Mai, đào "sánh vai" trên phố xuân Đà Lạt

09:02, 03/02/2016

Cùng "sánh vai" đón Xuân Bính Thân giữa phố Đà Lạt, không chỉ có không gian hoa anh đào tự nhiên và hoa anh đào ghép, mà còn rực rỡ những đường hoa mai vàng, giúp cho người mua có thêm lựa chọn giữa đa dạng các loại hoa phù hợp với sở thích, điều kiện của gia đình mình.

Cùng “sánh vai” đón Xuân Bính Thân giữa phố Đà Lạt, không chỉ có không gian hoa anh đào tự nhiên và hoa anh đào ghép, mà còn rực rỡ những đường hoa mai vàng, giúp cho người mua có thêm lựa chọn giữa đa dạng các loại hoa phù hợp với sở thích, điều kiện của gia đình mình.
 
Phong phú mai vàng miền Trung, miền Tây
 
Dạo bước trên phố xuân Đà Lạt vào chiều 20 tháng chạp năm 2015, tôi đặc biệt bị lôi cuốn bởi với nhiều loại hoa mai, hoa đào bày bán bên cạnh các mặt hàng hoa, trái khác ven hồ Xuân Hương. Dừng lại bên “vườn” mai vàng rộng khoảng hai trăm mét vuông bên lề đường đối diện với Quảng trường Lâm Viên, tôi được chủ vườn vui vẻ tiếp chuyện: “Nhóm tụi em có 4 người đàn ông đều “bỏ” vợ con tự lo sắm tết ở nhà tận dưới Bến Tre để theo xe chở mai vàng lên Đà Lạt bán từ ngày 20 tháng chạp. Số lượng mai vàng bán tại thị trường Đà Lạt Tết Bính Thân 2016 nhiều hơn Tết Ất Mùi năm 2015 khoảng 20%...”- Người đàn ông hơn 40 tuổi, nói như người đại diện của nhóm. Theo đó, năm ngoái, nhóm người này đã đem mai vàng từ Bến Tre lên Đà Lạt bán từ ngày 20 đến ngày 28 tháng chạp với tổng cộng hơn 500 cây, mức giá phù hợp với nhiều người mua. Gần như không có cây mai vàng nào của họ phải bán đổ, bán tháo nhằm gỡ lại vốn. Khi về lại Bến Tre, tất cả họ đã kịp đón giao thừa cùng với gia đình. 
 
Hoa mai vàng từ Bến Tre đưa lên Đà Lạt bán từ ngày 20 tháng chạp
Hoa mai vàng từ Bến Tre đưa lên Đà Lạt bán từ ngày 20 tháng chạp

Lợi thế so sánh của mai vàng Bến Tre là hoa nhiều cánh kép, màu vàng đậm. Hoa và búp nụ trải dày từ cành dưới gốc đến cành trên ngọn. Với kinh nghiệm và kỹ thuật chiết ghép, hãm cây phát triển với chiều cao trên dưới nửa mét, mai vàng Bến Tre thích hợp với nhiều vị trí trang trí trong phòng khách gia đình, giá cả năm nay lại khá phổ thông - từ 200.000 - 500.000 đồng mỗi chậu có đường kính khoảng 30 - 40cm. Với khí hậu Đà Lạt, hộ gia đình mua chậu mai vàng về chơi xuân từ cuối tháng chạp năm cũ có thể kéo dài qua hết rằm tháng giêng năm mới nới tàn hết những chùm hoa cuối cùng. Tương tự như mọi năm, với dòng mai vàng từ các làng hoa ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên cũng đem lên Đà Lạt bán bắt đầu từ ngày 20 tháng chạp. Nhưng khác với các dòng mai vàng Bến Tre, mai vàng 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên đều tạo dáng nghệ thuật theo kiểu bonsai, có nhiều cây đạt chiều cao đến hơn hai mét kể từ bề mặt chậu, nên giá cao hơn - mỗi chậu bán ra từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng, cá biệt có chậu chào giá bán hơn 5 triệu đồng vẫn đang thu hút người đến hỏi mua. Giải thích về mức chênh lệch khá cao giữa mai vàng Bình Định, Phú Yên và mai vàng Bến Tre, những người bán nói đại ý rằng: “Mai vàng Bình Định, Phú Yên chăm sóc từ giống cây con đến 5 năm sau mới trở thành cây thương phẩm, xuất vườn bán ra. Dù thuộc loại hoa cánh đơn, nhưng nhờ cây “già tuổi” nên luôn nở bung màu vàng sắc nét, giữ tươi trong nhà chắc chắn qua hết tháng giêng năm mới…”. Một vị khách du lịch đến từ Sài Gòn giao xong 2 triệu đồng để mua một chậu mai vàng Bình Định cao gần một mét, phủ tán khoảng 80cm, nói: “Tôi chọn mai vàng Bình Định vì… tôi đã từng gắn bó công việc riêng của mình ở đất Bình Định đến hai mươi năm…”.
 
Anh đào bản địa và anh đào ghép
 
Hoa anh đào Nhật Tân ghép với hoa Đà Lạt xuống phố bày bán dịp xuân Bính Thân được “canh tác” không chỉ ở Đà Lạt, mà còn ở các vùng phụ cận như Đức Trọng, Lâm Hà. Giá bán với nhiều mức - mỗi chậu từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng, hoặc giá mỗi chậu cho thuê từ rằm tháng chạp năm cũ đến hết rằm tháng giêng năm mới khoảng 800.000 đồng đến 2 triệu đồng. Riêng Thung lũng Hoa đào Mười Lời, Đà Lạt tham gia thị trường Tết Bính Thân với 1.000 cây, cành anh đào ghép (gốc anh đào Đà Lạt ghép với chồi anh đào Nhật Tân, Hà Nội) với các “biên độ” giá như: cho thuê từ 1,5 - 6 triệu đồng/chậu, bán mỗi cành từ 100 - 500.000 đồng, bán nguyên mỗi chậu trung bình từ 3 - 5 triệu đồng. “Tính riêng hoa anh đào ghép bán nguyên chậu và cho thuê đều được khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đặt trước vào đầu tháng chạp…” - Chủ nhân Thung lũng Hoa đào Mười Lời, Bùi Văn Sang cho biết. 
 
Nét độc đáo trên đường phố xuân Đà Lạt năm nay là vẫn tiếp tục “sắp đặt” những cành hoa anh đào bản địa đặt trong những chậu nước lớn, bày bán hai bên đường phố Trần Hưng Đạo và một đoạn đường ven hồ Xuân Hương. Người bán cho biết đây là những cành hoa đưa cưa, cắt từ trong khu vườn trồng xen với các loại cây trồng nông nghiệp ở vùng Trại Hầm, Trạm Hành của Đà Lạt. Nhìn gần, từng cành anh đào thuần Đà Lạt chọn bán ở đây đều có đủ các thành phần: hoa nở cánh đơn hồng nhạt chen lẫn giữa búp nụ, trái non…, mỗi cành có giá từ 800.000 đồng đến 4 triệu đồng. “Mỗi lần cưa, cắt khoảng 10 cành anh đào Đà Lạt đem ra phố bán. Bán nhiều lần cho đến ngày 30 tết. Tết năm ngoái, bán hơn 40 cành, năm nay dự kiến số lượng sẽ bán bằng hoặc nhiều hơn năm ngoái…” - một người Đà Lạt bán hoa anh đào Đà Lạt nói. 
 
Tính đến ngày Ông Táo về trời (23 tháng chạp năm 2015), tôi đếm có 4 người Đà Lạt, mỗi người đưa ra phố khoảng 30 - 40 cành anh đào Đà Lạt để bán. Đã có nhiều người Đà Lạt và các vùng phụ cận khi thấy hoa anh đào Đà Lạt đã nhanh chóng giao tiền mua mà không cần phải trả bớt giá của người bán đưa ra. Bởi người mua thường chia sẻ rằng: “Có hoa anh đào Đà Lạt về nhà đón xuân như được trở về những hoài niệm riêng mình…”.
 
VĂN VIỆT