Chuyện "gỡ rối tâm lý" ở Trường Sa

09:02, 17/02/2016

Mỗi một ngày đi qua, sẽ có biết bao sự việc xảy ra, nên tâm lý con người cũng theo đó mà có sự thay đổi. Vẫn biết việc nắm bắt tâm lý con người là điều vô cùng khó khăn, nhưng vì mục tiêu chung là đồng sức, đồng lòng, đồng ý chí để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, những hội đồng, tổ hỗ trợ tư vấn tâm lý tình cảm đã được lập ra ở Trường Sa để thực hiện nhiệm vụ "gỡ rối" cho cán bộ, chiến sỹ.

Mỗi một ngày đi qua, sẽ có biết bao sự việc xảy ra, nên tâm lý con người cũng theo đó mà có sự thay đổi. Vẫn biết việc nắm bắt tâm lý con người là điều vô cùng khó khăn, nhưng vì mục tiêu chung là đồng sức, đồng lòng, đồng ý chí để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, những hội đồng, tổ hỗ trợ tư vấn tâm lý tình cảm (gọi chung là tổ tư vấn tâm lý) đã được lập ra ở Trường Sa để thực hiện nhiệm vụ “gỡ rối” cho cán bộ, chiến sỹ.
 
Sau giờ làm nhiệm vụ, những bàn đá quanh đảo Sơn Ca là nơi anh em CBCS làm công tác tư vấn tâm lý
Sau giờ làm nhiệm vụ, những bàn đá quanh đảo Sơn Ca là nơi anh em CBCS làm công tác tư vấn tâm lý

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Bùi Hải Phước - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cho biết, hoạt động tư vấn tâm lý, tình cảm là một trong những chủ trương do Lữ đoàn đề xuất lên Vùng 4 Hải quân để xin chỉ đạo thực hiện dựa trên tình hình thực tế của đơn vị. Đề xuất này đã được đồng ý và triển khai rộng rãi trong đơn vị từ đầu năm 2015. Đây là cách làm hiệu quả trong việc giáo dục tư tưởng, nắm bắt tâm lý, tình cảm cán bộ, chiến sỹ (CBCS) với phương pháp “khéo léo, tế nhị, kín đáo”.
 
Bắt đầu từ tháng 1/2015, tất cả các đơn vị trên quần đảo Trường Sa đều có tổ tư vấn tâm lý. Ở cấp phân đội, tổ chức này được gọi là Tổ hỗ trợ tư vấn tâm lý tình cảm; ở cấp cụm chiến đấu và đảo gọi là Hội đồng hỗ trợ tư vấn tâm lý tình cảm.
 
Những người được lựa chọn vào tổ tư vấn tâm lý thực sự là người tiêu biểu của đơn vị, có uy tín, năng lực, kinh nghiệm sống và tâm huyết với đồng đội. Phát huy vai trò trách nhiệm từ tiểu, khẩu đội trưởng trở lên, bắt đầu từ việc bám sát mọi hoạt động của bộ đội hàng ngày, nắm chắc diễn biến tư tưởng của CBCS. Khi phát hiện CBCS có biểu hiện về tâm tư, tình cảm bộc lộ qua hành vi, cử chỉ, ảnh hưởng đến nề nếp sinh hoạt và hiệu quả công tác, cũng như tinh thần sẵn sàng chiến đấu, thành viên tổ tư vấn cấp gần nhất sẽ phối hợp giúp đỡ để kịp thời giải quyết những tư tưởng vướng mắc phát sinh của bộ đội. Nhiệm vụ của hội đồng, các tổ là theo dõi tâm lý, tư tưởng của CBCS trong đơn vị, qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt sẽ nắm bắt những người có biểu hiện xao động về tình cảm, tinh thần. Từ đó tìm hiểu, đưa ra những lời động viên tinh thần, định hướng tư tưởng cho đồng đội. Cách tư vấn của tổ cũng rất linh động, có thể kết hợp trong giờ giải lao, quá trình huấn luyện, ngày nghỉ, giờ sinh hoạt để tâm sự, trò chuyện... Hiệu quả của hoạt động này mang lại rất thiết thực, nên được anh em CBCS ủng hộ. Nhờ đó nhiều trường hợp có vấn đề trong tư tưởng đã được phát hiện và giúp đỡ giải quyết kịp thời để CBCS yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động này không chỉ nhằm giúp đỡ các chiến sĩ mới, mà bất cứ ai không kể cấp bậc, chức vụ nếu có vấn đề đều được giúp đỡ. 
 
Nhập ngũ, công tác tại đảo Sơn Ca được gần 1 năm, binh nhất Đặng Kim Bảo - Phân đội 2, Cụm chiến đấu 1 bất ngờ nhận được tin gia đình báo bố mình qua đời. Đang thực thi nhiệm vụ ở đảo xa không thể về được, dù cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng tinh thần anh không còn được như trước, chỉ mong ngày về để chịu tang bố. Nhận thấy tinh thần của chiến sĩ có biểu hiện không bình thường, tổ tư vấn tâm lý của Cụm chiến đấu 1 lập tức họp thảo luận kế hoạch để tháo gỡ những tâm tư cho Bảo. Đại úy Lê Hải Bằng - Chính trị viên Cụm Chiến đấu 1 cho biết: “Để đả thông tư tưởng cho chiến sĩ, thành viên tổ đã gọi điện chia buồn cùng gia đình Bảo, tiếp đó, tạo điều kiện để người nhà có thể liên lạc được với Bảo để tâm sự, kết hợp với anh em trong đơn vị cùng động viên Bảo cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ đó, tinh thần của anh đã vững hơn, yên tâm hoàn thành công tác”. Còn với Bảo, “thủ trưởng, anh em, đồng đội quan tâm chia sẻ với em như người một nhà nên em cũng thấy ấm lòng hơn để yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, để gia đình tự hào về người con là chiến sỹ Trường Sa”. 
 
Còn với binh nhất Hà Ngọc Hải - phân đội 2, Cụm chiến đấu 1, lúc mới ra đảo còn nhớ nhà, gặp vấn đề về tình cảm, nhờ tổ tư vấn động viên, làm công tác tư tưởng, chỉ cách tháo gỡ chuyện tình cảm, nên đã vững tâm hơn khi công tác xa nhà. 
 
Ngoài những trường hợp khúc mắc về chuyện gia đình, một số chiến sĩ gặp vướng mắc với “nửa kia”, hay còn bày tỏ nguyện vọng được phục vụ lâu dài trong quân đội, nhờ tư vấn việc học nghề sau xuất ngũ...; còn có một số chiến sĩ gần đến ngày xuất ngũ có biểu hiện lơi lỏng chấp hành kỷ luật... Tất cả các trường hợp đó đều được cán bộ trong Tổ tư vấn gặp gỡ riêng để nhắc nhở, hỏi thăm và động viên phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ.
 
Không dừng lại ở hạ sĩ quan, chiến sĩ, mà ngay cả sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nếu có “tâm sự” cũng được tổ tư vấn tâm lý giúp đỡ. Rõ ràng có hàng trăm tình huống cần sự tư vấn, hỗ trợ xảy ra không theo quy luật nào, bởi thế đòi hỏi những người làm tư vấn tâm lý phải không ngừng học hỏi và trau dồi thêm kiến thức, nhất là khi tất cả các thành viên trong tổ đều chưa trải qua bất cứ trường lớp đào tạo cơ bản nào, chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế từ bản thân và thông qua sách báo, tạp chí. Trong công tác tư vấn, các tổ gặp không ít khó khăn, nhất là việc nắm bắt tư tưởng của những đồng chí sống nội tâm, không biểu hiện ra ngoài. Hay việc các CBCS thường xuyên luân chuyển công tác, nên thành viên tổ luôn không cố định được trong thời gian dài… Nhưng với phương châm “khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi chuyện trò chúng tôi là tri kỷ”, những vấn đề đơn giản được giải quyết trực tiếp. Còn những vấn đề phức tạp, các anh phải hội ý các cấp thậm chí điện thoại nhờ tư vấn của các chuyên gia để giải quyết vướng mắc cho anh em. Thực tế ở đảo Sơn Ca, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các thành viên trong tổ luôn gắn trách nhiệm cá nhân vào việc thực hiện; phát huy vai trò của cán bộ đảng viên, nhất là chính trị viên trong quản lý, nắm bắt tư tưởng; trực tiếp ăn ở, hoạt động cùng bộ đội, khi có biểu hiện lập tức báo cáo để có hướng xử lý. Bên cạnh đó, hàng tuần các phân đội đều có báo cáo về tư tưởng của chiến sĩ, không để có sự việc mới giải quyết. Bởi thế, năm qua các tổ tư vấn của đảo Sơn Ca đã làm tốt công tác tư tưởng. Chính nhờ sự nhiệt tình, lời động viên, tình cảm đồng đội keo sơn của những tổ tư vấn, các CBCS đang ngày đêm canh giữ biển trời Trường Sa của Tổ quốc càng vững tâm hơn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Theo báo cáo tổng kết một năm thực hiện và đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động này của Lữ đoàn 146, thì trong năm 2015 tổ tư vấn của các đơn vị khối bờ, đảo đã phát hiện và tư vấn 85 trường hợp như nhớ nhà, người nhà mắc bệnh hiểm nghèo, gặp vấn đề về tình cảm… giúp giữ vững ý chí cho CBCS yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một số đảo điển hình đã triển khai thực hiện và phát huy mô hình này có hiệu quả như: Trường Sa, Trường Sa Đông, Cô Lin, Thuyền Chài.
 
NGỌC NGÀ