Vào vùng sâu nghe hơi thở mùa xuân

05:02, 15/02/2016

Vì muốn được biết, được cảm nhận mùa xuân đang đến gần ở một nơi xa xôi, chiều 27 tết Bính Thân, tôi quyết định lên "con ngựa sắt" về xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông để được cùng người dân nơi đây lắng nghe hơi thở náo nức của một mùa xuân đã cận kề.

Phố phường đón tết thì đương nhiên là rộn ràng, vui nhộn, chả thế mà dân gian thường hay nói “Vui như tết”. Còn ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đón tết như thế nào, nếu không sâu sát, chắc ít người biết được. Vì muốn được biết, được cảm nhận mùa xuân đang đến gần ở một nơi xa xôi, chiều 27 tết Bính Thân, tôi quyết định lên “con ngựa sắt” về xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông để được cùng người dân nơi đây lắng nghe hơi thở náo nức của một mùa xuân đã cận kề.
 
Một góc trung tâm xã Đạ K’Nàng đang trên đường phát triển mạnh mẽ
Một góc trung tâm xã Đạ K’Nàng đang trên đường phát triển mạnh mẽ

Từ Đà Lạt, phóng xe “một lèo” về xã Phi Liêng trên chặng đường dài 120km, rồi từ Ngã ba Huế theo con đường nhựa đã xuống cấp khoảng 25km sẽ đến trung tâm xã Đạ K’Nàng. Theo chỉ dẫn của người dân, tôi miệt mài “gò mình” trên yên “ngựa sắt”, hết đường nhựa gặp đoạn đường cấp phối đang thi công dang dở, chiếc xe có lúc phải “gồng lên” rồ hết ga, hết máy, nhưng vẫn ì ạch khổ sở, nhất là khi qua đoạn dốc cao. Tôi mệt nhoài, mồ hôi túa ra giữa trưa hè nắng gắt, tưởng không còn sức chịu đựng, nếu đoạn đường này tiếp tục kéo dài. Nhưng thật may, chỉ chừng 8km, lại gặp đường nhựa, biết sắp đến trung tâm xã, tôi thở phào nhẹ nhõm. Vào Văn phòng UBND xã Đạ K’Nàng, gặp chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quân, chưa kịp để chủ nhà chào hỏi, tôi nói ngay “Qua đường vào xã, tôi tưởng tượng đầu đường là văn minh, cuối đường là trù phú, còn giữa đường là khó khăn, vất vả. Anh Quân cười: “Anh nói hơi quá, nhưng chỉ vài tháng nữa đoạn đường đất ở giữa sẽ được công ty Đông Hải thi công hoàn thiện, cũng sẽ khang trang, “hoành tráng” như hai đầu. Đến lúc đó, biết đâu anh lại thích về Đạ K’Nàng đón tết để được đi qua cả con đường văn minh, trù phú”. Chúng tôi cùng cười giòn tan, trong cái bắt tay nồng ấm. 
 
Câu chuyện cuối năm giữa chúng tôi chủ yếu xoay quanh đề tài phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, đón mừng năm mới của người dân địa phương. Trong sự háo hức của một cái tết đã cận kề, anh Quân chân tình, bộc bạch: 10 năm trước, nhà báo đã vào Đạ K’Nàng, đã thấy được sự đổi thay của một vùng quê vốn nghèo nàn, lạc hậu, được chia tách từ xã Phi Liêng, nhưng so với hồi đó, bây giờ Đạ K’Nàng đã đổi thay nhiều lắm. Còn nhớ, lúc mới được chia tách, thành lập xã năm 1999, tỷ lệ hộ nghèo của Đạ K’Nàng trên dưới 70%, nay tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Đạ K’Nàng đã mở ra được triển vọng lớn trong việc “thoát nghèo bền vững”, với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,67% (131/1.864 hộ), hộ cận nghèo còn 16,4% (233/1.864 hộ). Nhiều lĩnh vực KT-XH có sự phát triển vượt bậc, đã tạo điều kiện cho người dân đón tết vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Để chứng minh cho điều đó, lát nữa nhà báo cứ làm một vòng “thị sát” tại thôn trung tâm và vào chợ nông thôn của xã để thấy rõ sự đổi thay, phát triển của Đạ K’Nàng, cũng như cái không khí náo nức, phấn khởi của người dân trước thềm năm mới. Lý giải cho sự phát triển, đổi thay đó, Chủ tịch Quân đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp trong chỉ đạo, quản lý điều hành của Đảng bộ, chính quyền xã và sự nỗ lực của bản thân người dân địa phương. Theo ông, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Đạ K’Nàng đã tranh thủ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ TW, huyện đến tỉnh đã sử dụng, phát huy có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ nhà nước trong các chương trình, dự án quốc gia như chương trình 134, 135, 167; chương trình “giảm nghèo nhanh, bền vững”; nông thôn mới (NTM); tái canh cà phê; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao năng suất; chất lượng; năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp… Trong chỉ đạo, điều hành, Đảng ủy - UBND xã tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng, then chốt như: phát triển sản xuất theo hướng khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương, bằng việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; trong đó, chú trọng những cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao như cà phê robusta; catimor, cao sản, cây ăn trái, mắc ca, bò lai sind, heo siêu nạc, gà thả vườn… Đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống ao hồ, thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, tăng cường công tác khuyến nông, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật. Mặt khác, làm tốt công tác QLBV rừng để vừa bảo vệ được tài nguyên môi trường, vừa tận dụng lợi thế về rừng trong giao khoán QLBV, trồng mới, chăm sóc rừng trồng, tăng nguồn thu nhập cho người dân, tiến tới tạo nghề rừng có hiệu quả.
 
Từ các chương trình đầu tư hiệu quả, nông dân vùng sâu Đam Rông xây dựng đời sống ấm no - Ảnh: ĐẶNG TUẤN
Từ các chương trình đầu tư hiệu quả, nông dân vùng sâu Đam Rông xây dựng đời sống ấm no.
Ảnh: ĐẶNG TUẤN

Trong lĩnh vực xã hội, là một địa phương có đến 53% là đồng bào DTTS (DTTS gốc Tây Nguyên và đồng bào Tày, Nùng, Dao, Thái các tỉnh phía bắc di cư vào), nên thường sinh đông con, thiếu căn cơ trong chi tiêu sinh hoạt, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, là nguyên nhân sâu xa của đói nghèo. Do đó, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, biết tiết kiệm trong cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã hiện giảm xuống chỉ còn 1,25% và nhiều hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi đình đám đã được xóa bỏ. Năng suất cây trồng chủ lực là cà phê tăng lên 2,2 tấn/ha, với sản lượng trên 6.600 tấn, tăng 10% so với năm 2014. Trong xây dựng NTM, ngoài việc tận dụng tối đa các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân nhận thức được rằng “Người hưởng lợi trực tiếp từ NTM là nhân dân”, nên người dân hăng hái, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của, hiến đất, hoa màu để xây dựng các công trình phúc lợi điện - đường - trường - trạm, nhà văn hóa; nhà sinh hoạt cộng đồng trị giá hàng tỷ đồng. Đến nay, tuy chỉ mới đạt được 8/19 tiêu chí quốc gia về NTM, nhưng đã tạo được cơ sở vững chắc cho việc xây dựng thành công NTM vào năm 2018. Giáo dục, y tế, QP-AN-TTATXH luôn có bước phát triển ổn định, tạo điều kiện để Đảng bộ - chính quyền - nhân dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng Đạ K’Nàng ngày càng phát triển.
 
Để kiểm chứng lời nói của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quân, tôi “vi hành” xuống cơ sở. Tại chợ nông thôn xã, tuy không quy mô, tấp nập như chợ huyện, chợ tỉnh, nhưng cũng đầy đủ các mặt hàng phục vụ tết. Chợ cũng có hoa cúc, ly ly, cẩm chướng, lay ơn, hướng dương, vạn thọ…; cũng có bonsai, cây cảnh và nhiều mặt hàng tươi sống, mứt, bánh kẹo, cam, quýt, bưởi, thanh long, dứa xiêm, mận ngọt… Trong cảm xúc lâng lâng của “người phố thị” tham gia phiên chợ tết ở vùng sâu, tôi tiếp tục đến một vài hộ dân để được nghe, được thấy sự “sung túc” của người dân vào thời khắc đón mừng năm mới. Cảm giác vui, cùng ấn tượng sâu sắc còn lắng đọng trong tôi, khi được chứng kiến sân phơi đầy cà phê và câu nói chắc nụi của chủ nhà Kon Sa Ha Phăng ở thôn Đạ K’Nàng “Chưa cần bán cà phê, nhà mình vẫn có dư tiền để đón tết no ấm, hạnh phúc. Gia đình tôi thật sự được đổi đời, sau 25 năm di cư từ huyện Lạc Dương sang định cư ở Đạ K’Nàng”.
 
HOÀNG KIẾN GIANG