Nỗi niềm Ma Hiêng

09:12, 31/12/2015

Tôi biết đến Ma Hiêng và những thành tích xuất sắc trong học tập của em. Thật sự tò mò về mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng nên đóa hoa rừng tài năng ấy, tôi tìm đến thôn Klong Bong - nơi rộng nhất, cao nhất và xa nhất của xã Tà Năng.

Tôi biết đến Ma Hiêng và những thành tích xuất sắc trong học tập của em. Thật sự tò mò về mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng nên đóa hoa rừng tài năng ấy, tôi tìm đến thôn Klong Bong - nơi rộng nhất, cao nhất và xa nhất của xã Tà Năng. Đứng giữa thôn nhỏ nghèo khó ấy, càng thấu hiểu hơn về nghị lực và nỗi niềm trăn trở của người con gái Chu Ru trong hành trình chinh phục con chữ để đem lại hạnh phúc cho những đứa trẻ ở buôn làng. 
 
Ma Hiêng trong hành trình truyền thụ kiến thức cho những học sinh ở trường dân tộc nội trú
Ma Hiêng trong hành trình truyền thụ kiến thức cho những học sinh ở trường dân tộc nội trú

Năm 2011, Ma U Ma Hiêng là thủ khoa khối C và á khoa kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Đà Lạt. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em, Ma Hiêng cũng như bao đứa trẻ khác của buôn làng, lớn lên mạnh mẽ như cây rừng. Từ nhỏ, em đã quen với những mùa lên rẫy phụ mẹ, hay những ngày chăn bò, lấy củi dưới cái nắng cháy da. Nhưng em là một trong số ít những đứa trẻ nơi đây học hành đầy đủ bởi ước mơ thay đổi cuộc đời. Có lẽ vì thế mà khi các bạn đồng trang lứa lần lượt rời trường lớp để đương đầu với những bộn bề lo toan của cuộc sống, thì Ma Hiêng vẫn kiên trì với từng trang sách, con chữ. Để rồi mười một năm liền là học sinh giỏi, giải 3 học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh lớp 12 và giải khuyến khích môn Văn dành cho học sinh các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc là những trái ngọt đầu đời cho những cố gắng của em... Kết thúc bốn năm đại học, tên em lại một lần nữa được xướng lên khi tốt nghiệp ngành Sư phạm với tấm bằng loại giỏi, được đặc cách bố trí giảng dạy tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh vào đầu năm học 2015 - 2016 và là một trong những đại diện của ngành giáo dục tham gia Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ V. 
 
Ma Hiêng nói, “với những gì đang có, em rất vui, nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn”. Cái không trọn vẹn ấy bởi những nỗi niềm trăn trở về buôn làng. Chính ở nơi thân thuộc ấy, Ma Hiêng lại thấy lạc lõng, cô đơn. Em về Klong Bong trong một buổi chiều cuối tuần. Buôn nhỏ vẫn đầy ắp tiếng cười. Những bà mẹ ngồi xúm xít với nhau. Những ông bố ngồi cà kê xung quanh chai rượu. Còn các “nam thanh nữ tú”, tụ tập nói chuyện làm công, hay việc đi rừng. Một số cô gái khác cũng trạc tuổi Ma Hiêng hay thậm chí chưa tròn đôi mươi, nhưng đều đã con bồng, con bế. Còn lũ trẻ chân đất, mặt mũi quần áo lấm lem vẫn hồn nhiên nô đùa. Riêng Ma Hiêng một mình nơi đó…
 
Trong miên man cảm xúc, em nói: “Ngày xưa em nghĩ mình học tốt thì có thể làm gương cho những đứa trẻ trong buôn, rồi thay đổi suy nghĩ của bố mẹ chúng. Thế nên em cố gắng thật nhiều. Nhưng thực tế những người lớn ở đây lại nói với con cái họ rằng: “Chúng mày có học được như chị Ma Hiêng đâu mà học làm gì, nghỉ học ở nhà đi làm có cái ăn còn hơn”. Và đáng buồn hơn, khi ngay trong chính gia đình mình, em cũng không thuyết phục được mọi người. Đành ngậm ngùi để cô em gái Ra Ni đi lấy chồng trong nước mắt khi vừa 16 tuổi”. 
 
Ở Klong Bong, sự học như cái cây mọc trên mảnh đất khô cằn vậy. Nó chỉ xanh một quãng thời gian đầu và sau đó thì héo dần. Ông Tà Yên Lương - Bí thư chi bộ thôn, cho biết: “Những đứa trẻ trong buôn đi học cấp 1 rất đầy đủ, vì có phân trường ở khá gần nhà. Hơn nữa, ở độ tuổi này chúng còn quá nhỏ chưa làm được việc gì nên hầu như các cháu đều đến lớp. Nhưng lên cấp 2, các cháu bắt đầu bỏ học nhiều”. Tôi thắc mắc đó có phải là do trường xa, nhưng ông Yên Lương nói rằng đó chỉ là một phần. Và trong lời kể của vị bí thư chi bộ, tôi đặc biệt chú ý câu chuyện về con bé LiLa khóc ròng rã suốt mấy ngày liền, vì bị bố mẹ bắt nghỉ học khi mới hết lớp 7. Mọi người trong buôn coi đây như chuyện bình thường. Còn bí thư, trưởng thôn… thì cũng bó tay khi đi vận động, bởi cái lý lẽ muôn đời của những bậc cha mẹ nơi này rằng “không có ăn lấy gì mà học”. Và LiLa đành gấp lại trang vở để rong ruổi chăn đàn bò mỗi ngày cùng mẹ. Chủ tịch xã Tà Năng, ông Uông Thanh Nam nói với tôi rằng: “Ở một nơi nghèo khó và sự học không được xem trọng nhiều như Klong Bong, Ma Hiêng quả thật là một học sinh xuất sắc. Nhưng có lẽ sẽ khó mà có thêm Ma Hiêng thứ 2, thứ 3 nữa”. Ông K’ Vương - Trưởng thôn Klong Bong, cũng nói thêm: “Đa phần trẻ em ở đây càng lớn càng không muốn đi học, vì chúng nghĩ học rồi cũng biết làm gì, nên tốt nhất đi làm kiếm tiền từ sớm”.
 
Ngoài những lời khen ngợi, mọi người còn gọi Ma Hiêng là cô gái may mắn. Có lẽ em cũng nghĩ mình như vậy và mong muốn những đứa trẻ ở Klong Bong cũng có được sự may mắn ấy. “Đã có lúc, nhìn lũ nhỏ ngồi bên nhau xúc những thìa cơm trắng ăn ngon lành, em ước chén cơm ấy có thêm miếng thịt, cá, chắc chúng sẽ mừng lắm đấy. Ước gì những đứa trẻ nơi đây kiên trì học hành rồi cuộc đời sẽ tươi sáng, bữa cơm sẽ có thịt, cá thôi mà”. Đó là ước mơ, nhưng Ma Hiêng cũng biết rằng một người không thể làm thay đổi những nếp nghĩ đã hằn sâu ấy. Nhưng em cũng có cách làm của riêng mình.
 
Mỗi ngày đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ lại gửi tâm tư, ước nguyện vào những bài giảng. Đó là cách để Ma Hiêng truyền thụ cho những đứa trẻ hiếu học vùng DTTS kiến thức, ước mơ và cả trách nhiệm. Bởi biết đâu mai này, Ma Hiêng và những học trò của em hôm nay sẽ giúp nhiều trẻ em ở các buôn làng kiên trì với tình yêu con chữ, để lũ trẻ chẳng còn lông bông.
 
N. NGÀ - P. NHÂN