Sức trẻ ở Trường Sa

08:01, 19/01/2016

Trong hành trình đến với Trường Sa, đoàn phóng viên chúng tôi luôn cảm nhận nguồn sức sống tràn trề nơi đảo xa. Không chỉ từ những con tàu hùng dũng lướt sóng, những hòn đảo sừng sững giữa trùng khơi, những vườn rau tăng gia xanh tươi, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp tràn trề nhựa sống… mà quan trọng nhất là bởi nơi này luôn dạt dào sức trẻ.

[links()] LTS: Trong hành trình đến với Trường Sa, đoàn phóng viên chúng tôi luôn cảm nhận nguồn sức sống tràn trề nơi đảo xa. Không chỉ từ những con tàu hùng dũng lướt sóng, những hòn đảo sừng sững giữa trùng khơi, những vườn rau tăng gia xanh tươi, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp tràn trề nhựa sống… mà quan trọng nhất là bởi nơi này luôn dạt dào sức trẻ.
 
Bài 1: Thầy nuôi dạy trẻ trên Song Tử Tây
 
Cùng với thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây là hòn đảo thứ hai ở quần đảo Trường Sa có lớp học. Tiếng trẻ thơ vui cười, tiếng ê a vang lên như làm cho đảo thêm bừng sức sống. Cũng như những lớp học khác ở đất liền, lớp học ở Song Tử Tây cũng đang hoàn thiện những bài học cuối học kỳ I cho hai em học sinh lớp 4. Nhưng ở lớp học mầm non trên đảo, tiếng hát ca, tiếng vui đùa vẫn vang lên không ngớt. Nơi ấy có người thầy giáo vẫn đang ngày ngày nuôi dạy trẻ.
 
Thầy Mạnh với đàn trẻ nhỏ ở Song Tử Tây
Thầy Mạnh với đàn trẻ nhỏ ở Song Tử Tây

Thầy giáo Lê Văn Mạnh (27 tuổi) tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn, ngành Sư phạm Toán. Năm 2013, chàng trai quê biển Khánh Hòa làm đơn tình nguyện ra dạy học trên đảo Trường Sa. Được đào tạo để dạy những học sinh ở cấp lớn hơn, nhưng khi ra nhận công tác ở Song Tử Tây, anh lại nhận nhiệm vụ “dạy trẻ”. Những đứa trẻ chỉ chừng 3 - 4 tuổi như những tờ giấy trắng, bài học của thầy giáo Mạnh chính là những bài học đầu tiên để các em bước vào đời. Thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh tâm sự: “Trước khi ra đảo, mình cũng đã được tập huấn nhưng khi nhìn thấy những đứa trẻ trong lớp, cháu nói, cháu cười hồn nhiên vô tư như những con chim non, mình thấy vui nhưng cũng thật bối rối, băn khoăn chưa biết phải bắt đầu với những thiên thần nhỏ ấy như thế nào”. 
 
Trong lớp mầm non đặc biệt ấy có anh cả Anh Kỳ 5 tuổi, các em Quân, Nguyên Khôi và Bảo Uyên 4 tuổi, em út Khánh Huyền vừa mới lên 3. Mỗi lứa tuổi một sở thích và có chiều cao khác nhau. Bởi thế, việc đầu tiên sau những ngày đầu lên lớp là thầy giáo Mạnh cần mẫn lấy từng mảnh gỗ nhỏ đẽo đẽo đục đục để làm cho Khánh Huyền và Bảo Uyên mỗi em một cái ghế nhỏ, trên có lót thêm chiếc gối mỏng để các cháu ngồi vừa với bàn ghế, không bị đau lưng hay cận thị. Có nhiều người nói rằng, dạy mầm non dễ nhưng thực tế lại không hề đơn giản chút nào. Thầy giáo Lê Văn Mạnh kể: “Những ngày đầu đi học, các cháu chưa ý thức được mình phải làm gì. Thầy giáo mới nên các cháu cũng có phần xa lạ, không biết nói với thầy, kể cả những nhu cầu cá nhân. Những bài học đầu tiên của thầy Mạnh dạy các cháu đơn giản từ cách chào hỏi, cách đi vệ sinh, cách rửa tay, rửa chân sạch sẽ”. 
 
Hình ảnh cô giáo mầm non, cùng “đàn con” ríu rít nhảy múa hát ca đã quen thuộc nhưng thầy giáo mầm non dạy các cháu hát, dạy các cháu chơi thật sự là điều ít thấy. Thầy giáo Mạnh nói: “Chưa bao giờ mình múa chứ đừng nói dạy múa cho ai. Nhưng nhìn thấy những đứa trẻ vô tư nói cười, lòng mình lại thấy một tình yêu da diết. Mình phải cố gắng làm sao để các cháu cũng được như các bạn ở đất liền. Hơn nữa, mình nghĩ, các chiến sỹ có nhiệm vụ chiến đấu, còn mình có nhiệm vụ dạy học, mỗi người một công việc nhưng đều vì mục tiêu xây dựng biển đảo quê hương”. Nghĩ vậy nên thầy giáo Mạnh vừa theo dõi các tài liệu giảng dạy, vừa xem và nghiên cứu trên truyền hình để bắt đầu cùng đàn em thơ “múa hát”. Dạy trò múa nhưng đó cũng là những bài học đầu tiên của người thầy. Sau bao ngày miệt mài, đôi tay rắn chắc của chàng trai xứ biển Vạn Ninh đã có thể cùng các cháu nhỏ múa bài Chị ong nâu và nhiều bài khác nữa trong tiếng cười giòn tan vui vẻ của cả thầy và trò. Và giờ đây, anh đã có thể khẳng định, “Khi mình là một người thầy, từ tình yêu đối với đàn em nhỏ khiến cho người thầy không gì không thể học và làm được”. 
 
Thầy giáo Mạnh vừa là người dạy dỗ nhưng cũng là người “hòa giải” cho những mâu thuẫn rất hồn nhiên. Đứng trong lớp học của thầy giáo Mạnh một lúc thôi mà chúng tôi đã nghe bao nhiêu là “kiến nghị”. Nào là bạn này lấy màu của con, bạn kia dành đồ chơi của con, bạn này hát nhỏ, chào nhỏ… rồi cả chuyện ở nhà lười ăn, chơi vấy bẩn… cũng đến tay thầy giáo giải quyết. Ngoài những giáo án về tâm lý trẻ nhỏ, cách hiệu quả nhất mà thầy Mạnh áp dụng để nắm bắt tâm lý các em chính là thầy đã cùng chơi và chia sẻ với các em như những người bạn. Khác với ở đất liền, thầy và trò hầu như chỉ gặp nhau trên lớp còn ở Song Tử Tây, thầy trò quấn quýt nhau cả ngày. Sau giờ học, lũ trò nhỏ là đội cổ vũ nồng nhiệt cho thầy khi đi chơi thể thao, cùng thầy trồng rau tăng gia sản xuất. Có hôm vào ngày nghỉ, nhưng thầy giáo cũng là “bảo mẫu” trông những em nhỏ cho bố mẹ các em đi đánh bắt hải sản ngoài biển khơi. 
 
Chị Dương Thị Thu Thủy - một hộ dân ở Song Tử Tây kể với tôi, những ngày 20/11 ở trên đảo cũng đặc biệt lắm, lũ nhỏ vừa ngủ dậy đã chạy qua gọi thầy í ới. Còn các hộ dân trên đảo người biếu bó rau xanh, người biếu con cá để chúc mừng thầy vào ngày hiến chương nhà giáo. 
 
Còn với thầy Mạnh, “Được gần lũ nhỏ, thấy mình như được trở về tuổi ấu thơ. Nụ cười giòn tan của các cháu như tấm vé cho mình quay về tuổi thơ hồn nhiên vô tư vậy”. Tiếng “con chào thầy, con thưa thầy” vọng lên trên đảo nhỏ. Tiếng trẻ thơ cùng đạo nghĩa thầy trò ấy như làm ấm lòng bao chiến sỹ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương. Còn với thầy giáo Mạnh “còn cơ hội là còn cống hiến”. Người thầy ấy vẫn đang từng ngày ươm những “mầm xanh” nơi đảo xa.
 
(Còn nữa)
NGỌC NGÀ