Từ những câu chuyện đời thường…

08:01, 20/01/2016

Cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì vừa được tổ chức với 9.000 bài dự thi của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh. Với những bài viết điển hình, các tác giả đã để lại những ấn tượng đẹp từ cảm nghĩ về những câu chuyện đời thường…

Cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì vừa được tổ chức với 9.000 bài dự thi của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh. Với những bài viết điển hình, các tác giả đã để lại những ấn tượng đẹp từ cảm nghĩ về những câu chuyện đời thường…
 
Anh Phan Văn Tĩnh (giải nhất): Viết về anh bảo vệ bằng thơ
 
Vốn là một cán bộ Đoàn (nguyên là Phó Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà), anh Phan Văn Tĩnh yêu thơ và đã cảm tác khá nhiều thơ về những câu chuyện đời thường. Sau khi nhận công tác tại Trung tâm Chính trị huyện Lâm Hà, với nhiệm vụ của một cán bộ giáo vụ, anh có dịp tìm hiểu nhiều tài liệu về Đảng, về Bác và được tiếp xúc với rất nhiều cán bộ, học viên, người lao động. Đến với cuộc thi này, có thể nói, anh Phan Văn Tĩnh đã thực hiện một bài dự thi công phu từ chính nguồn tài liệu chắt lọc qua những năm tháng công tác, bên cạnh đó còn là yếu tố độc đáo bởi bài thi có những vần thơ được trích dẫn rất “đắt” và cả những vần thơ mộc mạc do chính anh sáng tác. Với kết cấu bài thi hai phần, phần một tác giả tìm hiểu về phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần hai là những vần thơ về bác bảo vệ tại Trung tâm Chính trị huyện. Hình ảnh của Bác gắn với “Nhà gác đơn sơ một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn/ Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối/ Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”, “Người không thích ngồi ghế danh dự, suy tôn/ Ngồi vào đó, với Người, không có nghĩa”, “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”… Cảm nhận về Bác còn là những câu chuyện về “Bác ở trong ngôi nhà gỗ cất khiêm nhường tại một góc vườn tiện nghi thì rất ít, đơn sơ thì nhiều”, đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất; là câu chuyện Bác tặng cho nghệ sĩ ưu tú Kim Liên một cây thước gỗ do chính Bác tự làm “Bác chẳng có gì cho cháu cả! Bác chỉ có cái thước mà lúc còn trẻ bôn ba qua các nước, Bác có nhặt được mảnh gỗ, tự tay đẽo thành một cái thước kẻ để dùng, nay Bác cho cháu để làm kỷ niệm”. Với anh Phan Văn Tĩnh, Bác vĩ đại nhưng giản dị ở muôn nơi trong đời sống phong phú của Bác bởi do cội nguồn: giản dị từ cách cảm, cách nghĩ...
 
Liên hệ thực tế về một nhân vật khá đặc biệt: bác bảo vệ Nguyễn Hữu Sáu, tác giả Phan Văn Tĩnh dẫn dắt bằng thơ để kể về câu chuyện của một cựu chiến binh, nhiệt tâm với công tác ở tổ dân phố, ở trong thời bình vẫn sắp xếp những chuyến đi tìm đồng đội: “Đã nhiều lần anh lên đường cùng đơn vị cũ/ Để tìm lại đồng đội hy sinh/ Sau những chuyến đi là những lần trăn trở/ Khi chưa tìm ra đồng đội của mình”. Với công việc bảo vệ và kiêm cả tạp vụ, ở ông là sự tận tâm, trách nhiệm, nhặt được khoản tiền 10 triệu đồng đã trả lại người mất. “Và năm nay chúng ta học Bác/ “Trung thực, trách nhiệm,/ Gắn bó với nhân dân;/Đoàn kết, xây dựng đảng/ Trong sạch vững mạnh”/ Học theo Bác và làm theo Bác...”. Những câu chuyện đời thường bằng thơ ấy như có cả tính hiệu triệu và là cách tuyên truyền rất độc đáo...
 
Học sinh Đặng Bảo Phụng (thí sinh nhỏ tuổi nhất): Học Bác ở tinh thần tự học
 
Đặng Bảo Phụng hiện là học sinh lớp 9 A1, Trường THCS Ninh Gia, Đức Trọng, liên tục là học sinh giỏi, Bảo Phụng thể hiện một bài thi tìm hiểu rất kỹ lưỡng về việc học của Bác Hồ, đồng thời có những liên hệ rất đời thường, rất học trò và gần gũi qua hình ảnh người anh trai của mình. 
 
Tìm hiểu về Bác, vào ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Cho đến năm 71 tuổi, Bác đã có trong mình một kho tàng kiến thức khổng lồ với hơn 29 thứ tiếng, cộng với nền văn hóa, nghệ thuật của chừng ấy quốc gia, nắm trong mình khối lượng tri thức về chính trị và tư tưởng nhân đạo lớn lao. Bảo Phụng cho biết, ngày nay, xét về phương diện học tập và cách dạy học, thay vì học để biết, học sinh có nhu cầu học để hoàn thành, để có điểm nhiều hơn. Liệu việc học như vậy sẽ có hiệu quả? Tại sao chúng ta không đặt việc học của Bác Hồ làm tiền đề để so sánh? Chúng ta hãy học Bác: “Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng để viết”.
 
Liên hệ thực tế, Phụng có cách dẫn lý thú: “Tuy là em gái, nhưng em công nhận với cách học thông minh và sự cân bằng hiệu quả trong học tập và vui chơi, anh Đặng Bảo Long đã đạt nhiều thành tích đáng mơ ước”. Bảo Long hiện là học sinh chuyên Toán - Trường THPT Thăng Long Đà Lạt, em đoạt giải nhất toàn quốc cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, đoạt giải nhất cá nhân cuộc thi Cờ vua 4 năm liền ở trường, huyện và toàn tỉnh Lâm Đồng. Đoạt các giải nhất, nhì và ba đồng đội trong Hội khỏe Phù Đổng qua các năm. “Cũng giống như mấy đứa con trai bình thường, anh Long mê game và coi nó như một trò tiêu khiển không thể bỏ. Nhưng điều quan trọng là anh cân bằng được tất cả những thứ đó, làm sao mà vừa có thể tham gia các hoạt động xã hội, vừa chơi các môn thể dục - thể thao, vừa học tốt”, đó là bài học rất dễ thương mà cô học trò nhỏ này liên hệ.
 
Ông Nguyễn Xuân Lương (thí sinh lớn tuổi nhất): Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác
 
Ông Nguyễn Xuân Lương là người được biết đến nhiều với vai trò là Bí thư chi bộ đi đầu trong việc tổ chức chào cờ tại khu dân cư rất hiệu quả ở Tổ dân phố 4A, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh. Xuất thân từ giáo viên dạy văn và có hơn 40 năm đứng trên bục giảng, ông như một thư viện sống với những tư liệu về cuộc đời Bác Hồ. Chính vì vậy, đến với cuộc thi này, ông như được lật giở lại từng trang tư liệu đã nén rất lâu và rất sâu. Với nguồn kiến thức dồi dào, ông thể hiện nội dung tìm hiểu về Bác Hồ trên các mặt: Bác đã sống như thế nào? Bác đã chiến đấu ra sao? Tinh thần lao động của Bác Hồ và việc học của Bác. Ngồn ngộn tư liệu, diễn đạt mạch lạc, bố cục chặt chẽ, bài dự thi của ông mở ra một cuộc đời phong phú, sống động, giản dị mà vĩ đại của Hồ Chủ Tịch. Trong đó, nổi bật là tinh thần của Bác “Khó khăn nào cũng vượt qua”. Tinh thần chiến đấu hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần lao động cần cù mà khoa học: “Việc quân việc nước bàn xong/ Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm”. Việc học của Bác là học suốt đời, Bác học ngoại ngữ, học những nét tinh túy từ văn hóa của những vùng đất Bác đã đi qua, đến Pháp, Người đọc Voltaire, ở Nga là Puskin, Anh là những tác phẩm của Shakespeare, đến Trung Quốc là những vần thơ Đường...
 
Học tập gương Bác, trong các buổi chào cờ ở Tổ dân phố 4A, Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Lương là người biên soạn các câu chuyện rất cảm động và gần gũi về Người. Những câu chuyện ấy được thể hiện theo chủ đề. Như vào Tháng 9, Chi bộ thực hiện chủ đề về Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, là những bức thư Bác Hồ gửi cho ngành Giáo dục nhân ngày khai trường, là tinh thần: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Vào tháng 11 là các chủ đề về Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, là câu chuyện Bác đã phê bình một cán bộ đánh piano giỏi nhưng không đánh được bài “Kết đoàn”...
 
Với ông Nguyễn Xuân Lương, học tập ở Bác là học về tấm gương cao đẹp và những hoài bão của Bác, học Bác phải là một nhu cầu chứ không chỉ là yêu cầu thì việc làm theo Bác sẽ đạt nhiều kết quả.
 
HẢI YẾN