Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội

10:02, 15/02/2016

Lễ hội truyền thống Việt Nam là sự kiện văn hóa - tâm linh được tổ chức mang tính cộng đồng; là một trong những loại hình di sản độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tượng, nhiều người...

Lễ hội truyền thống Việt Nam là sự kiện văn hóa - tâm linh được tổ chức mang tính cộng đồng; là một trong những loại hình di sản độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tượng, nhiều người. Đối với người dân Việt Nam, mùa xuân cũng là mùa lễ hội.
 
Lễ hội Đền Hùng tại thác Prenn - Đà Lạt. Ảnh: THANH TOÀN
Lễ hội Đền Hùng tại thác Prenn - Đà Lạt. Ảnh: THANH TOÀN

Phải hiểu đúng bản chất lễ hội
 
Lễ hội không phải chỉ là lễ hội mà nó còn có ý nghĩa phong phú hơn nhiều. Đối với người này lễ hội là theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng, còn với người khác lại chỉ là cảnh lạ mang tính dân gian, hoặc một sự kiện vui nhộn... Ý nghĩa của lễ hội liên quan đến truyền thống văn hóa - lịch sử dân tộc, đến tín ngưỡng, tôn giáo… Vì vậy, muốn hiểu được điều đó trước hết các nền văn hóa phải cần gặp nhau, va chạm nhau và ở mỗi phía bộc lộ ra cái độc đáo, chân xác của mình. Thực ra, người ta có thể định nghĩa lễ hội như một câu hỏi đặt ra cho những người trực tiếp tham gia lẫn những người quan sát từ bên ngoài, nhưng tuyệt nhiên không quy tất cả lễ hội về một mẫu số chung.
 
Ở mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, từng nét văn hóa lễ hội chứa đựng những tính chất, đặc trưng riêng biệt, mang hơi thở của đời sống xã hội, của cộng đồng; do đó, lễ hội trở thành một yếu tố văn hóa quan trọng trong đời sống xã hội. Vì vậy, lễ hội bao giờ cũng phù hợp với điều kiện sống cụ thể, nó nảy sinh và cũng bị chi phối bằng các hình thức, phương thức lao động, hoàn cảnh sống và môi trường tự nhiên.
 
Ở nước ta, lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa lâu đời của dân tộc; có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp trong xã hội, đã trở thành nhu cầu chính đáng của nhân dân. Hiện nay, Nhà nước khuyến khích tổ chức các lễ hội nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 
 
Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội
 
Việc đánh giá nếp sống văn minh trong lễ hội không hoàn toàn theo nghĩa cơ học rạch ròi như trong định nghĩa, mà phải được hiểu ở góc độ văn minh - văn hóa, là một hiện tượng xã hội liên quan đến yếu tố tâm linh. Hoàn toàn không đúng khi cho rằng tổ chức lễ hội như các nước phương Tây mới văn minh, còn cách tổ chức như các nước, các dân tộc trình độ phát triển chưa cao là thiếu văn minh; hoặc những gì thuộc về quá khứ đều là lạc hậu, không văn minh và cần phải xóa bỏ để thay thế các yếu tố hiện đại… Do đó, khi sử dụng khái niệm văn minh trong lễ hội phải theo quan điểm lịch sử cụ thể trong quá trình phát triển; phải chú ý đến bản sắc, truyền thống văn hóa của các dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại…
 
Đối với nước ta hiện nay, thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội phải dựa trên các tiêu chí như: đảm bảo được ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ, ngày kỷ niệm; giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tình cảm cộng đồng; tưởng nhớ công đức của cha ông, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; tìm hiểu, giới thiệu các di tích lịch sử, danh thắng, các công trình văn hóa, nghệ thuật; giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tổ chức vui chơi, giải trí lành mạnh, giữ gìn an ninh trật tự, không xâm hại di tích; cấm lợi dụng lễ hội để phục hồi hủ tục, mê tín dị đoan.
 
Việc vận dụng khái niệm văn minh vào lễ hội hiện nay là một việc làm hết sức cần thiết nhưng không đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao. Ở đây cần nhấn mạnh yếu tố nếp sống văn minh, nghĩa là thực hiện những gì có lợi mà không xa lạ với con người Việt Nam, với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, không cản trở quá trình phát triển của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại. Thực tế, những nghi thức tổ chức lễ hội trong truyền thống dân tộc cũng phản ánh văn minh - văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ với các dân tộc khác ở khu vực cũng như trên thế giới. 
 
Thực trạng tổ chức lễ hội thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, công tác tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến rõ nét, hạn chế được một số tiêu cực, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy có hiệu quả, xuất hiện một số điển hình, mô hình tốt cần nhân rộng. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội cũng nẩy sinh những vấn đề phức tạp như: nhiều nghi thức phô trương, rườm rà không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây tốn kém, phiền phức; mê tín, dị đoan lại phát triển phức tạp. Thậm chí nhiều nơi, nhiều người lợi dụng lễ hội để trục lợi, lừa đảo, xuyên tạc gây rối trật tự, an toàn xã hội. Môi trường văn hóa đang bị ô nhiễm đáng báo động… 
 
Để thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, thiết nghĩ cần lưu ý một số nội dung sau đây: 
 
(1) Việc tổ chức lễ hội phải được tiếp cận từ góc độ tương đồng của khái niệm “văn hóa” và “văn minh. Những hiểu biết lệch lạc về khái niệm này sẽ dẫn đến những việc làm sai trái. 
 
(2) Vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa để tổ chức tốt các lễ hội. Tư tưởng của Bác đã chỉ rõ: “… không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì mới cũng làm hết. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ; Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý; Cái mới mà hay thì ta phải làm”… Còn quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội đã được nêu trong các chỉ thị, nghị quyết như: Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII); Kết luận số 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa X) và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hiện nay); các văn bản chỉ đạo thực hiện của tỉnh… Các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đều xác định rõ nội dung, yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội; đồng thời nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên phải thực hiện đúng các quy định đó. 
 
(3) Tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung chỉ đạo công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế về việc tổ chức lễ hội phù hợp và đáp ứng yêu cầu hiện nay; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học. Phải coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể; đồng thời đề cao trách nhiệm của cộng đồng.
 
Đầu xuân có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn phải tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Mỗi người dân và cộng đồng dân cư cần tự giác chấp hành các quy định trong tổ chức lễ hội. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng có sai phạm trong tổ chức và tham gia lễ hội; giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có qui mô lớn. Làm tốt những điều đó chắc chắn việc tổ chức lễ hội sẽ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là du lịch.
 
VĂN NHÂN