Công tác quản lý ATTP đang ở mức báo động

08:05, 25/05/2016

Kết quả kiểm tra liên ngành của 2 đoàn cấp tỉnh trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm cho thấy công tác quản lý an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, mối nguy mất an toàn thực phẩm là rất cao. 

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh đánh giá: Qua kết quả kiểm tra liên ngành của 2 đoàn cấp tỉnh cho thấy công tác quản lý ATTP tại tỉnh đang ở mức báo động, mối nguy mất ATTP là rất cao.
 
Lấy mẫu thực phẩm test nhanh tại chỗ
Lấy mẫu thực phẩm test nhanh tại chỗ

Mới đây, 2 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh (1 đoàn do ngành Y tế chủ trì, 1 đoàn do ngành Nông nghiệp chủ trì) đã họp đánh giá kết quả công tác kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tháng hành động vì ATTP từ tháng 4 -5/2016.  Qua đó, ghi nhận 12/12 huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động và chỉ đạo cho tuyến xã triển khai với các nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thực hành về ATTP và thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở thực phẩm theo phân cấp. Có 147/147 xã có kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2016 với 2 nội dung: tuyên truyền, giáo dục truyền thông về kiến thức, thực hành và văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP.
 
NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH ĐẢM BẢO ATTP
 
Theo báo cáo tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm ATTP ghi nhận: Lâm Đồng áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên cây rau chiếm 98%, xây dựng chuỗi chợ thực phẩm tươi sống theo tiêu chuẩn Lifsap có 31 chợ, xây dựng chuỗi cửa hàng cung ứng rau sạch với 25 cửa hàng, hỗ trợ cho 5 mô hình chuỗi sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP tỉnh Lâm Đồng còn nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ: số cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm tiêu chuẩn ATTP còn cao (chiếm 22,2% số cơ sở được thanh, kiểm tra); số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C chiếm 17% cơ sở được kiểm tra.
 
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2016 để phòng ngừa nguy cơ mất ATTP: Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, tăng cường thanh, kiểm tra ATTP; đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, kháng sinh, hóa chất bảo quản; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát, quản lý thực phẩm theo chuỗi.
DH
Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh phối hợp với UBND TP. Đà Lạt tổ chức Lễ phát động triển khai Tháng hành động năm 2016 với gần 1.100 người tham dự. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, in sao, cấp phát băng rôn và đĩa CD các nội dung tuyên truyền, sản xuất, in ấn và phân phối tài liệu hướng dẫn quản lý ATTP cho tuyến huyện, thành phố, tổ chức truyền thông cơ động tuyên truyền Tháng hành động, tăng cường phản ánh hoạt động của các cấp, các ngành địa phương trong công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Công tác truyền thông trực tiếp: tập huấn, nói chuyện chuyên đề tìm hiểu về kiến thức, thực hành và văn bản quy phạm pháp luật do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức; treo băng rôn tuyên truyền Tháng hành động tại khu vực chợ, khu tập trung đông dân cư; tuyên truyền về ATTP trên hệ thống loa phát thanh tại địa phương.
 
Tuyến tỉnh đã thành lập 2 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác quản lý ATTP các chợ huyện, lò giết mổ, gồm 11 cơ sở. Trong đó có 5 cơ sở sản xuất; 3 cơ sở sơ chế, chế biến (giết mổ gia súc, gia cầm); 3 cơ sở kinh doanh (chợ, quầy kinh doanh). Kết quả kiểm tra chỉ có 3 cơ sở đạt loại B, 8 cơ sở xếp loại C. Lấy 9 mẫu xét nghiệm (3 mẫu thức ăn chăn nuôi; 1 mẫu thịt heo xét nghiệm chất tạo nạc; 2 mẫu măng, 2 mẫu thịt gà, dưa cải xét nghiệm phẩm màu, chất vàng ô; 1 mẫu giò chả xét nghiệm chất bảo quản). Số mẫu hủy: 1 mẫu do không có nhãn mác, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả xử lý: các đoàn không lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với lý do các cơ sở thực phẩm trên chưa được cơ quan quản lý nhà nước quản lý (tập huấn, xác nhận kiến thức, thẩm định cấp giấy đủ điều kiện về ATTP, thanh tra, kiểm tra). Hầu hết, các cơ sở thuộc ngành Nông nghiệp tại các huyện, xã chưa được quản lý; các chợ chưa được quản lý về ATTP. Tuyến huyện triển khai công tác thanh tra, kiểm tra còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh. 
 
Tính đến thời điểm này, 2 đoàn liên ngành của tỉnh đã thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP ở 47 cơ sở. Kết quả chỉ có 17 cơ sở đạt, còn 30 cơ sở vi phạm ATTP (chiếm 63,83%), phạt tiền 6 cơ sở với tổng số tiền 5 triệu 750 ngàn đồng, tiêu hủy 1 sản phẩm của một cơ sở. Đoàn liên ngành số 2 đã tiến hành lấy 7 mẫu để phân tích, phát hiện các chất cấm và đang chờ kết quả.
 
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh đánh giá: Qua kết quả kiểm tra liên ngành của 2 đoàn cho thấy công tác quản lý ATTP tại tỉnh đang ở mức báo động, mối nguy mất ATTP là rất cao. Bởi hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh chưa được quản lý: chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, điều kiện về con người, đặc biệt là công tác kiểm dịch thú y chưa được kiểm soát thường xuyên. Hầu hết các chợ và điểm chợ trên địa bàn toàn tỉnh chưa được quản lý về ATTP như: chưa có chợ và điểm chợ nào xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP; chưa có Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP và chưa có huyện nào có quyết định giao cho đơn vị quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý ATTP. Hầu hết các quầy kinh doanh thịt, cá; rau, củ, quả cũng như các sản phẩm thực phẩm chưa được quản lý như: không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được đóng dấu kiểm dịch, không có sổ ghi chép theo dõi xuất, nhập của người kinh doanh.
 
Theo BS Độ, nguyên nhân công tác quản lý về ATTP chưa tốt, là do: Trách nhiệm và ý thức được trách nhiệm của các cấp chính quyền huyện, xã trong công tác quản lý ATTP còn bị bỏ ngỏ; lãnh đạo chính quyền các cấp huyện, xã chưa triển khai Luật An toàn thực phẩm, Nghị định và các Thông tư văn bản dưới luật; chưa phân công trách nhiệm cụ thể về quản lý ATTP; sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý ATTP chưa quyết liệt. Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công thương chưa kiện toàn được mạng lưới cán bộ thực hiện công tác đảm bảo ATTP tại huyện, xã nên chưa có cán bộ chịu trách nhiệm ATTP của ngành. Đặc biệt, chưa phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý nhà nước về ATTP các cơ sở thuộc ngành quản lý. Chính vì vậy, nhiều cơ sở còn bị bỏ ngỏ, không được quản lý. Phần lớn cán bộ thực hiện công tác đảm bảo ATTP thuộc ngành Nông nghiệp & PTNT, ngành Công thương còn thiếu về số lượng và yếu chuyên môn, chưa đảm bảo nhiệm vụ được giao. Sự phối hợp giữa ngành Y tế, Nông nghiệp & PTNT, Công thương, Công an và các tổ chức chính trị - xã hội về quản lý ATTP chưa tốt; việc cung cấp thông tin về thực phẩm mất an toàn chưa thường xuyên.
 
AN NHIÊN