Giá trị của Ngày 8/3 trong đời sống xã hội

09:03, 08/03/2016

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, PV Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với chị Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về ý nghĩa quan trọng của Ngày 8/3 trong thực tế đời sống hiện nay.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, PV Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với chị Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về ý nghĩa quan trọng của Ngày 8/3 trong thực tế đời sống hiện nay.
 
PV: Thưa chị, suy nghĩ truyền thống về Ngày 8/3 là ngày “Phụ nữ vùng lên” có còn phù hợp với thời đại nữa không?
 
Chị Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng.
Chị Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng
Chị Phạm Thị Mỹ Huyền: Lịch sử ra đời của Ngày 8/3 gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp và nảy sinh trong lòng chủ nghĩa tư bản, và chúng ta biết rằng đó là cuộc đấu tranh của những chị em phụ nữ công nhân với giới chủ tư bản để đòi quyền lợi cho mình. Du nhập vào Việt Nam, Ngày 8/3 có nhiều ý nghĩa cổ vũ cho phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ chúng ta thực hiện cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đặc biệt là cổ vũ cho phong trào đấu tranh của đông đảo các tầng lớp phụ nữ để giành quyền bình đẳng cho phụ nữ sau hàng ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Tư tưởng suy nghĩ “Ngày 8/3 là ngày phụ nữ vùng lên” được hình thành, phát triển từ những cơ sở đó và dường như ngày nay vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội của chúng ta.
 
Tuy nhiên, có thể thấy rằng xã hội Việt Nam đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung, của chị em phụ nữ nói riêng không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nhiều chủ trương chính sách của Đảng về vấn đề phụ nữ và trẻ em gái đã được luật hóa và quy định một cách cụ thể như: Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11/NQ-BCT về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”... đã thể hiện khá rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề phụ nữ. Chính điều đó làm cho chúng ta phải nhận thức lại giá trị của Ngày 8/3 trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là giai đoạn mà chúng ta đang tăng cường hợp tác để phát triển toàn diện đất nước với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,văn minh” mà Nghị quyết XII của Đảng đã xác định.
 
PV: Vậy giá trị của Ngày 8/3 trong đời sống xã hội hiện nay cần được nhìn nhận như thế nào cho phù hợp? Hội Phụ nữ có hoạt động gì nổi bật để kỷ niệm Ngày 8/3?
 
Chị Phạm Thị Mỹ Huyền: Với thực tế đó, thì tôi nghĩ rằng giá trị của Ngày 8/3 cũng cần được xã hội nhìn nhận và xác định phù hợp với xu thế phát triển, có như thế chúng ta mới cổ vũ được tinh thần yêu nước, hăng say lao động đóng góp vào sự phát triển đất nước của lực lượng lao động nữ nói riêng và của người dân nói chung. Đối với tổ chức Hội, trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đang đổi mới một cách mạnh mẽ phương thức hoạt động và cách tiếp cận nội dung. Với phương pháp này, trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội LHPN Lâm Đồng luôn hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ, hướng chị em vào những hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, quan tâm giáo dục con cái, thực hiện tốt hơn vai trò của người phụ nữ trong gia đình, thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân nơi cư trú... Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm chăm lo bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, lực lượng lao động nữ, tạo cơ hội, điều kiện và môi trường để chị em làm việc, cống hiến và trưởng thành.
 
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh  Phạm Thị Mỹ Huyền (thứ hai, phải qua) biểu dương các điển hình phụ nữ dtts làm kinh tế giỏi - Ảnh: DIỆU HIỀN
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Mỹ Huyền (thứ hai, phải qua) biểu dương các điển hình phụ nữ DTTS
làm kinh tế giỏi

PV: Thưa chị, phụ nữ Đà Lạt nói riêng, phụ nữ Lâm Đồng nói chung, cần phát huy phẩm chất gì để tạo ra vẻ đẹp độc đáo của người phụ nữ nơi đây? 
 
Chị Phạm Thị Mỹ Huyền: Chúng ta đang tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Với vai trò của Hội, đề án đã và đang tích cực triển khai đến các hội viên trong tỉnh để tuyên truyền, vận động, giáo dục làm thế nào để những phẩm chất tốt đẹp ấy thực sự ngấm vào trong mỗi hội viên. Liên hệ thực tế những đức tính tốt đẹp của phụ nữ Đà Lạt nói riêng, phụ nữ Lâm Đồng nói chung, cần tiếp tục phát huy phẩm chất “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” từ lâu đã trở thành nét tính cách của người Đà Lạt, để giữ gìn, vun đắp vẻ đẹp độc đáo của người phụ nữ nơi đây.
 
PV: Cảm ơn chị và chúc mừng Ngày 8/3!
 
- Toàn tỉnh hiện có 163 cơ sở hội; 1.590 chi hội; 3.663 tổ hội phụ nữ.
 
- Sau khi tiến hành đại hội Đảng các cấp, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều tăng hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể: cấp tỉnh 18,5% (tăng 8,5%), cấp huyện 14,9% (tăng 2,1%), cấp xã 21,7% (tăng 4,4%).
 
- Trong năm 2015, Hội LHPN các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tư vấn nghề cho 6.337 lượt PN trong độ tuổi lao động, mở 47 lớp dạy nghề cho 1.537 chị và có 4.628 chị có việc làm ổn định sau học nghề, 33 chị được tư vấn đi xuất khẩu lao động.
 
- Năm qua, các địa phương trong tỉnh đã có các hoạt động giúp cho 5.339 (85%) hội viên PN nghèo, 2.402 PN dân tộc, 2.121 (100%) PN nghèo làm chủ hộ. Kết quả (ước tính): Đã có 2.509/5.339 chị PN được giúp thoát nghèo (47%); (trong đó có 1.087/2.402 phụ nữ dân tộc thoát nghèo (45%)); 1.102/2.121 chị PN nghèo làm chủ hộ thoát nghèo (52%), góp phần cùng toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%...
TS tổng hợp (Nguồn: Hội LHPN tỉnh)

DIỆU HIỀN (Thực hiện)