Bạo lực gia đình - tội ác cần ngăn chặn

08:06, 28/06/2016

Bạo lực gia đình đang dần biến nhiều gia đình thành "tổ lạnh", thành nơi nguy hiểm, trong đó nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là con trẻ. 

LTS: Gia đình là tổ ấm để mỗi thành viên cùng yêu thương và được yêu thương. Bởi vậy, vun đắp gia đình là trách nhiệm, là mong muốn, là nhu cầu của không chỉ mỗi gia đình mà còn của cả xã hội, là nền tảng phát triển xã hội. Trong rất nhiều khía cạnh để xây dựng hạnh phúc, có yếu tố không để xảy ra bạo lực gia đình…
 
Ai đó đã nói: Cuộc đời con người có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn duy nhất để về - đó là gia đình. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách, là tổ ấm của mỗi người. Bạo lực gia đình đang dần biến nhiều gia đình thành “tổ lạnh”, thành nơi nguy hiểm, trong đó nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là con trẻ. 
 
Hạnh phúc gia đình. Ảnh: Phan Nhân
Hạnh phúc gia đình. Ảnh: Phan Nhân

Bạo lực gia đình - tảng băng chìm
 
Chị N. đưa ánh mắt ra xa né cái nhìn của tôi để giấu đi hai giọt nước mắt chỉ chực trào ra, như cố nuốt ngược cay đắng vào trong. Không kìm nén được nữa, chị gục xuống bàn nức nở, đôi vai run lên bần bật... 8 năm lấy chồng, câu chuyện của chị như một bi kịch dài khi hai đứa con lần lượt ra đời. Công việc vườn tược bận tối mắt, chồng thì rượu chè, cờ bạc, ít khi lo công chuyện làm ăn và lo phụ vợ chăm sóc các con... Thời gian đầu chị nhẹ nhàng khuyên can, chồng chỉ ậm ờ cho qua mà không có dấu hiệu gì thay đổi. Đời sống khó khăn, sức chịu đựng có hạn, chị tiếp tục lên tiếng, đáp lại là những tiếng quát tháo ầm ĩ, cơm không lành canh không ngọt. Mỗi lúc anh say khật khưỡng trở về nhà, lời qua tiếng lại, kết thúc cuộc cãi vã chị nhận được là những trận đòn. Nhiều lần chồng còn đánh cả các con dù chúng không có tội tình gì. Đánh mình thì được, nhìn thấy chồng đánh con vô lý chị không chịu được... Chị ngẩng lên vội lau nước mắt: “Nhưng bây giờ bỏ nhau thì tội 2 đứa con, chúng còn nhỏ dại chưa hiểu chuyện”... 
 
Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối và để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với con trẻ. Quan niệm “đèn nhà ai rạng nhà ấy” vẫn trói buộc khiến người phụ nữ ngại “vạch áo cho người xem lưng” vì sợ bị chê cười. Vì thế, bạo lực gia đình vẫn như một cơn sóng ngầm, mà chỉ người “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Đến khi ngoài sức chịu đựng mới giải thoát cho mình. Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh, mỗi năm toàn tỉnh giải quyết đến hơn 2.000 vụ án ly hôn, số vụ ly hôn không ngừng tăng dần lên theo thời gian, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, năm sau luôn cao hơn năm trước từ 200 - 400 vụ. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh giải quyết 2.069 vụ ly hôn, cho ly hôn 310 vụ; năm 2014, giải quyết 2.272 vụ ly hôn, cho ly hôn 352 vụ; thì năm 2015 giải quyết 2.650 vụ ly hôn, cho ly hôn 405 vụ. Mới 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã giải quyết 1.101 vụ án ly hôn, giải quyết cho ly hôn 156 cặp vợ chồng. Trong rất nhiều nguyên nhân khiến người trong cuộc nộp đơn lên toà nhờ giải quyết như: mâu thuẫn gia đình, ngoại tình, ngược đãi, đánh đập, bệnh tật không có con, nghiện ma túy - rượu chè - cờ bạc, ngăn cách về địa lý... thì nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình (có yếu tố bạo hành) chiếm đến trên 60%, thường xuyên bị ngược đãi đánh đập chiếm 10%. 
 
Người lớn đường ai nấy đi, nhưng kéo theo sau là những đứa trẻ chưa thành niên bị “liên lụy”, ở với cha thì vắng mẹ, ở với mẹ thì vắng cha khi những “tổ lạnh” tan vỡ. Nếu năm 2013, tổng số những đứa trẻ chưa thành niên con của các cặp vợ chồng trong các vụ án ly hôn là 1.454 đứa trẻ, năm 2014 có 1.135 đứa trẻ liên luỵ, thì năm 2015 là 1.366 đứa trẻ chưa thành niên chịu nỗi đau từ gia đình đổ vỡ. Trong số đó có đến hàng trăm trẻ em từng thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành gia đình sẽ để lại dư chấn tâm lý lâu dài, có thể bị ám ảnh, bị trầm cảm, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. 
 
Số liệu thống kê cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi mâu thuẫn đã tới mức “tức nước vỡ bờ”, không chịu đựng nổi thì một số nạn nhân mới tìm đến toà án. Còn phần “chìm” đang âm ỉ thì không ai có thể đo đếm, khi rất nhiều phụ nữ đang nín nhịn “chín bỏ làm mười” như chị N. 
 
Ngăn chặn bạo lực gia đình
 
Không ít người vẫn giữ quan điểm rằng: phụ nữ sinh ra là phải biết chịu đựng, nhường nhịn, hy sinh vô điều kiện cho chồng con, bị “khoác lên vai” đủ mọi trách nhiệm; trong khi không ít đàn ông luôn tự cho mình cái quyền được chiếm vị trí “thượng tôn”, muốn làm gì là tuỳ ý. Câu chuyện bạo lực gia đình luôn bắt đầu từ sự phân công lao động trong gia đình, phân chia trách nhiệm và ý thức xây dựng tổ ấm không công bằng. Mới đầu chỉ là không hợp ý ăn ý ở, lâu dần nảy sinh mẫu thuẫn, tiếng bấc tiếng chì, cãi vã, rồi chửi bới, lăng mạ, cuối cùng là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” xâm phạm thể chất, tinh thần. Nếu không sớm được ngăn chặn thì bạo lực gia đình có thể dẫn đến tội ác, mà những năm gần đây các vụ án cha - con, vợ - chồng, anh - em giết hại nhau đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. 
 
Ngăn chặn bạo lực gia đình phải bắt đầu từ thay đổi quan niệm. Cùng với sự phát triển chung, người phụ nữ đã bước ra xã hội gánh vác nhiều công việc của cộng đồng, thì sự phân công lại lao động, sẻ chia trách nhiệm trong gia đình là tất yếu; đàn ông sẽ không thể tiếp tục giữ khư khư vị trí “thượng tôn” của mình (không làm việc nhà, không vào bếp, không chăm sóc con cái, tự cho mình quyền tuỳ tiện hưởng thụ các thú vui, sống buông thả với các tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè, mại dâm...). 
 
Mâu thuẫn cũng sẽ không nảy sinh trong một gia đình mà mọi thành viên biết sẻ chia, tôn trọng và ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình. Bạo lực sẽ không bao giờ xảy ra trong một gia đình mà ở đó cha mẹ cùng đồng sức đồng lòng chăm sóc nuôi dạy con cái, vợ chồng yêu thương, chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng tổ ấm tiến bộ, hạnh phúc. Những năm qua, Ngành Văn hóa Lâm Đồng đã đặc biệt quan tâm chú trọng về công tác gia đình, đẩy mạnh phong trào Xây dựng Gia đình Văn hóa, xây dựng Ngôi nhà An toàn, tuyên truyền sâu rộng các Bộ Luật: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, đặc biệt là Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007... Tăng cường các đợt tuyên truyền về Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc; trong đó, đề cao hạnh phúc trong gia đình là nền tảng của xã hội hạnh phúc. Không ngừng tuyên truyền thay đổi nhận thức cho mọi người hiểu rằng: Bạo lực gia đình không còn là chuyện riêng mà là chuyện của cộng đồng, của xã hội, của pháp luật, nạn nhân cần được bảo vệ, được khuyến khích tố giác người gây bạo hành, kẻ bạo hành cần bị nghiêm trị theo pháp luật. Tố giác kẻ bạo hành là biện pháp hữu hiệu răn đe có hiệu quả, nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, Ngành Văn hoá đã xây dựng mạng lưới bảo vệ nạn nhân bị bạo hành gia đình đến tận thôn, buôn, phường, xã, đồng thời công khai số điện thoại nóng của những cá nhân có trách nhiệm để kịp thời ứng cứu bảo vệ nạn nhân bị bạo hành. 
 
Cùng với ngành chức năng, nạn nhân bị bạo hành cũng cần thay đổi suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”, đã đến lúc phải mạnh dạn tố giác để cộng đồng lên án mạnh mẽ, pháp luật vào cuộc, thì bạo lực gia đình mới được ngăn chặn một cách hữu hiệu. 
 
Cuộc đời mỗi người có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để về - đó là gia đình. Xây dựng gia đình là tổ ấm để ở đó luôn chứa đựng những tình cảm ấm áp, thiêng liêng, trở thành điểm tựa vững chắc, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của con trẻ là trách nhiệm của mỗi người và của toàn xã hội.
 
QUỲNH UYỂN