Nỗi niềm Gia Bắc…

09:03, 31/03/2016

Xã Gia Bắc cách trung tâm huyện Di Linh 30km, nhưng cùng với xã Sơn Điền, Gia Bắc như một "ốc đảo" dù nằm ngay trên Quốc lộ 28 nối Lâm Đồng với Bình Thuận. Ở đây có khoảng 1.700 nhân khẩu, với 95% là đồng bào dân tộc Nộp đang đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, sản xuất chưa tháo gỡ triệt để.

Xã Gia Bắc cách trung tâm huyện Di Linh 30km, nhưng cùng với xã Sơn Điền, Gia Bắc như một “ốc đảo” dù nằm ngay trên Quốc lộ 28 nối Lâm Đồng với Bình Thuận. Ở đây có khoảng 1.700 nhân khẩu, với 95% là đồng bào dân tộc Nộp đang đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, sản xuất chưa tháo gỡ triệt để.
 
Chúng tôi đến Gia Bắc vào buổi trưa, trời nóng, nhưng bình lặng và vắng vẻ. Thỉnh thoảng có một chiếc xe máy chạy trên QL 28, lâu lâu cũng có xe hơi chạy qua. Gia Bắc không có chợ, chỉ có vài quán nhỏ buôn bán tạp hóa, phân bón, thu mua nông sản… Quán cà phê võng mà chúng tôi dừng chân có lẽ là điểm dịch vụ quy mô nhất, vừa bán giải khát và các món ăn chế biến đơn giản, vừa bán hàng tạp hóa. Anh Hoàng - chủ quán mở lời trước: Dân ở đây nghèo lắm...
 
Hiện tại không còn tìm được hình ảnh này ở Gia Bắc
Hiện tại không còn tìm được hình ảnh này ở Gia Bắc
Giữa mùa khô hạn 
 
Hiện Gia Bắc đang rất nắng, khô hạn. Nguồn nước tưới thiếu, dung lượng nước tại các hồ không đều, không đủ cho dân tưới. Trong đợt tưới đầu tiên vào giữa tháng Giêng, tính ra nhiều lắm chỉ khoảng 50% diện tích đất canh tác được tưới. Đợt 2 đang nằm trong khoảng thời gian hiện nay, nhưng 3 hồ nước ở các thôn Hà Giang, Đạ Hồng và Ka Sá hiện đã cạn, không còn đủ để bơm và mới có khoảng 30% diện tích được tưới... Hằng năm, cứ hết mưa là thiếu nước, vào khoảng từ tháng 10, 11 cho đến tháng 5, 6. Như năm nay, trong khi thị trấn Di Linh đã mưa 3 trận rồi mà Gia Bắc chưa mưa trận nào. Người dân đã nghiên cứu các phương pháp chống hạn cho cây cà phê, xã cũng làm văn bản đề xuất có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho người dân mua thêm ống tưới, nhưng theo bà con, tốt hơn là đào ao hồ nhỏ để tích nước…
 
Năm 2015, huyện bổ sung cho xã 60 triệu đồng mua ống nước tưới cà phê, chia về các thôn. Hộ nào thiếu ống tưới liên hệ với trưởng thôn để mượn. Ngay từ tháng 1 năm nay, xã đã làm tờ trình xin kinh phí hỗ trợ đào ao hồ nhỏ cho 5 thôn và được Phòng Nông nghiệp huyện  trả lời ưu tiên cho 10 hộ đào 10 ao, vậy là bình quân mỗi thôn đào 2 ao, trong khi đó có thôn trên 100 hộ đăng ký. Bởi ai cũng mong có thể đào được ao hồ để có nước tưới, chứ trông mong vào ông trời biết đến khi nào, phải 3 tháng nữa thì mới có mưa, nguy cơ mất trắng mùa cà phê năm nay đang hiển hiện. 
 
Không chỉ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt cũng đang là vấn đề nghiêm trọng của người dân Gia Bắc. Cả xã giờ chỉ có thôn Nao Sẻ còn nước dùng. “Nhiều nhà phải chạy xe máy vào tút trong rẫy, dùng ống tre hứng nước trong khe núi, cho vào thùng (can) chở về dùng. Nhà em ở cuối làng (thôn Đạ Hồng), hằng ngày phải chạy qua thôn Bồ Bê xin nước giếng nhà ông cậu cách một cây số”  - Pơn Rang Thương, cán bộ UBND xã Gia Bắc than thở… Đối diện nhà ông K’Lãng - Bí thư xã, ở thôn Ka Sá có một bồn tích nước, 4 tháng trước còn liên tục chảy xối xả, nhưng giờ cũng cạn khô. Chính ông Bí thư sáng nào cũng chạy xe đi xin nước nhà người em ở đầu làng, phải kêu khổ vì thiếu nước.
 
Nghịch lý ở chỗ, năm 2011, Gia Bắc được đầu tư hệ thống ống nước sinh hoạt cho 5 thôn, mỗi thôn đều được xây thêm một bồn tích nước với tổng vốn đầu tư là 4,3 tỷ đồng. Hệ thống nước này bắt đầu phục vụ người dân từ năm 2012, nhưng sau khi lắp đặt xong công trình, người dân trong xã được dùng nguồn nước này đúng một tháng, rồi nước yếu dần...  Nguyên nhân tại đường ống nước lắp đặt từ nguồn về xã Gia Bắc quá nhỏ, áp suất không đủ lớn để tải nước. Nếu không có giải pháp khắc phục, người dân Gia Bắc mang tiếng được trang bị hệ thống nước sạch đến tận thôn xóm mà vẫn phải chạy xe vào núi lấy nước hoặc đi xin nước giếng về dùng như ngày xưa - khi chưa được đầu tư hệ thống nước hợp vệ sinh. Điều bức xúc là, trong khi người dân thiếu nước tưới, nước sinh hoạt thì nước đầu nguồn vẫn rất nhiều. Dân có rẫy ở gần nguồn nước vẫn tưới thoải mái. Nhưng nước chảy về được đến làng không nhiều, chỉ người đầu làng có nước xài, càng về cuối làng càng không có nước. Mới đây, cán bộ Sở Nông nghiệp - PTNT và Phòng Nông nghiệp huyện đã xuống kiểm tra nguồn nước sinh hoạt ở Gia Bắc. Xã cũng có văn bản đề nghị hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp đường ống nước sinh hoạt cho nhân dân. 
 
Còn đó những trăn trở 
 
Theo thống kê, Gia Bắc có diện tích tự nhiên trên 14.290ha, phần lớn là đất lâm nghiệp, chỉ có 1.012ha đất nông nghiệp, nhưng trên thực tế, đất bạc màu lại thêm khô hạn, nên diện tích đất có thể sản xuất được còn trên 860ha, với một nửa là diện tích cây cà phê và một nửa là diện tích bắp. Toàn xã có 219 hộ được nhận khoán QLBVR với tổng diện tích gần 5.260ha. Trong xã có nhiều hộ chăn nuôi, nhưng chỉ ở quy mô gia đình, cùng đó là các chương trình khuyến nông, khuyến lâm cũng được triển khai trên địa bàn xã nhưng hiệu quả không cao; các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ sản xuất ủy thác qua các tổ chức xã hội có dư nợ trên 5 tỷ đồng, nhưng việc thu hồi vốn và lãi chậm. Cách đây gần 2 năm, Sở Khoa học - Công nghệ đã triển khai 5 mô hình tại xã là vườn ươm giống chồi, cải tạo - trồng mới cà phê, trồng tiêu, nuôi heo địa phương; Trung tâm Dạy nghề huyện Di Linh mở lớp dạy nghề sửa chữa máy móc nông nghiệp, cải tạo - thâm canh cây cà phê; Trung tâm Nông nghiệp tổ chức mỗi năm 4-5 lớp tập huấn hoặc hội thảo kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho nhân dân… Song đến nay, kinh tế địa phương được đánh giá là chậm phát triển và không ổn định. Thu nhập của người dân Gia Bắc chủ yếu từ cà phê và bắp. Cây bắp mỗi năm chỉ gieo trồng được 1 vụ khi mùa mưa bắt đầu với tổng diện tích khoảng 430,8ha. Còn lại, chỉ trông chờ vào cây cà phê, nhưng giờ, rất nhiều diện tích cà phê đang vàng khô, khát nước, niên vụ năm 2015 vừa rồi năng suất bắp đã giảm rõ rệt do đất bạc màu. Việc đầu tư tăng đàn gia súc, gia cầm kém phát triển, ảnh hưởng đến chăn nuôi trên địa bàn xã. Khô hạn, thiếu nước hiện nay cũng khiến tình hình giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh, càng ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển sản xuất của nhân dân. Như nhà cụ Nhiễu có 5 người con, vay ngân hàng 20 triệu đồng từ 3 năm nay, nhưng vẫn chưa trả nợ được. Còn cả thôn Ka Sá mà chị Ka Rêu - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn đang sống có 90% số hộ vay vốn NHCSXH, hiện dư nợ còn khoảng 350 triệu đồng, nhưng nguồn trả nợ rất khó khăn… Và tính đến thời điểm hiện tại xã Gia Bắc đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có 2 thôn được công nhận thôn văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo của xã là 11,8%, hiện có 58 hộ nghèo… Mới đây, xã Gia Bắc được phê duyệt xã nằm trong danh sách đặc biệt khó khăn được đầu tư từ Chương trình 135 năm 2016.   
 
Xã Gia Bắc đã liên tục kiến nghị đến Sở Nông nghiệp, Ban Dân tộc và trong các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội… về nước sinh hoạt, nước phục vụ nông nghiệp. Mong rằng, Gia Bắc được quan tâm hơn, những khó khăn đang thường trực hiện nay được hỗ trợ giải quyết sớm, cho  người dân vơi đi những khó khăn, cực nhọc… như tâm sự của người cán bộ trẻ Pơn Rang Thương: “Em lớn lên, sống ở đây. Em muốn bộ mặt địa phương em mỗi ngày một cải thiện hơn…”.
 
Ghi chép: LÊ HOA