Nhiều quy định mới có lợi cho thí sinh

09:03, 09/03/2016

Trong phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 vừa được đưa ra, Bộ Giáo dục- và Đào tạo đã có một số điều chỉnh nhằm khắc phục những bất cập từ kỳ thi và tuyển sinh năm 2015 với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.

Trong phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2016 vừa được đưa ra, Bộ Giáo dục- và Đào tạo (GD&ĐT) đã có một số điều chỉnh nhằm khắc phục những bất cập từ kỳ thi và tuyển sinh năm 2015 với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh (TS).
 
Học sinh Trường THPT Đức Trọng đặt câu hỏi tư vấn để lựa chọn trường thi tại buổi tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 do Báo Thanh niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức - Ảnh: VÕ LAN
Học sinh Trường THPT Đức Trọng đặt câu hỏi tư vấn để lựa chọn trường thi tại buổi tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 do Báo Thanh niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức - Ảnh: VÕ LAN

Không “nóng” như nhiều địa phương khác, nhưng công tác thi cử và tuyển sinh ở Lâm Đồng vẫn hết sức khẩn trương nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sắp tới. Dựa trên những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT; ngành Giáo dục và các trường ĐH, CĐ đang xây dựng những phương án phù hợp nhất, hướng đến một kỳ thi an toàn, bảo mật, nghiêm túc và tạo điều kiện tối đa cho TS dự thi cũng như xét tuyển ĐH, CĐ.
 
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh
 
“Là học sinh lớp 12, năm nay sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nên em tìm hiểu rất kỹ về việc đổi mới kỳ thi. Em thấy có nhiều điểm thuận lợi hơn cho TS. Em hy vọng rằng mình cũng như các bạn sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi và trúng tuyển vào các trường ĐH mà mình lựa chọn”, Nguyễn Hoàng Vân Anh - lớp 12 Pháp, Trường THPT chuyên Thăng Long chia sẻ.
 
“Tôi thấy rằng những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là hợp lý, mang đến nhiều thuận lợi cho TS. Tuy nhiên, cũng còn nhiều tình huống có thể xảy ra và phải chờ có kết quả mới đánh giá được tính ưu việt của kỳ thi năm nay”, thầy Phan Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin nhấn mạnh.
Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức 2 cụm thi: cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD& ĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH) và cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH. Theo đó, tại Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt sẽ là một cụm thi ĐH. Đối với Sở GD& ĐT, thực hiện Công văn số 670 của Bộ GD&ĐT về việc báo cáo phương án tổ chức các cụm thi kỳ thi THPT quốc gia 2016, Sở đã khảo sát sơ bộ nguyện vọng của học sinh lớp 12 đăng ký dự thi (ĐKDT) để xem xét có nên tổ chức cụm thi tốt nghiệp hay không? Kết quả khảo sát có gần 2.200 HS có nguyện vọng ĐKDT chỉ để xét tốt nghiệp - số lượng tương đương năm 2015 (chưa kể TS tự do). Do số học sinh có nguyện vọng ĐKDT chỉ để xét tốt nghiệp này phần lớn thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; Sở GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT xin tổ chức 1 cụm thi cho các TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tham gia dự thi không phải di chuyển xa. “Tuy chưa có phương án cụ thể trong việc bố trí các điểm thi, nhưng với tinh thần để học sinh đi lại với cự ly ngắn nhất, Sở GD&ĐT đang khảo sát số lượng học sinh các địa phương để làm sao bố trí các điểm thi hợp lý nhất. Điều này sẽ khiến ngành vất vả hơn, tốn kém hơn nhưng ngành sẽ cố gắng để dành phần thuận lợi cho TS”, Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng Đàm Thị Kinh khẳng định. 
 
Dựa trên đánh giá của dư luận xã hội về kỳ thi THPT quốc gia 2015, về cơ bản, kỳ thi năm 2016 vẫn sẽ giữ ổn định như năm 2015 như môn thi, lịch thi, cách ra đề thi... Tuy nhiên, có vài thay đổi được điều chỉnh để kỳ thi hoàn thiện hơn. Đó là cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì thì số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH sẽ tham gia nhiều hơn để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Đồng thời, việc chấm thi tại cụm thi ĐH sẽ tăng thêm số lượng giáo viên phổ thông nhằm đảm bảo quyền lợi cho TS vì giáo viên phổ thông đánh giá học sinh sát thực hơn, từ đó, sẽ hiểu rõ cách làm bài của các em và tránh được tình trạng chấm sót. 
 
Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ luôn được thí sinh và phụ huynh quan tâm
Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ luôn được thí sinh và phụ huynh quan tâm

Bên cạnh đó, những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ được đánh giá là phù hợp hơn nhằm khắc phục những nhược điểm của năm 2015 và nhất là hướng đến  tăng quyền lợi của TS. Phải kể đến sự thay đổi trong việc rút ngắn thời gian xét tuyển, điều này sẽ giúp TS và phụ huynh không mất nhiều thời gian chờ đợi kết quả. Và, việc điều chỉnh trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của TS cũng là điểm đáng lưu ý. Nếu như năm 2015, quy định ĐKXT ở mỗi trường ĐH được tới 4 ngành thì năm 2016, TS chỉ được lựa chọn tối đa 2 ngành, buộc TS phải suy nghĩ nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành học, tránh đăng ký theo kiểu “vô tội vạ” mà không quan tâm đến sở thích, sở trường và nhu cầu tuyển dụng lao động trên thị trường. Hơn nữa, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong mỗi đợt xét tuyển cũng giúp TS cân nhắc kỹ, từ đó, tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành/trường phù hợp, vừa khắc phục tình trạng TS liên tục và ồ ạt rút hồ sơ từ trường này để nộp sang trường khác như đã xảy ra năm 2015. Và điều này cũng giúp cho các trường giảm được số lượng TS ảo. Một thay đổi cũng khá quan trọng, đó là thay vì được cấp 4 giấy chứng nhận mỗi nguyện vọng như trước đây thì nay mỗi TS chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi có mã số. Từ đó, TS không phải đến tận từng trường nộp hồ sơ như năm trước mà dùng mã số này để ĐKXT vào các trường thông qua 2 kênh là chuyển phát nhanh qua đường bưu điện hoặc sử dụng hệ thống phần mềm (online). “Điều này sẽ giúp TS và phụ huynh không phải lặn lội đến tận trường nộp hồ sơ. Nhà trường cũng đỡ vất vả trong việc tổ chức đội ngũ tiếp nhận hồ sơ rườm rà như năm ngoái, chỉ cần tăng cường chuyên viên có trình độ công nghệ thông tin. Nhưng quan trọng là phần mềm phải đảm bảo không bị nghẽn mạng, và trường cũng cần phải đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng công việc này”, TS. Lê Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định, các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả thi sau khi nộp dữ liệu về Bộ. Quy định này giúp TS và người nhà tra cứu kết quả thi một cách nhanh chóng, không phải chờ đợi trong cảm giác thắc thỏm do có quá nhiều người truy cập tập trung vào một số máy chủ của Bộ GD& ĐT và xảy ra tình trạng nghẽn mạng như năm 2015.
 
Trong mùa tuyển sinh năm nay, thời gian xét tuyển trong mỗi đợt cũng ngắn hơn năm trước.
 
Hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi Trường Đại học Đà Lạt
Hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi Trường Đại học Đà Lạt

Chủ động và tăng cường phối hợp
 
Bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lâm Đồng: “Để đảm bảo phục vụ tốt việc chuyển phát hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, cũng như đảm bảo quyền lợi và phục vụ kịp thời thí sinh, phụ huynh; Bưu điện tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất để tiếp tục tổ chức triển khai dịch vụ này... Ngay khi có bưu phẩm gửi đến, lực lượng phát tại các bưu cục sẽ lập tức chuyển hồ sơ xét tuyển đến các trường ĐH, CĐ trên địa bàn để đảm bảo tối đa quyền lợi của các thí sinh. Tại tất cả các bưu cục sẽ thường xuyên cập nhật và niêm yết công khai danh sách và dữ liệu thông tin tuyển sinh, xét tuyển (các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc nhận hồ sơ xét tuyển kèm lệ phí xét tuyển, hoặc các trường có nhận hồ sơ xét tuyển nhưng không nhận kèm lệ phí xét tuyển, cũng như trường không nhận hồ sơ xét tuyển qua bưu điện). Giao dịch viên tại các bưu cục cũng đã được quán triệt về việc hướng dẫn chu đáo từng thí sinh, phụ huynh thực hiện việc gửi hồ sơ xét tuyển và lệ phí xét tuyển qua Bưu điện. Bưu điện tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể các đơn vị trực thuộc về quy trình cũng như quy định hồ sơ xét tuyển, khi có thông báo của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam”.
Tuy còn gần 4 tháng nữa mới diễn ra kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016, nhưng ngành Giáo dục cũng như các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong công tác chuẩn bị để kỳ thi và tuyển sinh diễn ra suôn sẻ, đạt kết quả. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT tổ chức đánh giá học sinh học kỳ I, để từ kết quả đó phân loại và bồi dưỡng học sinh theo từng trình độ. Theo khảo sát sơ bộ, năm 2016, tỉnh Lâm Đồng có khoảng trên 12.500 TS (chưa kể TS tự do) sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia. 
 
Đối với Trường Đại học Đà Lạt, dự kiến năm nay tuyển sinh khoảng 2.750 chỉ tiêu cho 31 ngành ĐH và 4 ngành CĐ. Hiện tại, nhà trường đang rà soát lại tình hình thi và công tác chấm thi năm ngoái để rút kinh nghiệm cho kỳ thi và tuyển sinh năm nay. “Tuy kỳ thi và tuyển sinh năm ngoái tại trường tương đối thành công, nhà trường tuyển đủ 100% kế hoạch nhưng Đại học Đà Lạt luôn xác định phải đề phòng tất cả các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo một kỳ thi an toàn, bảo mật. Nhà trường sẽ tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục cũng như các sở, ban, ngành, đoàn thể để kỳ thi đạt được kết quả như mong đợi”, TS. Phong nhấn mạnh. 
 
Có thể nói, năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1” nhưng Lâm Đồng đã tổ chức tương đối thành công. Dựa trên những kết quả, kinh nghiệm đã trải qua cộng với những nội dung điều chỉnh của Bộ GĐ&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, TS sẽ có nhiều thuận lợi để “vượt vũ môn” thành công cũng như để kỳ thi và tuyển sinh thật sự là bước đổi mới mang tính đột phá của ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
TUẤN HƯƠNG