Lắng đọng cội nguồn

08:02, 16/02/2016

Tết đến, xuân về cho vũ trụ bừng thức một niềm xanh rạo rực, cho lòng người thoáng chút trầm tư trên hai nẻo cũ - mới, hồi - hướng, đi - về. Nẻo quá khứ, tôi neo ký ức về những ngày cũ nhẹ tênh trong căn nhà thời thơ ấu.

Tết đến, xuân về cho vũ trụ bừng thức một niềm xanh rạo rực, cho lòng người thoáng chút trầm tư trên hai nẻo cũ - mới, hồi - hướng, đi - về. Nẻo quá khứ, tôi neo ký ức về những ngày cũ nhẹ tênh trong căn nhà thời thơ ấu. Nẻo tương lai, vẫn chấp nhận sự đổi thay như một tất yếu thời đại, thế nhưng đôi lúc tôi lại muốn quay về ngày xưa. Sự nghịch lý này xem ra có vẻ hơi kỳ nhưng chẳng hề lạ. Bởi, tâm tư con người đâu dễ gì phân mảnh để rạch ròi quá khứ - tương lai, nhất là tâm thức phương Đông muôn đời nặng lòng hồi niệm. Cái đẹp chuẩn mực trong cảm thức phương Đông là cái đẹp của ngày xưa cũ. Vậy thì, đâu phải cứ nói “tống cựu” là y như rằng “tống cựu”, nói “nghinh tân” là hiển nhiên “nghinh tân”. Biết rõ ràng cái trước mặt là “mới” mà vẫn chưa sẵn lòng để “nghinh”, “tống” đi cái “cũ” lại không đành. Quẩn quanh âu cũng là cách tự phân thân để tình tự với mùa xuân theo cái cách của riêng mình. Thế nên, tôi chẳng lấy gì làm khó hiểu khi xuân được đồng nhất 3 thì (quá khứ - hiện tại - tương lai) trong lẽ siêu thường của tâm thức phương Đông. 
 
Ừ, đằng nào xuân cũng đã đến. Ngồi đồng nhất xuân “3 thì” (quá khứ, hiện tại, tương lai) theo triết lý nhất nguyên, hay chia tách xuân sơ ngộ kiểu nhị nguyên luận, chi bằng lo thu dọn nhà cửa, lau chùi đồ thờ cúng, rồi thử tạt vào siêu thị, rảo một vòng mua ít gạo nếp, nắm lạt, xấp lá dong..., để chuẩn bị gói vài chiếc bánh chưng cho con cái còn biết đến mùi vị tết cổ truyền. Thực ra, tôi chưa bao giờ là người của lễ giáo, thành thử đụng đến tết nhất là y như rằng lóng nga lóng ngóng. Nhưng từ ngày cô con gái ra đời, sợ cháu lớn lên chẳng thèm “đếm xỉa” hoặc không biết tý tẹo gì đến nghi thức thờ cúng tổ tiên thì nguy, tôi đâm sốt sắng và cố thu vén chu toàn mọi việc lễ cúng, ít ra trong 3 ngày tết. Vả lại, mẹ tôi vẫn bảo, cúng tổ tiên cốt ở lòng thành. Lễ vật cúng là tùy tâm, tùy gia cảnh. Năm ăn nên làm ra thì sắm mâm cao cỗ đầy, gặp phải năm bết bát quá thể thì cỗ cúng sơ sài đạm bạc; thậm chí, lưng cơm đĩa muối cũng chả sao. Chẳng có gì đáng giá bằng sự thành tâm. Đạo hiếu ấy đã theo tôi đến mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.
 
Nếp sau khi được mua về, tôi sàng thêm lần nữa, lựa ra những hạt trắng đều nhất, đem ngâm thật kỹ. Sau đó, vo gạo thật sạch, để ráo nước. Đậu xanh làm nhân bánh cũng phải chọn loại ngon, rồi cho vào nước ngâm kỹ. Thịt làm nhân là loại thịt lợn tốt. Thái thịt thành miếng to bản, dày và dài vừa độ. Lá dong, lạt buộc... thì mang lau sạch. Công đoạn cuối cùng là gói chiếc bánh làm sao cho gọn gàng, vuông vắn. Gói xong xuôi, tôi cho vào cái nồi lớn, thêm nước ngập bánh và bắt đầu đỏ lửa. Ấy là đêm 29 rạng ngày 30 tết. Trong quá trình nấu bánh, để màu lá khỏi úa, 3 giờ đồng hồ, tôi thay nước 1 lần và cứ giữ lửa đều trong vòng 12 tiếng. Phải nấu đủ chừng đó thời gian thì bánh mới chín nhừ, mềm dẻo và tránh được tình trạng lại gạo (bánh sống trở lại) nếu để lâu. Ngó nồi bánh chưng đang sôi sùng sục cùng mùi thơm của đậu xanh, thịt mỡ và hương nếp tỏa lan ngập tràn không gian căn nhà, từ trong sâu thẳm tôi biết rằng, tết đang đến.
 
Chiều 30 tết, tôi biện mâm cỗ tết gồm một số món chủ lực như: Bánh chưng, hoa quả, dưa hành, giò lụa, cơm, gà luộc, giò heo hầm măng khô... đặt lên bàn thờ, thắp nến (đúng ra phải là đèn dầu) và nhang, khấn mời bố tôi về ăn tết cùng con cháu. Chiều khép dần, tôi lặng nhìn những sợi khói nhang nghi ngút, thâm nghiêm bay lên với bao nỗi niềm hoài tưởng, như thể bố tôi đang ở bên cạnh chở che, phù hộ độ trì cho cả gia đình. Chuyện trò rôm rả một lúc thì đã thấy chiếc kim đồng hồ treo tường đang nhích dần đến thời khắc giao thừa, thắp thêm tuần nhang mới, bảo vợ con trông nom nến nhang cho bố, tôi tranh thủ lôi xe máy ra khỏi nhà, chạy đi làm cái tin bắn pháo hoa. Mãn màn pháo hoa chào đón năm mới, tôi vội vàng chạy xe qua những chỗ bán đào, bán mai, với ý định nhặt lấy một cành đào phù hợp với độ rộng của căn nhà về chưng tết. Tôi biết chắc thể nào cũng có những cành đào bán không hết, người ta bỏ luôn ngoài đấy. Trước đó, tôi đã bảo vợ cứ cắt sẵn hoa giấy ở nhà, đợi tôi mang đào về thì gắn vào, thế là có ngay cành đào chưng tết, mà không phải tốn chi phí cho việc mua đào. 
 
Sáng mùng 1 tết, đặt lên bàn thờ một chiếc bánh chưng nguyên mới bóc lá và một khoanh giò mới cắt, thắp tuần nhang mới cho bố, rồi thì cả nhà lục tục lên chùa đảnh Phật. Một ngày tôi cúng bố tôi 3 lần, mỗi lần cúng là một mâm cỗ mới, và cứ duy trì như vậy cho đến chiều mùng 3 tết. Bữa cúng tết cuối cùng, tất cả vàng mã trên bàn thờ được tôi đem ra hóa, tiễn bố tôi về với ông bà; sau đó, thì tắt nến trên bàn thờ và hạ các đồ lễ từ chiều 30 tết xuống. Nghi lễ cúng tổ tiên 3 ngày tết tựu trung chỉ có vậy! Song, cách thức cúng thì mỗi nhà một nét riêng, mỗi nơi một sắc thái khác biệt. Riêng - khác, nhưng lại thống nhất nơi sâu thẳm giá trị nhân văn trong bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng hướng về nguồn cội. 
 
Tết Nguyên đán, ngoài việc đón tổ tiên về ăn tết với con cháu, còn là dịp để đi chúc tết, thăm hỏi người thân, láng giềng, đồng nghiệp. Tất cả quyện hòa trong khởi nguồn khát vọng đủ đầy, hạnh phúc và may mắn mỗi khi tết đến xuân về. 
 
Cuộc sống biến chuyển, những quan niệm mới ra đời đã làm thay đổi nhiều điều, nhiều cấm kỵ, khắt khe trong phong tục, tập quán xưa không phù hợp nữa cũng mai một. Tết cổ truyền của người Việt, theo nhiều người, đã chuyển từ “ăn” sang “chơi” và đó là xu thế tích cực trong thời buổi hội nhập sâu rộng như hiện nay. GS.TS Võ Tòng Xuân còn cao hứng đề nghị: “Tết hội nhập”, nghĩa là bỏ luôn Tết Nguyên đán, cứ nhất nhất theo Tây cho giản tiện. Tôi nghĩ khác. Ai chạm được sâu vào gốc rễ văn hóa dân tộc, kẻ đó không bao giờ tụt hậu. Bạn thì sao? Có nghe ra điều gì khi đứng trước bàn thờ tổ tiên, trước nơi chốn cũ, con người cũ, ngày tháng cũ trong thời khắc thiêng liêng đất trời cựa mình chuyển giao năm cũ sang năm mới. Còn tôi, mãi tin mạch nguồn văn hóa Việt ngàn đời đọng lắng, ẩn tàng, đựng chứa vẫn đủ sức dưỡng nuôi nền văn hóa ấy sống lâu bền cùng thời gian.
 
Tùy bút: TRỊNH CHU