thứ cám dỗ chẳng dễ để từ chối và từ bỏ.
 
Khách đến mua hàng của Báo cũng văn minh và rất lạ theo cách thông thường. Khách hàng toàn người quen, họ còn biết giá các mặt hàng hơn chủ. Người già dẫn con trẻ mua quà, tự động lấy bánh kẹo rồi đưa tiền, không hề có sự trả giá qua lại giữa chủ và khách. Đám thanh niên đi nương rẫy về, giữa trưa đói mệt, ghé quán tự động lấy chai nước ngọt, que kem… ăn giải khát như kiểu của đám học trò phổ thông. Chẳng bù cho dân công chức, hoặc người lao động ở những nơi khác, sau một ngày bù đầu với công việc bàn giấy lại khuây khỏa bằng cách “làm vài ve giải mỏi”. 
 
Nơi không cần tấm bằng danh hiệu
 
Ở thôn 5 Rô Men, ngôi làng chỉ vừa thành lập cách đây hơn 10 năm, chỗ lạc nghiệp cho những người Mông di cư tự do, thuốc lá chưa bao giờ là vấn nạn, cũng khác xa so với các trung tâm tỉnh lị, huyện lị khác, nơi băng rôn, khẩu hiệu cấm hút thuốc nơi công cộng treo giăng tràn lan từ ngoài đường cho đến phòng họp.
 
Giàng Seo Long - Trưởng thôn 5, đương nhiên cũng là một người không hút thuốc và uống rượu. Ở cái tuổi ngoài 50 nhưng ông cường tráng và khỏe mạnh như gã trai mới lớn. Ông thành thật khi tôi hỏi?: “Ngày thanh niên có uống, có hút, nhiều là khác, nhưng thấy nó không tốt cho mình nên tôi bỏ lâu rồi”.
 
“Những năm trước mới vào, đói khổ lắm, giờ không còn nữa. Ai cũng vui vì cái bụng đã ấm. Cả làng không ai còn đam mê thuốc, rượu. Ma chay, cưới hỏi, hủ tục ngày xưa giờ cũng bỏ hết, cũng còn rất ít người không sinh con thứ ba…”, ông Trưởng thôn hồ hởi “khoe” thêm với tôi.
 
Nếu ai đó được mời ăn dự một đám cưới ở thôn 5, chắc hẳn sẽ rất “buồn” khi cả tiệc không có một chén rượu, điếu thuốc “làm quà câu chuyện” như nó vẫn thường thế.
 
Một ngôi làng xa tít nơi góc rừng của xứ Đam Rông, nghèo đói và lạc hậu lại đang xây dựng cho mình những thiết chế văn hóa chuẩn mực, chẳng cần thông qua văn bản, quy định giấy tờ ràng buộc nào khác. Chưa có tấm bảng “Quyết tâm giữ vững danh hiệu thôn văn hóa” treo ở đầu con dốc nơi cửa ngõ thôn, nhưng người dân ở thôn 5 đang có một đời sống lành mạnh theo đúng nghĩa của hai chữ - văn minh. Tất nhiên, không phải kiểu văn minh theo trào lưu âu hóa, ai cũng muốn là những nhà cải cách xã hội của tầng lớp trí thức tiểu tư sản trong câu chuyện Số đỏ của Nhà văn Vũ Trọng Phụng, cũng không hẳn kiểu “ngụy trang”, chạy đua theo bệnh thành tích như một số khu dân cư vẫn thường làm thế. Ở đây, người Mông trong thôn sống theo đúng nghĩa của khái niệm “tình làng nghĩa xóm”, của ân cần đùm bọc, “tắt lửa tối đèn” có nhau. Yên bình và ấm áp!
 
Không dám nhận lời mời ăn bữa cơm chiều với ông Trưởng thôn Giàng Seo Long, chỉ vì câu dặn trước: Không có chút cay như thường lệ để đưa đường. Tôi về phố, về với đèn hoa, với ngột ngạt khói bụi, để dằn lòng tự vấn mình là người văn minh. Đành vậy!
 
Phóng sự: Lam Anh