Khó vì lớp học đông

08:04, 12/04/2016

Đây là năm đầu tiên Đà Lạt áp dụng mô hình trường học mới trong bậc trung học cơ sở (THCS) tại 2 trường trên địa bàn với ba lớp 6. Dù chương trình mới có nhiều ưu điểm nhưng rất khó để triển khai rộng vì nhiều trường THCS tại Đà Lạt có sĩ số học sinh từng lớp khá đông.

Đây là năm đầu tiên Đà Lạt áp dụng mô hình trường học mới trong bậc trung học cơ sở (THCS) tại 2 trường trên địa bàn với ba lớp 6. Dù chương trình mới có nhiều ưu điểm nhưng rất khó để triển khai rộng vì nhiều trường THCS tại Đà Lạt có sĩ số học sinh từng lớp khá đông.
 
Những giờ học sinh động 
 
Hơn 9 giờ sáng khi chúng tôi bước vào lớp 6A2 - THCS Nguyễn Đình Chiểu - Đà Lạt, tất cả học sinh của lớp đang học giờ Vật lý. Khác hẳn với một lớp học bình thường, 36 học sinh của lớp được chia thành 6 nhóm, bố trí bàn ghế ngồi theo nhóm, mỗi nhóm có một bảng tên riêng rất dễ thương do các em trong nhóm tự đặt: nhóm Khỉ con, nhóm Tí hon, nhóm Mèo Tom, nhóm Chuột vàng, nhóm Rồng lửa, nhóm Rồng vàng. Giờ học diễn ra vui và sinh động, cô giáo Phạm Thị Phượng - giáo viên Lý, đặt câu hỏi trên bảng, các nhóm cùng chụm đầu lại thảo luận, cử đại diện trả lời câu hỏi của cô, các nhóm khác bổ sung, có quyền tán đồng hay phản bác phát biểu của nhóm khác.
 
Là 1 trong 2 trường học tại Đà Lạt trong bậc THCS đang thí điểm mô hình “Trường học mới”, THCS Nguyễn Đình Chiểu năm học này có 734 học sinh với 20 lớp, mỗi khối (từ lớp 6 đến lớp 9) có 5 lớp, trong đó có 2 lớp 6 đang học chương trình này. “Hầu hết các giờ học ở các môn khác cũng được tiến hành tương tự như vậy” - cô giáo Phạm Mỹ Trâm, giáo viên Lý của trường cho biết. 
 
Mô hình “Trường học mới” này là bước tiếp nối của chương trình VNEN đang triển khai rộng ở bậc tiểu học trong tỉnh và tại Đà Lạt hiện nay. Cũng như bậc tiểu học đang áp dụng VNEN, các lớp học trong bậc THCS cũng được chia thành nhóm theo chỗ ngồi để thảo luận, sĩ số lớp được khống chế từ 35 - 36 học sinh, cũng có nhóm trưởng, còn lớp trưởng lại có tên “Chủ tịch Hội đồng tự quản”; lớp học cũng được trang trí như bậc tiểu học với các góc thiên nhiên, góc học tập... trông bắt mắt.
 
Lớp học theo mô hình Trường học mới tại THCS Nguyễn Đình Chiểu
Lớp học theo mô hình Trường học mới tại THCS Nguyễn Đình Chiểu

Khác biệt lớn nhất của lớp học “Trường học mới” so với các lớp học bình thường trong bậc THCS theo cô Trâm là cách xây dựng chương trình. Chương trình học được phân thành khoa học tự nhiên với các môn lý, hóa, sinh; khoa học xã hội gồm sử, địa; hoạt động giáo dục gồm thể dục, âm nhạc, mỹ thuật. Riêng 2 môn văn và toán dựa trên cơ sở chương trình cũ nhưng được xây dựng lại mới hoàn toàn. “Chương trình toán mới này rất chi tiết nên dễ học hơn” - cô giáo dạy toán Đinh Thị Hồng của trường cho biết. 
 
Một khác biệt nữa là ở sách giáo khoa. Với chương trình mới, sách giáo khoa các môn là tài liệu “3 trong 1”, dùng cho cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh có thể hướng dẫn cho con em mình khi ở nhà. Cùng đó, trong kiểm tra, không chấm điểm học sinh theo thang điểm bình thường mà chỉ đánh giá đạt hay không đạt.
 
Khó triển khai rộng vì thiếu cơ sở vật chất 
 
Rất nhiều ưu điểm có thể chỉ ra từ chương trình này. Theo cô giáo Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, sau gần 1 năm trường áp dụng chương trình mới tại đây, học sinh của 2 lớp học thí điểm này đã có sự thay đổi rất rõ, năng động hơn rất nhiều so với học sinh các lớp bình thường. Đa số các em theo chương trình mới đã biết cách tự học, tự làm việc, biết phối hợp nhóm... Cũng do làm việc nhóm thường xuyên, được khuyến khích phát biểu ý kiến cá nhân trong lớp nên việc trao đổi giữa học sinh với giáo viên khá dễ dàng và suôn sẻ. Giáo viên được khuyến khích tôn trọng ý kiến riêng của các em, sẵn sàng hỗ trợ để các em hoàn thành chương trình nên không khí học tập cũng nhẹ nhàng, thân thiện hẳn lên.
 
Do là năm đầu tiên thí điểm nên theo cô Anh, THCS Nguyễn Đình Chiểu cũng gặp những khó khăn nhất định. Trước nhất hầu hết học sinh của 2 lớp này đều đến từ các trường tiểu học chưa áp dụng mô hình VNEN nên việc tổ chức lớp học theo cách mới phải mất một thời gian khá lâu mới ổn định được. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho chương trình mới cũng chưa được đáp ứng kịp, trường phải sử dụng đồ dùng dạy học của các lớp bình thường. Cùng đó là những phản ứng của phụ huynh. Trong đầu năm học, khi biết con em mình vào học chương trình thí điểm mới, rất nhiều phụ huynh do chưa hiểu rõ nên không đồng ý, chưa tích cực hợp tác với trường; phải mất một thời gian khá lâu nhà trường làm công tác vận động mọi việc mới đâu vào đó. 
 
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Trưởng phòng Giáo dục Đà Lạt, hầu hết các trường tiểu học tại Đà Lạt đến nay đã từng bước áp dụng chương trình VNEN, nên việc triển khai chương trình thí điểm này trong bậc THCS cũng khá thuận lợi. Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng cũng thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn phương pháp cho giáo viên trong tỉnh dạy chương trình này; sách giáo khoa theo chương trình mới cũng từng bước được cung cấp cho các trường. 
 
Tuy nhiên, cái khó nhất của Đà Lạt khi triển khai rộng mô hình trường học mới này, theo ông Phong chính là chuyện cơ sở vật chất. Hầu hết các trường trên địa bàn Đà Lạt hiện nay để mở rộng qui mô số lớp học đều hết sức khó khăn, các lớp học bậc THCS ở hầu hết các trường đều có sỹ số học sinh khá đông, từ 40 - 45 học sinh trong khi chương trình yêu cầu mỗi lớp chỉ khoảng 35 học sinh. Chính vì vậy, dù yêu cầu các trường có bậc THCS trên địa bàn đăng ký áp dụng mô hình này, nhưng khả năng trong năm học 2016 - 2017, theo ông Phong, bên cạnh trường THCS Nguyễn Đình Chiểu và Hermann Gmeiner đang áp dụng trong năm học này, sẽ chỉ có thêm một trường nữa là THCS - THPT Đống Đa áp dụng mô hình này với 2 lớp 6 mà thôi.
 
VIẾT TRỌNG