Phù sa cho Đạ Dờng

09:04, 27/04/2016

10 năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lâm Hà như ngôi nhà thứ hai của nhiều học sinh đa phần là dân tộc thiểu số. Nơi đây, bọn trẻ được học con chữ, được uốn nắn từ những bước đi đầu tiên, được biết đạo lý làm người...

Những đứa trẻ ấy từ những cánh rừng giáp với Đắc Nông - phía Tân Thanh đổ về, từ mạn hẻo lánh Phi Tô đi sang, từ dốc Cổng trời Mê Linh đi xuống... chẳng hẹn mà lại gặp nhau bên dòng suối nhỏ Đam Pao. Lũ học trò nhỏ từ những buôn làng xa xôi đã tìm về với một ngôi nhà khác, ngôi nhà thứ hai, nơi chúng được học con chữ, được uốn nắn từ những bước đi đầu tiên, được biết đạo lý làm người. Chúng như những giọt phù sa nhỏ bé từ sâu tận mạch nước đầu nguồn, chắt lọc dâng chảy cho con nước của dòng Đạ Dờng ngọt lành...
 
10 năm không phải là một chặng đường dài, nhưng đủ xa để nói về những vất vả, khó khăn mà thầy và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Lâm Hà đã trải qua kể từ ngày những viên gạch móng nền đầu tiên dựng trường được đặt xuống.
 
Niềm vui bên con chữ
Niềm vui bên con chữ

Những ngày đầu đi học nhờ...
 
10 mùa khai giảng, mười lần tiếng trống trường vang lên là những lần nhắc nhở thầy và trò Trường PTDTNT Lâm Hà không được phép quên đi những ngày đầu mở lớp. Khóa học đầu tiên của trường, là những ngày học sinh phải mượn nhà dân để ở, 12 thầy cô giáo phải ké lớp của Trường THCS Võ Thị Sáu để dạy. 59 học sinh ra trường của những ngày đầu tiên ấy, đã có em về quê trở thành công dân gương mẫu trong lao động sản xuất, có em là sinh viên xuất sắc của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong toàn quốc. Khóa học đầu tiên với nhiều kỷ niệm, luôn là “cột mốc”, là “tài sản” tinh thần để thế hệ học trò trong ngày sinh nhật lần thứ mười của trường và thế hệ sau này xem là hành trang tiếp bước noi theo. 
 
Vài chục năm đứng lớp, bạc đầu vì bụi phấn, thầy Giang Công Xuất vẫn háo hức như khi nhận tờ quyết định thành lập trường, mà thầy được giao trọng trách là người chèo lái con thuyền “chở đạo”, “chở nghĩa” về bến cho đám học trò dân tộc thiểu số trên mảnh đất Lâm Hà.
 
Những người chèo lái trên cùng chuyến đò ngang ấy còn có cô Păng Tinh Suyl từ Phi Tô qua; các thầy Huỳnh Công, Nguyễn Đình Bắc, cô Nguyễn Thị Thanh Kim từ Võ Thị Sáu tình nguyện về. Cho đến giờ, dù đã nắm giữ những cương vị chủ chốt tại trường, nhưng họ vẫn vẹn nguyên nhiệt huyết, vẫn cần mẫn mỗi ngày đến lớp, vẫn lo lắng cho các em trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
 
Được thành lập ngày 28/4/2006, Trường DTNT Lâm Hà được coi là trung tâm văn hóa của vùng dân tộc thiểu số tại huyện Lâm Hà. Để đáp ứng nguồn nhân lực nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện trong thời kỳ đổi mới, trường ra đời với nhiệm vụ tiếp nhận các học sinh ưu tú là con em đồng bào dân tộc thiểu số để giáo dục, đào tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương.

Những ngày đầu ấy, như vừa mới đến từ ngày hôm qua trong ký ức của thầy Hiệu trưởng Giang Công Xuất: “Năm đầu tiên, chỉ mình tôi với một biên chế kế toán đi tìm học trò, mở lớp, sau đó là 4 giáo viên cơ hữu, 4 giáo viên và 5 nhân viên hợp đồng cày ải với nhau. Thương học trò phải đi ở nhờ, sinh hoạt thiếu thốn, nên tất cả đều cố gắng, dốc hết tâm sức trí tuệ và tình yêu thương cho các em học sinh. Năm đầu tiên, trong khó khăn thiếu thốn nhưng cả thầy và trò đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng thế hệ đầu tiên ấy, cho đến nay vẫn giữ được lòng say mê, nhiệt huyết cũng như giữ được vị trí tiên phong, bản lĩnh trong công tác giáo dục của địa phương”.

Bỏ ăn, trốn trường về nhà...
 
Trịnh Thị Bình - cô học sinh lớp 11 của Trường DTNT tỉnh có lẽ sẽ đỏ mặt khi nhắc đến kỷ niệm về những ngày em còn là “công dân” của Trường PTDTNT Lâm Hà. Xa ngôi nhà nhỏ trong hơi ấm bảo bọc của gia đình, Bình đã tuyệt thực, trèo cổng nằng nặc đòi về với rừng Tân Thanh. Các thầy cô đã phải thức cùng em, mớm sữa cho em uống, động viên em bằng tình thương của mẹ cha với đứa con nhỏ như mình dứt ruột sinh ra. Cô học trò giỏi, chăm ngoan của ngày hôm nay chắc hẳn sẽ không bao giờ quên những ngày đầu tiên đi tìm con chữ khi em đến “ngôi nhà” thứ hai của mình bên dòng suối nhỏ Đam Pao. 
 
K’Long Ha Phú nói với tôi: “Chẳng bao giờ em có thể quên được mái trường này, nơi thầy cô đã cho em kiến thức, đã cho em biết đạo lý tốt đẹp để sống, để học tập, phấn đấu”. Cậu bé người Cill ở tít dốc Cổng trời Mê Linh tâm sự khi em sắp phải xa ngôi trường nhỏ thân yêu của mình.
 
Cũng như Ha Phú, Nông Thị Thu Yến - cô bé lớp trưởng của lớp 9A đã vững vàng và lớn hơn rất nhiều khi em mới về trường, “xa nhà nhớ cha mẹ nhiều lắm, nhưng xa trường em cũng nhớ các thầy cô thật nhiều, chắc lại phải khóc nữa”, em chia sẻ.
 
Những giọt nước mắt ấy rồi cũng sẽ chảy tràn trên đôi mắt to tròn, trong veo của cô bé người Dao học sinh lớp 6 - Triệu Thị Hà. Ở độ tuổi em, bạn bè đồng trang lứa chẳng mấy khi phải xa gia đình, nhưng trong “ngôi nhà” có đông anh em ở Trường PTDTNT Lâm Hà, em và các bạn đã biết tự “trang trải” cho cuộc sống của mình bằng những nhường nhịn, sẻ chia.
 
Chẳng cần phải đoán định, tôi tin những cô bé như Yến, Hà và cậu bé Phú, sẽ rất vững vàng để biết lo cho mình trong những chặng đường phía trước, nơi các em đi tới.
 
Tìm về nơi “ươm ngọc” 
 
Cô học trò nhỏ Nông Thị Thu Yến nói rằng, em sẽ cố gắng học thật giỏi và sẽ trở thành một cô giáo, được dạy kiến thức và uốn nắn dạy dỗ trong từng lời ăn tiếng nói cho học trò nghèo vùng sâu như các thầy cô của em. Ước mơ của em thật gần và tôi tin những học trò nơi đây sẽ thực hiện được tất cả ước mơ của mình, bởi chúng được lớn lên bằng tất cả tình thương, tâm huyết, lòng nhiệt thành của các thầy cô dưới mái Trường DTNT Lâm Hà. 
 
Thầy Công - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Những năm vừa qua, chúng tôi vẫn cho các em thi học kỳ với đề có độ khó như của các trường bên ngoài khác. Và các em đã hoàn thành khá tốt. Không những thế, các thầy cô còn thật sự trở thành cha mẹ thứ hai, yêu thương hết lòng nhưng cũng thật sự nghiêm khắc để uốn nắn các em trong từng cử chỉ, hành động. Chỉ mong sao chúng trưởng thành, cứng cáp, tạo lập cho mình một hành trang vững chắc trong đoạn đường tiếp theo”.
 
Có thể không nói hết về những gì mình và các thầy cô khác đã dạy dỗ, truyền đạt cho các em, nhưng tôi tin những gì mà thầy Xuất, thầy Công, thầy Hữu, cô Suyl, cô Hằng, cô Quyên, cô Trang... đã mang đến cho các em, những đứa trò nhỏ người dân tộc thiểu số, điểm xuất phát thấp, nghèo khó nhưng có một khát khao tốt đẹp, chinh phục con chữ, để thay đổi đời sống cho chính mình và cả cho buôn làng của chúng.
 
Bước vào lớp 10, Ka Thủy đã là môn sinh đạt đai đen nhất đẳng do Liên đoàn Taekwondo Việt Nam công nhận. Cũng giống như em, tất cả học sinh nơi đây, bên cạnh kiến thức đều được trang bị đầy đủ cả về văn hóa lẫn thể chất. Phần lớn các em đều đạt đai đen nhất đẳng cho đến nhị đẳng, các em còn được học về văn hóa cồng chiêng, di sản của cha ông theo một cách bài bản và chuyên nghiệp. Không những thế, các em còn được hun đúc lòng yêu nước, ý chí qua những câu chuyện kể về truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, về những bài học làm người qua các chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các cuộc thi, trong các buổi sinh hoạt...
 
10 năm, “ngôi nhà” PTDTNT Lâm Hà giờ đã khang trang, ổn định hơn so với ngày đầu đi ở nhờ, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn thiếu hụt để có thể chăm lo dạy dỗ cho các em theo cách toàn diện nhất. Nơi ấy, vẫn từng ngày, từng giờ cần mẫn ươm nên những hạt mầm xanh tốt, như dòng Đạ Dờng vẫn lặng lẽ chắt chiu từng hạt phù sa đầu nguồn tưới tắm cho vùng đất tươi đẹp này.
 
Ghi chép: TUẤN LINH