Để "trường học mới" phát huy hiệu quả

09:03, 18/03/2016

Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), đến nay, mô hình này đã được mở rộng tại hầu hết các trường tiểu học trong tỉnh và tiếp tục chuyển tiếp lên lớp 6 cấp THCS...

Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), đến nay, mô hình này đã được mở rộng tại hầu hết các trường tiểu học trong tỉnh và tiếp tục chuyển tiếp lên lớp 6 cấp THCS. Bên cạnh những ưu điểm mà cách dạy học mới này mang lại, vẫn còn đó những băn khoăn: làm sao để VNEN có hiệu quả thực sự chứ không chỉ chạy theo hình thức?
 
Phụ huynh lo ngại chất lượng học của con
 
Năm học 2015 – 2016 này, Trường Tiểu học Phan Như Thạch (Đà Lạt) thực hiện chương trình VNEN tới khối lớp 5. Theo kết quả kiểm tra cuối học kỳ I vừa qua ở hai môn Toán và Tiếng Việt, nhiều phụ huynh lo lắng khi tỷ lệ điểm giỏi, khá ở khối 5 giảm so với cùng kỳ năm học trước, còn tỷ lệ điểm trung bình lại tăng lên. “Tôi nghe con kể lại, sau khi sắp xếp chỗ ngồi theo nhóm chứ không ngồi theo kiểu truyền thống trước kia, do trong nhóm tự quản nên có nhiều bạn ham chơi không chú tâm vào học, có thể điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các con”, anh Quang Hà - một phụ huynh chia sẻ. Cùng tâm trạng với anh Hà, chị Bích lo lắng: “Khi ngồi theo kiểu truyền thống thì các con cùng hướng lên bảng nghe cô giảng bài, còn giờ ngồi quanh bàn theo từng nhóm, có học sinh phải nhìn xéo lên bảng nên sẻ ảnh hưởng tới sự điều tiết của mắt”. Và còn nhiều băn khoăn của phụ huynh khi con học theo mô hình VNEN như: việc giáo viên không giao bài tập về nhà sẽ hạn chế khả năng rèn luyện của học sinh, bối rối với phương pháp học cùng con ở nhà, học sinh yếu kém thụ động trong việc thảo luận nhóm… 
 
Mô hình VNEN cần sự nỗ lực nhiều của giáo viên và sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh để đạt hiệu quả cao nhất trong việc dạy và học
Mô hình VNEN cần sự nỗ lực nhiều của giáo viên và sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh để đạt hiệu quả cao nhất trong việc dạy và học
Cần sự phối hợp từ hai phía
 
“Đúng là điểm số kiểm tra cuối học kỳ I vừa rồi ở hai môn Toán và Tiếng Việt khối lớp 5 có giảm hơn so với học kỳ I năm học 2014 - 2015, nhưng tỷ lệ này không đáng lo ngại. Vì có thể thấy rằng, đã bắt đầu có sự phân loại để đánh giá thực chất học sinh. Đây cũng là cơ sở để giáo viên phát hiện ra những học sinh yếu, kém để có phương pháp rèn lại học sinh, từ đó, giúp các em khá lên với chất lượng thật. Và để làm được điều này, giáo viên cần phải nỗ lực nhiều hơn, theo sát học sinh hơn và nhất là linh động vận dụng các phương pháp để bồi dưỡng học sinh khá, giỏi cũng như kèm cặp học sinh yếu, kém. Đồng thời, phải có phương pháp chuyển tiếp từ cách dạy truyền thống sang cách dạy mới để các em làm quen dần và khỏi bỡ ngỡ”, cô Trần Thị Công Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Như Thạch nhấn mạnh. 
 
  Từ những lo lắng trên của phụ huynh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tìm ra những phương pháp để khắc phục như: học sinh sẽ được đổi chỗ thường xuyên để điều tiết mắt cũng như có cơ hội trao đổi và tham gia thảo luận với nhiều học sinh khác nhau, giúp các em thể hiện hết khả năng của mình. Từ đó, học sinh sẽ chủ động chiếm lĩnh kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn. Khi học VNEN, tài liệu sẽ là “3 trong 1”, nghĩa là bao gồm sách giáo viên, sách giáo khoa và sách hướng dẫn, giúp phụ huynh có thể tham gia học cùng con. Cô Hà Thị Kim Mộng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Di Linh) cho rằng: “Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh để hiểu rõ mức độ học của học sinh mà có phương pháp hỗ trợ. Cùng với đó, Ban Giám hiệu nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và tổ chức dự giờ để góp ý, bồi dưỡng cho giáo viên trong việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình mới”. 
 
Theo đánh giá của Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT: Trong quá trình triển khai mô hình VNEN, bên cạnh việc tự học của học sinh thì vai trò của giáo viên là rất quan trọng. Cùng với đó là vai trò tham gia của cộng đồng, đặc biệt là hội đồng tự quản khi phụ huynh có thể cùng tham gia bình bầu với giáo viên và học sinh. Tuy sẽ bỡ ngỡ bước đầu, nhưng đây sẽ là nền tảng để đánh giá chất lượng thực chất và có tác dụng về mặt lâu dài đối với học sinh. Từ đó, các em sẽ vững kiến thức khi lên cấp THCS, THPT cũng như vào đại học. Và xã hội sẽ yên tâm với chất lượng dạy - học cũng như sẵn sàng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29.
 
VIỆT HÙNG