Thời khắc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng

09:04, 27/04/2016

41 năm đi qua, nhưng với những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, thì ký ức về chiến dịch không thể phai nhòa. Ở Lâm Đồng, những người lính trong đoàn quân ra trận làm nên một đại thắng mùa xuân vĩ đại không còn nhiều, nhưng mỗi lần nhắc lại thời chiến tranh, họ không thể nào quên thời khắc cùng cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

41 năm đi qua, nhưng với những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, thì ký ức về chiến dịch không thể phai nhòa. Ở Lâm Đồng, những người lính trong đoàn quân ra trận làm nên một đại thắng mùa xuân vĩ đại không còn nhiều, nhưng mỗi lần nhắc lại thời chiến tranh, họ không thể nào quên thời khắc cùng cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
 
1. Người đầu tiên tôi gặp gỡ là một ông già trên 70 tuổi. Tuy nhỏ con, nhưng dáng vẻ quắc thước, rắn rỏi của một “chiến binh”. Ông là Đại tá - nguyên Chủ nhiệm chính trị Học viện Lục quân Đà Lạt - Bùi Xuân Thảnh (1942) ở khu phố 3, Phan Chu Trinh, phường 9, Đà Lạt. Ông kể: “Quê ông ở Thái Thụy, Thái Bình, nhập ngũ tháng 2/1960. Trải qua nhiều vị trí công tác, nhiều đơn vị, nhiều chiến trường và nhiều lần được phong quân hàm, đến thời điểm 3/4/1975 mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao vàng, được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bạn đánh chặn quân tiếp viện địch theo đường 19 lên thị xã Buôn Ma Thuột tại đèo Mang Yang. Sau chiến thắng Tây Nguyên, đơn vị ông phát triển thế trận xuống Quy Nhơn, Bình Định, rồi tiến đánh địch ở Phú Yên. Phú Yên giải phóng, đơn vị vừa truy kích địch, vừa bổ sung lực lượng tiến đánh Phan Rang - Tháp Chàm, rồi thừa thắng tiến đánh Bình Thuận và không cho quân địch có thời gian củng cố lực lượng, Tiểu đoàn 5 trong đội hình Trung đoàn 141 đánh thọc sâu xuống Bà Rịa, rồi theo đường sông đánh xuống Hòn Nưa, góp phần giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 28/4/1975, Trung đoàn 141 trở lại đội hình của Sư đoàn 3 Sao vàng làm công tác quân quản tại Khánh Hòa. Và như vậy, Đại tá Bùi Xuân Thảnh không có mặt tại Sài Gòn vào thời khắc nội các chính quyền Ngụy Sài Gòn của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện nhưng ông đã vẫn được hưởng niềm vui của người chiến thắng, khi góp phần làm nên một đại thắng mùa xuân lịch sử, đập tan một đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế kỷ 20, cùng một bộ máy chính quyền tay sai, chấm dứt sau 21 năm đất nước bị chia cắt, thu giang sơn về một mối.
 
41 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng với Đại tá Bùi Xuân Thảnh, ký ức chiến tranh vẫn còn đọng lại sâu sắc trong niềm vui chiến thắng. Chính điều đó đã giúp ông cùng biết bao đồng đội, đồng chí vượt lên nỗi sợ hãi của chết chóc, tang thương, vượt lên những tính toán thiệt hơn, những khúc mắc trong cuộc sống vì một lẽ sống cao cả “tất cả vì chiến thắng cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc!”. Vì lẽ đó, ông nhớ lại hai lần đưa quân vào Nam, hai lần quay ra Bắc, với biết bao gian khổ, hy sinh, nhưng ông vẫn tin vào chiến thắng của ngày mai. Và ngày đó là đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc chiến tranh, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải!
 
2. Cũng dáng người nhỏ nhắn, nhưng có vẻ thư sinh hơn, Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi (1951) - Trưởng ban kinh tế Hội CCB tỉnh Lâm Đồng để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc về cách nói chuyện của một CCB vốn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (được đặc cách tốt nghiệp), nhập ngũ tháng 1/1972. Sau những ngày huấn luyện cấp tốc, trong đội hình Đại đội 11, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 284, Sư đoàn 673, Quân đoàn 2, ông được điều vào tham gia chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa”. Từ chiến trường Quảng Trị, vẫn trong đội hình Quân đoàn 2, ông trải qua nhiều chiến trường, nhiều trận đánh khốc liệt giải phóng các vùng quê duyên hải miền Trung. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 trực tiếp tiến công giải phóng sân bay Phan Rang. Tại đây, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, do quân địch quyết tâm tử thủ, nhưng trước sức mạnh không gì cản nổi của quân ta, quân địch cũng nhanh chóng tan rã. 
 
Giải phóng xong Phan Rang, cùng với Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 tấn công địch ở Ngã ba Dầu Giây, rồi tiếp tục tiến công địch ở Hàm Tân, đánh vào giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh qua Long Thành, tiến đến đánh vào Xuân Lộc, địa điểm được chính quyền ngụy dốc toàn bộ binh lực để tử thủ bảo vệ Sài Gòn. Nhưng rồi, Xuân Lộc cũng không giữ nổi, địch phải tháo chạy, quân ta tiếp tục truy kích. Quân địch càng hoang mang, rệu rã, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương lần lượt từ chức, tướng Dương Văn Minh được đưa lên làm tổng thống. Chính vào thời điểm này, Quân đoàn 2 nhận được lệnh của Quân ủy TW “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” và trong đêm 27/4, cán bộ, chiến sĩ trong quân đoàn của ông được trang bị quân phục mới và băng tay mang màu sắc của cờ giải phóng miền Nam và một thư kêu gọi quân địch đầu hàng. Ông linh cảm, mình sắp được chứng kiến một sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước. Sài Gòn tiếp tục bị quân ta thắt chặt vòng vây. Chiều 29/4, trong đội hình chiến đấu trên cầu Sài Gòn, nhìn lên bầu trời thấy đen kịt máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu của Mỹ từ biển bay vào đất liền, rồi từ đất liền vội vã bay ra biển, không một ai hiểu chuyện gì, nhưng nhận được lệnh không được bắn, đành ngồi đố vui với nhau có bao nhiêu máy bay trên trời. Sáng 30/4/1975, trên đường tiến về Dinh Gia Long (nay là Dinh Độc Lập), từ trên xe, nhìn thấy hai bên đường hàng ngàn người dân Sài Gòn tay cầm cờ, cầm hoa đang vẫy chào đoàn quân chiến thắng, lồng ngực của ông như muốn vỡ tung vì sự sung sướng đến bất ngờ của niềm vui chiến thắng. 11h 30’ ngày 30/4, nghe tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trên đài phát thanh, ông Hồi cùng đồng đội mừng vui khôn xiết, nhảy lên ôm chầm lấy nhau, nước mắt dâng trào... 
 
 Sau 41 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, dù trải qua nhiều cương vị, nhiều môi trường công tác, với nhiều lo toan khác nhau, nhưng với Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi, khoảnh khắc tràn ngập niềm vui chiến thắng của đại thắng mùa xuân 1975 vẫn còn in đậm trong ký ức. Và từ niềm vui chiến thắng đó, ông hiểu rõ cội nguồn của chiến thắng dân tộc là “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” và rằng “một dân tộc giàu lòng nhân ái, thì không một thế lực tàn bạo nào có thể khuất phục được”. Vì lẽ đó, ông hiểu vì sao, khi kẻ bại trận là đế quốc Mỹ thực hiện chiến dịch di tản, đơn vị ông nhận được lệnh không được bắn hạ máy bay và cả vì sao không có cảnh “tắm máu giữa Sài Gòn” khi quân ta vào Dinh Độc Lập, mà thay vào đó là cả một rừng cờ, rừng hoa chiến thắng!
 
HOÀNG ĐẠI HUYNH