Bản hùng ca trên đất Đạ Huoai (kỳ cuối)

09:05, 27/05/2016

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, việc định hướng mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của huyện Đạ Huoai tập trung vào việc tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu các ngành kinh tế. 

Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi thế
 
[links(right)] Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, việc định hướng mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của huyện Đạ Huoai tập trung vào việc tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu các ngành kinh tế. 
 
Về tái cơ cấu đầu tư, huyện huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 3.179 tỷ đồng (đạt 117,7% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra). Huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp theo hướng: Đầu tư phát triển cây trồng chủ lực, hình thành các vùng chuyên canh. Hiện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với các nhóm cây trồng chủ lực: Điều gần 4.000ha (trên đất nông nghiệp), cao su tiểu điền 2.000ha, cây ăn quả 3.200ha (riêng sầu riêng 1.800ha). Đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Năm 2015, giá trị sản xuất trên ha đất canh tác đạt 35,5 triệu đồng; xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm và đang được tổng kết nhân rộng; thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” được triển khai xây dựng. Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững triển khai đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,3%. Chương trình phát triển thủy lợi được quan tâm đầu tư với 4 công trình, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 23% diện tích đất có khả năng tưới trên địa bàn. Chương trình phát triển CN-TTCN triển khai bằng nhiều giải pháp tích cực, mức tăng trưởng hàng năm đạt 15,5%. Chương trình phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị được đầu tư mạnh, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ, thị trấn Mađaguôi được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Hoàn thành 9 công trình trọng điểm, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH.
 
Trung tâm hành chính huyện Đạ Huoai Ảnh: KHÁNH PHÚC
Trung tâm hành chính huyện Đạ Huoai Ảnh: KHÁNH PHÚC
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu tổ chức lại sản xuất và tổ chức lại đời sống của người dân đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đến năm 2015, có 2 xã Đạ Oai và Hà Lâm được công nhận đạt xã NTM; xã Mađaguôi đạt 17/18 tiêu chí; xã Đạ Tồn đạt 14/18 tiêu chí; xã Đạ M’ri đạt 14/18 tiêu chí; xã Đoàn Kết đạt 12/19 tiêu chí; xã Đạ Ploa và Phước Lộc đạt 11/19 tiêu chí. Đặc biệt, Đạ Huoai tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nguồn vốn đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Tổ chức vận động nhân dân cải tạo, chuyển đổi diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, cao su... Diện tích cải tạo và trồng mới đạt hơn 1.160ha cây các loại. Chỉ đạo thực hiện luân canh, xen canh và ứng dụng KHKT vào sản xuất. Khai thác sử dụng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập trên một đơn vị diện tích. Công tác quản lý bảo vệ rừng trong vùng đồng bào DTTS đã được chú trọng, có gần 600 hộ được giao khoán quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích 10.525ha, bình quân mỗi hộ quản lý 17,5ha, thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/năm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ; các dự án phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng đồng bào DTTS được ưu tiên đầu tư. Các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào, bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới. Huyện đã bố trí trên 290ha cho 160 hộ nghèo đồng bào DTTS thiếu đất để sản xuất. Chương trình giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được ưu tiên thực hiện, kết quả giảm nghèo tại vùng đã có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 54,6% cuối năm 2010 xuống còn dưới 5% vào năm 2015. 
 
Tiếp tục đưa nền kinh tế Đạ Huoai phát triển nhanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2016 - 2020) đã đề ra mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản có nền kinh tế phát triển bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Theo đó, Đạ Huoai xác định hai khâu đột phá: Trước hết, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân. Tiếp theo là thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư, khai thác tối đa mọi nguồn lực, thúc đẩy huyện Đạ Huoai phát triển toàn diện.
 
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ: Việc định hướng mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được dựa trên lợi thế cạnh tranh của huyện. Đó là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng NN- CN-DV. Tạo gắn kết giữa các ngành để khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương. Bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững. Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng ngành, từng lĩnh vực để phát triển theo hướng: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung đầu tư phát triển các cây trồng chủ lực, hình thành các vùng chuyên canh. Đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác; phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây sầu riêng đạt 1.898ha, cây cao su 2.073ha, cây điều 8.574ha; giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt 70 - 75 triệu đồng/ha đất canh tác. Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành sản xuất nông nghiệp. Tạo các sản phẩm mới trong hoạt động du lịch, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển. Trong đó trọng tâm là: Tạo điều kiện thuận lợi cho 3 dự án du lịch của huyện phát triển: Khu du lịch rừng Mađaguôi, Khu du lịch tâm linh B’Nom Lumu, Khu du lịch và huấn luyện ngựa đua Hồng Lam. Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa để phục vụ du lịch. Tạo điều kiện để các ngành sản xuất TTCN phát triển ổn định. Ưu tiên thu hút một số ngành sản xuất mới mà địa phương có lợi thế so sánh như: Vật liệu xây dựng không nung, sơ chế mủ cao su, viên nén năng lượng...
 
Hiện nay, Đảng bộ Đạ Huoai đang phấn đấu đến cuối năm 2018 huyện đạt danh hiệu “Huyện nông thôn mới” và đến năm 2020 có 8/8 xã hoàn thành xây dựng NTM. 
 
Để có một Đạ Huoai vững bước đi lên trong công cuộc đổi mới vừa qua và hội nhập, phát triển giai đoạn sắp tới, ngày nay, không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo, đứng mũi chịu sào của các đồng chí nguyên là Bí thư Huyện ủy: Lê Ngọc Cam, Đàm Xuân Đêu, Nguyễn Tiến Thanh, Trần Đức Quận, Trần Duy Hùng, Nguyễn Quý Mỵ và các đồng chí nguyên là Chủ tịch UBND huyện: Hồ Hữu Nhị, Phan Thanh Lai, Nguyễn Xuân Lợi, Nguyễn Quý Mỵ, Lưu Tiến Chinh.
 
Tiếp nối các thế hệ lãnh đạo đi trước, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ cũng đang có nhiều trăn trở cho vùng đất này: Trên cơ sở thành tựu đạt được qua 30 năm cùng đất nước đổi mới, để Đạ Huoai tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, vấn đề đặt ra tất yếu là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Việc đổi mới phải được gắn chặt với hiệu quả tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Trước hết là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; tổ chức, điều hành của chính quyền; công tác vận động quần chúng của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành Quy chế làm việc một cách khoa học, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, sát với tình hình thực tế của địa phương và nhiệm vụ chính trị của từng đồng chí cấp ủy viên. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy chế, trong đó chú trọng đến mối quan hệ, chế độ làm việc của cấp ủy, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy, mối quan hệ giữa các Thường trực, giữa Thường trực cấp ủy với MTTQ, các đoàn thể. Tập trung trí tuệ tập thể đổi mới việc ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Cấp ủy theo hướng chuyên đề ứng với những mặt, lĩnh vực có thế mạnh, có lợi thế so sánh của huyện. Coi trọng công tác kiểm tra của các cấp ủy Đảng, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, đảm bảo cho các Nghị quyết của Đảng được triển khai kịp thời và có hiệu quả. 
 
Kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển huyện Đạ Huoai là một mốc son ghi lại chặng đường phấn đấu rất đỗi tự hào; đồng thời cũng là dịp khẳng định quyết tâm chính trị cao; phát huy những thành tựu đã đạt được; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; tiếp tục đưa huyện Đạ Huoai phát triển nhanh và bền vững. Bước sang giai đoạn mới, nội lực Đạ Huoai sẽ nhân lên gấp bội để vùng đất cửa ngõ Lâm Đồng viết tiếp bản hùng ca mới!
 
Bút ký: Đan Thanh