Đam Rông trên con đường thoát nghèo

08:02, 16/02/2016

Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng đoàn Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh về huyện Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được Chính phủ đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. 

Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng đoàn Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh về huyện Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được Chính phủ đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. 
 
Bởi vậy, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nhanh, bền vững được xem là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện Đam Rông. 
 
Từ nhiều năm qua, với sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và tỉnh, Đam Rông đã nỗ lực thực hiện thành công hai chương trình trọng tâm: “Giảm nghèo nhanh, bền vững” theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và Xây dựng nông thôn mới (NTM)”.
 
Để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của xã hội, cũng như nhận thức của người dân về Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” và Chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy - UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) để phối hợp với các ngành chức năng huyện, các địa phương cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho mọi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, quyền lợi, trách nhiệm của họ đối với hai chương trình trọng tâm nói trên. Trên cơ sở dân hiểu, dân tin, dân đồng tình và tích cực tham gia, việc triển khai thực hiện Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” và Chương trình xây dựng NTM đã gặp nhiều thuận lợi.
 
Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông tại Đam Rông
Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông tại Đam Rông

Đối với Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, cùng với việc lồng ghép nguồn vốn của nhiều chương trình, dự án (134, 135, 167, 168...), vốn hỗ trợ của các tập đoàn, tổng công ty do Chính phủ, UBND tỉnh phân công (Tập đoàn Than - Khoáng sản, Vietcombank, Tổng Công ty TM Sài Gòn, Công ty TNHH MTV XSKT Lâm Đồng) và nguồn vốn của Chương trình 30a, trong hơn 6 năm qua (2009-6/2015) đã huy động đầu tư gần 900 tỷ đồng, cùng với việc huy động “sức dân” thông qua đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh chiều sâu, phát triển ngành nghề CN-TTCN-XD-DV... lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhờ vậy, Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” của huyện Đam Rông đã thực hiện đạt kết quả theo Chính sách giảm nghèo đặc thù là NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các chính sách giảm nghèo hiện hành khác... Đặc biệt, địa phương đã thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Đề án “Giảm nghèo nhanh, bền vững” đã được phê duyệt. Giai đoạn 2009-2010 (tính theo tiêu chí cũ), hộ nghèo đầu năm 2009 là 3.729 hộ (chiếm tỷ lệ 46,9%), số hộ cận nghèo 1.561 hộ (chiếm tỷ lệ 19,66%), đến cuối năm 2010 số hộ nghèo giảm xuống còn 3.141 hộ (chiếm tỷ lệ 37,92%), hộ cận nghèo còn 975 hộ (chiếm tỷ lệ 11,77%). Đến giai đoạn 2011-2014, (tính theo tiêu chí mới) số hộ nghèo đầu năm 2011 là 4.455 hộ (chiếm tỷ lệ 52,22%), số hộ cận nghèo 910 hộ (chiếm tỷ lệ 10,67%); đến cuối năm 2014, số hộ nghèo còn 1.103 hộ (chiếm tỷ lệ 9,65%), hộ cận nghèo còn 1.455 hộ (chiếm tỷ lệ 12,73%). Với mục tiêu phát triển KT-XH: Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8 triệu đồng/người năm 2009 lên 16,2 triệu đồng/người năm 2012, 19,8 triệu đồng/người năm 2013, 24 triệu đồng/người năm 2014 và 28,5 triệu đồng/người năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng (năm 2015 đạt khoảng 35%); hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, phát huy hiệu quả ngày càng cao.
 
Cùng với việc thực hiện thành công Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, những năm qua, huyện Đam Rông cũng đã thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM. Theo thống kê, từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2015, tổng nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau cho Chương trình xây dựng NTM của huyện Đam Rông lên đến 832,575 tỷ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp lên đến 11 tỷ đồng, chưa kể giá trị đất đai, cây trồng, ngày công mà người dân tình nguyện hiến để tham gia xây dựng NTM. Điều đáng nói là ngoài việc năng động, sáng tạo trong cách vận động, huy động vốn, tổ chức thực hiện, việc phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các địa bàn, các hạng mục công trình và việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả đã mang lại lòng tin của người dân vào chương trình, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, nên Chương trình xây dựng NTM của Đam Rông đã và đang mở ra triển vọng lớn. Đến nay, toàn huyện đã có 2 xã đạt 16-19/19 tiêu chí NTM (Đạ Tông, ĐạR’Sal), 5 xã đạt từ 10-12/19 tiêu chí NTM, 1 xã đạt 8 tiêu chí NTM. Đây là cơ sở, nền tảng để đến năm 2018, Đam Rông cơ bản sẽ thực hiện thành công huyện NTM!
 
Đặng Tuấn