33 năm mỏi mòn chờ nước sạch

09:03, 11/03/2016

Mấy chục năm qua, ở xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), nhiều hộ dân phải sống trong cảnh khát nước sạch. Với họ, nước sạch dường như là "của hiếm" và hết năm này qua năm khác, các hộ dân vẫn sống trong cảnh đợi chờ…

Mấy chục năm qua, ở xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), nhiều hộ dân phải sống trong cảnh khát nước sạch. Với họ, nước sạch dường như là “của hiếm” và hết năm này qua năm khác, các hộ dân vẫn sống trong cảnh đợi chờ…
 
Nước sông được người dân Tân Phú bơm lên, lắng tạm vào thùng trước khi dùng để tắm, giặt
Nước sông được người dân Tân Phú bơm lên, lắng tạm vào thùng trước khi dùng để tắm, giặt

Sống cùng nước sông
 
Khi biết chúng tôi có ý định muốn vào thôn Tân Phú để tìm hiểu về đời sống của người dân nơi đây, một vài cán bộ xã đã “can” đừng vào vì đường rất khó đi, nếu nhất quyết đi thì “không ai có thể đảm bảo an toàn cho nhà báo đâu!” - một cán bộ văn phòng xã nửa đùa nửa thật. Không nản chí, chúng tôi quyết “liều mình”. Quả thật, từ quốc lộ 20, để vào được thôn Tân Phú, chúng tôi đã băng qua con đường đá cấp phối khúc khuỷu, mịt mù bụi đất đỏ dài gần chục km. Nghe tôi than thở con đường dẫn vào thôn sao mà khó đi đến thế, ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tân Phú, cũng là người dẫn đường cười xòa nói, mùa này đường vào thôn tuy đầy bụi nhưng dù gì thì vẫn còn dễ đi chán, chứ vào mùa mưa mà nhà báo vào đây thì chỉ có nước “vồ ếch” thôi! 
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Tân Phú - anh Nguyễn Bá Thanh cho hay, toàn thôn hiện có 250 hộ thì đã có khoảng 200 hộ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Ngoài tổ 1 người dân đa số đã sử dụng nước giếng khoan thì tại 6 tổ còn lại, vào mùa nắng, hầu hết người dân phải lọc nước ao, hồ để sinh hoạt. Trong số này, người nào có điều kiện hơn thì mua nước đóng bình để uống, còn nước ao hồ dùng cho việc tắm, giặt, tưới tiêu và dùng luôn để nấu ăn. Anh Nguyễn Văn Thành (tổ 4) và cũng là Phó thôn Tân Phú cho biết, gia đình anh vào cư ngụ tại đây từ năm 1998. Từ đó đến nay, đã 18 năm gia đình phải bơm nước sông lên để tưới cà phê, rồi cũng lắng phèn nguồn nước đó dùng luôn cho ăn uống, sinh hoạt. “Trước, nước hồ còn trong, giờ thì đủ thứ tạp chất thải xuống đó, nhưng cũng đành chịu! Họp thôn lần nào, chúng tôi cũng kiến nghị về nước sinh hoạt, về đường đi nhưng rồi đâu vẫn vào đấy!” - anh Thành nói. Đó cũng là nỗi niềm của gia đình ông Lành Vĩ Nguyên (tổ 3). Ông cho biết, gia đình vào Tân Phú đã 20 năm nay nhưng từ hồi đó đến giờ không có nước sạch để sinh hoạt. Gia đình đã 3 lần đào giếng nhưng không tìm ra nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyên thì gia đình ông vẫn còn thuộc diện may mắn hơn một số hộ dân khác, vì thời điểm hiện tại (hoặc mùa khô hạn các năm trước), ông còn có thể xin được nước giếng đào của một nhà hàng xóm để ăn, uống. “Chúng tôi cứ xin đến khi nào giếng cạn thì lại mua nước, khoảng 15-20 ngàn đồng/tiếng (xe bồn đến vùng sâu bơm nước tính giá theo thời gian - PV), đến khi không còn nước để mua nữa thì quay qua xài nước hồ” - ông Nguyên tiếp lời. Tiếp tục xuống thăm gia đình anh Nguyễn Văn Có (tổ 4), anh Có cho hay, gia đình anh cũng chịu chung tình trạng với đa số người dân trong thôn “cứ đến hẹn lại xin” - đến mùa nắng là xài “ké” nước ao hồ tưới tiêu của nhà hàng xóm giặt giũ, tắm rửa. “Vì là xài ké nên vui thì người ta cho, buồn thì người ta lắc đầu nên cũng thấp thỏm lắm.” - anh Có buồn lòng...
 
33 năm vẫn khát...
 
Nếu như các hộ dân của thôn Tân Phú, vốn là một thôn vùng sâu, vùng xa của xã Ninh Gia thiếu nước quanh năm “đã đành một nhẽ”, ngay những trường hợp thiếu nước sinh hoạt có nhà sát quốc lộ 20 và chỉ cách trụ sở UBND xã Ninh Gia vài trăm mét mà xã không hề hay biết như trường hợp của gia đình bà Trần Thị Thìn (xóm 3, thôn Đại Ninh) lại là chuyện đáng bàn. Không chỉ riêng mùa nắng hạn năm nay gia đình 5 người của bà mới phải đi mua nước sinh hoạt mà chuyện này diễn ra cách đây đã hơn 30 năm có lẻ. Bà Thìn cho biết, năm nào cũng vậy, vào mùa khô (khoảng từ tháng 4 đến tháng 10) nhà bà hoàn toàn phải mua nước, mua từ lúc nước bán chỉ có vài trăm đồng/bồn, rồi lên đến vài ngàn đồng, vài chục ngàn đồng và giờ là 100 ngàn đồng/bồn. Riêng những tháng mùa mưa còn lại trong năm thì gia đình bà đỡ “khát” hơn bởi hứng nước mưa để xài dần. “Vào lúc thời tiết nắng nóng như vầy, gia đình tôi cứ 2, 3 ngày phải mua một bồn khoảng 1.500 lít với giá 100 ngàn đồng/bồn. Nước đó người ta (người bán - PV) nói là nước giếng đào nhưng họ nói thì biết vậy thôi chứ mình không thể kiểm chứng được. Chúng tôi rất mong chờ có nguồn nước sạch để sinh hoạt, vì không chỉ mình mà lớn hơn và lo hơn là vì sức khỏe của con cái!” - bà Thìn bộc bạch.
 
Thiếu nước sinh hoạt cũng là nỗi lo triền miên của các gia đình hàng xóm quanh nhà bà Thìn như chị Nguyễn Thị Long Thanh, ông Nguyễn Tấn Cảnh... Chị Thanh cho biết, mỗi tháng, gia đình phải mua khoảng 6, 7 bồn nước để phục vụ cho sinh hoạt. Cũng vì mua nước nhiều và thường xuyên như vậy nên người bán nước “thương tình” chỉ lấy “giá hữu nghị” 80 ngàn đồng/bồn. “Để đỡ tốn kém, áo quần của mấy mẹ con thay ra cứ thứ bảy, chủ nhật là tôi gom lại rồi chở lên nhà bà ngoại ở Xóm Chung (xã Phú Hội) để giặt nhờ. Chỗ chúng tôi ở đây đá bàn nhiều lắm nên không khoan giếng được mà nếu có muốn khoan cũng không có tiền và không dám bỏ ra một số tiền lớn để thử khoan vì lỡ đâu lại không có nước” - chị Long Thanh cho biết. Riết rồi, với các hộ dân ở đây thì việc phải đi mua nước vào mùa nắng hay hứng nước vào mùa mưa đã trở thành chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng đối với cán bộ xã Ninh Gia thì lại không bình thường chút nào. Khi đem câu chuyện thiếu nước của gia đình cô Thìn, chị Thanh trao đổi với một cán bộ xã Ninh Gia, điều đầu tiên chúng tôi nhận được là thái độ rất đỗi ngạc nhiên trước thông tin trên. Tiếp đến, các cán bộ xã một mực khẳng định rằng, không hề có tình trạng người dân phải mua nước mấy chục năm qua, họ nói là nói vậy thôi chứ làm gì có chuyện đó!?
 
Phóng sự: Thy Vũ