Phần chìm gai góc

09:01, 05/01/2016

Tôi không thể ngợi ca những con người đang sống chung với HIV/AIDS mỗi ngày chiến đấu với sự kỳ thị bên ngoài và nỗi đau thể xác suy giảm miễn dịch bên trong. Dù sự thật đó quá phũ phàng với những thân phận con người bị tàn phá bởi HIV/AIDS đang cố gắng sống mỗi ngày.

Tôi không thể ngợi ca những con người đang sống chung với HIV/AIDS mỗi ngày chiến đấu với sự kỳ thị bên ngoài và nỗi đau thể xác suy giảm miễn dịch bên trong. Dù sự thật đó quá phũ phàng với những thân phận con người bị tàn phá bởi HIV/AIDS đang cố gắng sống mỗi ngày.
 
DS Ngô Dương Thiên Lý trực tiếp cho bệnh nhân uống Methadone hàng ngày
DS Ngô Dương Thiên Lý trực tiếp cho bệnh nhân uống Methadone hàng ngày

Con đưa mẹ đi chữa bệnh
 
Cách đây vài năm, tôi đến Phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tìm hiểu về hoạt động điều trị ARV. Tại đây, tôi gặp một phụ nữ gầy gò, lần đầu tiên tôi tiếp xúc gần nhất với người nhiễm HIV mà không e ngại vì giọng chị rất yếu ớt. Qua câu chuyện, tôi biết được chồng chị chết 1 năm chị mới biết mình nhiễm HIV. Tôi xúc động nhất là hàng tháng con trai chở chị bằng xe máy từ huyện để lên Đà Lạt điều trị ARV. Trường hợp này làm tôi nghĩ về lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ nhiều hơn là những bất hạnh của họ. Nhưng tôi không viết về họ và mong muốn họ bình yên trong cuộc sống này, tránh xa mọi kỳ thị của xã hội để người con hiếu thảo kia được xứng đáng hưởng hạnh phúc.
 
Bất chợt, tháng 12 - Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2015, tôi cùng đoàn y tế đến thăm, tặng quà cho gia đình bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, gặp lại người phụ nữ ấy. Tôi nhận ra ngay chị và chị cũng nhận ngay ra tôi. Chị Đoàn Thị H. 49 tuổi đã điều trị ARV được 7 năm, chị tuân thủ điều trị tốt nên sức khỏe được duy trì. Chị đã 10 năm nhiễm HIV, chồng chị đã mất 11 năm mà khi chết không biết bị nhiễm HIV do được bác sĩ chẩn đoán bệnh gan. Chồng chị vắng nhà thường xuyên đi đào đãi vàng ở vùng Đạ Quyn (Đức Trọng) cả tháng mới về nhà thăm vợ con, hay có thói quen uống rượu nhiều. Khi chồng mất, một mình chị gánh vác nuôi 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, gia đình thuộc hộ nghèo, chị trồng cà chua, trồng sú, rồi làm thuê nuôi con, rồi một năm sau, chị lên cơn sốt nặng, nhập viện, xét nghiệm khẳng định chị bị nhiễm HIV, “tôi bị sốc, không ăn, không ngủ, nhìn 3 đứa con mà đứt từng khúc ruột”, chị H chia sẻ. 
 
Khi lấy máu xét nghiệm 3 đứa con, chị thao thức lo âu chờ đợi, rồi thở phào với kết quả xét nghiệm âm tính. Nhưng con trai chị đang ở tuổi 20, liệu có nên cho nó biết chị nhiễm HIV, từ cú sốc mà chị biết được như bản án tử hình từ chồng sang chị thì con chị có chịu đựng nổi, nó còn quá trẻ, “tôi sợ nói sự thật con tôi sẽ bị sốc rồi lao vào con đường mình không mong muốn”, giọng chị não nề. Và câu chuyện dặm dài 7 năm qua người con trai hàng tháng chở mẹ đến bệnh viện với hy vọng chữa bệnh nhiễm trùng máu là như vậy. Bây giờ, gặp lại, chị H kể đã có 2 đứa cháu nội, ngoại đầy đủ, gia đình chị đã thoát nghèo vì gần chục năm qua chị bán sức lao động của mình trong các vườn ươm. “Khoảng 5 - 6 năm trước, tôi làm thuê đều đặn một tháng 30 ngày thu nhập được 3,6 triệu đồng/tháng, mấy năm gần đây, sức khỏe giảm sút, thường hay mệt mỏi nên tôi chỉ làm thuê 20 ngày/tháng”. Nhờ được bác sĩ chỉ dẫn tận tình và tình yêu thương con cháu vô bề, chị H đã tuân thủ tốt việc điều trị ARV và áp dụng biện pháp phòng lây nhiễm trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, “tâm nguyện của tôi là ôm bí mật của mình đến khi xuống mồ để cho các con cháu được sống bình yên, hạnh phúc”, chị thổ lộ.
 
“Nếu biết trước thì em đã không…”
 
Người bệnh sợ kỳ thị còn kinh khủng hơn là biết mình bị nhiễm HIV. Câu chuyện của chị H làm tôi nhớ đến hình ảnh cô gái trẻ tên Q. cách đây gần 20 năm, khi ấy cô gái 19 tuổi nằm ở phòng cách ly Khoa Lây của BVĐK Lâm Đồng, nhiều người kéo tới coi từng đoàn bàn tán xôn xao. Hôm ấy, ông Giám đốc bệnh viện dẫn tôi tới thăm bệnh nhân, có nhiều người chạy theo hỏi “Bác sĩ ơi! Cô gái bị nhiễm HIV/AIDS nằm ở đâu? Có phải người cô ấy đang nổi đầy những cục gai nhọn như tờ áp phích vẽ không? Điều lạ là có những người đi xem là giáo viên vẫn tò mò hỏi thế, và phần đông đến xem vì nghe dư luận bàn tán cô gái kỳ lạ rất đẹp mọc đầy gai nhọn do AIDS!. Tôi đã viết về nỗi ám ảnh từ ánh mắt ấy, cô gái nằm thoi thóp trong căn phòng nhỏ thiếu ánh sáng chỉ có một cửa sổ và cửa chính khóa chặt, người ta bu vào cửa sổ để xem bệnh nhân. Cả tháng bệnh nhân nằm ở đây không người thân thích, chỉ có các seour thay nhau túc trực tắm rửa, vệ sinh, mang thức ăn và trò chuyện, cầu nguyện cho bệnh nhân mỗi ngày và chôn cất khi bệnh nhân qua đời. 
 
Thông thường nhiều chuyến tặng quà được người nhận chờ đón rất đông, có khi người đến nhiều hơn cả số quà chuẩn bị, nhưng tặng quà cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thì chúng tôi phải chờ đợi tại trạm y tế. Trước đây, ngành y tế thường tổ chức đoàn nhiều thành viên các ban ngành đoàn thể, đại diện chính quyền địa phương đến thăm, tặng quà tại nhà cho bệnh nhân, nhưng bây giờ cách làm đã thay đổi là tổ chức tặng quà tại trạm y tế để không gây chú ý cho cộng đồng với gia đình người nhiễm. Lần này, trạm y tế xã mời 4 bệnh nhân nhưng đợi mãi chỉ có 2 người tới. Bệnh nhân K, 39 tuổi ngại ngùng đến trạm y tế và ray rứt “nếu biết trước thì em đã không…”. Em bỏ lửng câu nói khiến chúng tôi tò mò. Chuyện được cán bộ y tế kể lại là K lấy vợ muộn - một cô gái 17 tuổi hiền lành ở một xã có đông người dân tộc thiểu số, họ mới có con được 6 tháng. Khi vợ K mang thai được sàng lọc HIV mới biết bị nhiễm HIV và áp dụng phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, lúc ấy K được xét nghiệm máu phát hiện nhiễm HIV. Chỉ có K là người biết rõ mình nghiện chích ma túy, từng vào Trung tâm 05 - 06 Lâm Đồng cai nghiện và anh muốn vứt bỏ quá khứ, làm lại cuộc đời, cả hai vợ chồng trẻ đều đi làm thuê hàng ngày để xây dựng cuộc sống mới, nhưng thật nghiệt ngã “nếu biết trước thì em đã không…”, câu nói lấp lửng đầy ám ảnh. 
 
Hai cha con cùng phòng chống HIV/AIDS
 
Tại Phòng điều trị thuốc kháng HIV Đức Trọng, tôi gặp 2 phụ nữ cùng đi chung chiếc xe máy đến gặp bác sĩ Lạc. Cả hai đều cùng cảnh ngộ nhiễm HIV,  đều qua hai lần đò, đều có 3 con. Chị A, 42 tuổi ở Đam Rông, khi chị sinh con mới biết mình nhiễm HIV và người chồng thứ hai của chị được lấy máu xét nghiệm khẳng định HIV nhưng anh vẫn không tin, không chịu điều trị. Một mình chị A theo đuổi điều trị ARV đã 41 tháng, cứ đều đặn mỗi tháng trên chặng đường đi về hơn 150 cây số, chị A chạy xe từ Đam Rông ghé qua Lâm Hà để đón chị T., 40 tuổi - người bạn cùng cảnh ngộ đi cùng ra Đức Trọng khám bệnh, nhận thuốc ARV. Chị T. được phát hiện bị nhiễm HIV cách đây 2 năm khi người chồng đầu tiên mất chị mới biết mình bị nhiễm HIV. Cả hai chị đều tâm sự: “Chúng tôi chỉ mong uống thuốc cho khỏe để làm nuôi con vì chúng còn quá nhỏ. Nhờ bác sĩ Lạc xin tài trợ 500 ngàn đồng/tháng/người mà chúng tôi có tiền đổ xăng đi chữa bệnh”.  
 
BS Ngô Bá Lạc quản lý phòng điều trị thuốc kháng HIV Đức Trọng là người gắn bó với hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ năm 1995 đến nay cho biết: Chúng tôi đã kêu gọi nhà từ thiện tài trợ cho một vài chị bị nhiễm HIV mỗi tháng 500 ngàn đồng để các chị có tiền đổ xăng đi lấy thuốc, một số trường hợp không có tài trợ thì mình tự bỏ tiền túi cho họ vài ba trăm để bệnh nhân còn đến nữa. Qua câu chuyện tình cờ tôi mới biết được thông tin con gái của BS Lạc cũng tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đó là dược sĩ Ngô Dương Thiên Lý đang làm việc tại phòng cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng. Một cô gái trẻ xinh đẹp mới ra trường công tác được một năm mà trước đó tôi vừa phỏng vấn đã trả lời rất thật: “Mới đầu đi làm em cũng rất ngại, rất sợ nhưng tiếp xúc nhiều thấy bệnh nhân rất tội; bệnh nhân đến uống methadone rất sợ nhiều người biết, kỳ thị”. Công việc của DS Lý là rót thuốc methadone vào ly rồi pha đúng liều lượng đưa trực tiếp cho bệnh nhân uống vừa phải quan sát nhận diện rõ bệnh nhân để tránh các trường hợp giả mạo. 
 
Vĩ Thanh 
 
Lâm Đồng giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% như Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 1.085 người nhiễm HIV tích lũy, trong đó 489 người nhiễm HIV đã tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV/AIDS đang có xu hướng lan ra cộng đồng, với  9 trẻ em đang điều trị ARV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 26 bà mẹ và cấp sữa thay thế cho 18 trường hợp trẻ đã sinh ra từ bà mẹ có nhiễm HIV. 
 
Nếu tính theo tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng thì ngành y tế mới chỉ phát hiện quản lý được khoảng 1/3 số người nhiễm HIV, còn lại phần chìm của HIV/AIDS như tảng băng trôi cùng những số phận buồn thương mà tôi đã gặp và ở đó có những tấm lòng nhân ái tiếp thêm nghị lực sống cho người bệnh.
 
Phóng sự: Diệu Hiền