Bỗng dưng bị... chuyển giới!

09:06, 28/06/2016

"Cứ như cái cách họ ghi tên trong thẻ bảo hiểm y tế thì tôi đã bị... chuyển giới!", bà Ka Trắc (thôn 5B, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) nửa đùa nửa thật. 

“Cứ như cái cách họ ghi tên trong thẻ bảo hiểm y tế thì tôi đã bị... chuyển giới!”, bà Ka Trắc (thôn 5B, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) nửa đùa nửa thật. 
 
Theo như bà Ka Trắc trình bày, tên ghi trong giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu) của bà là Ka Trắc. Thế nhưng, chẳng hiểu nguyên cớ gì, cán bộ làm thẻ bảo hiểm y tế đã tự ý thêm dấu “phẩy” ở đằng sau chữ “a” và hậu quả của việc tắc trách này là bà bị nhân viên Trạm Y tế xã Đinh Trang Hòa từ chối cấp thuốc theo diện bảo hiểm y tế, với lý do: “Ka Trắc và Ka’ Trắc là... hai người khác nhau!”. 
 
Tôi dẫn lại câu chuyện bỗng dưng bị... chuyển giới của bà Ka Trắc cốt để nói về một lỗi mang tính chất quy phạm, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, xưa nay cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc hiếm khi bận tâm, trừ phi “vướng” các thủ tục hành chính thì mới giật mình. 
 
Trước hết, xin nói về “K’” và “Ka”. Mặc dù trong các văn bản pháp lý, có không ít trường hợp khi khai báo người K’Ho và người Mạ vẫn ghi “họ” là K’ (nếu là con trai) hoặc Ka (nếu là con gái). Thế rồi, mọi người cứ mặc nhiên coi đấy là “họ” của hai sắc dân này. Thực ra, xét theo cách hiểu thông thường về “họ”, nghĩa là “tập hợp những người có cùng một tổ tiên, một dòng máu”, thì “K’” hoặc “Ka” không phải “họ” như nghĩa gốc của từ. Trên thực tế, người Mạ và người K’Ho sử dụng “K’” hoặc “Ka” để phân biệt giới tính, chứ không phải “họ” như mọi người lầm tưởng. Theo đó, con trai là K’ (đọc là Kơ) và con gái là Ka (đọc là Ka). Con trai sẽ mang những cái tên như K’Broi, K’Bri, K’Brốs..., con gái thì Ka Nhoi, Ka Nhuys, Ka Thi... Còn “họ” theo nghĩa là những người cùng huyết thống thì mỗi nơi một khác, mỗi người lại một cách đặt và chưa có sự thống nhất về quy chuẩn. Riêng trường hợp của “K’” hoặc “Ka” được coi là một thành tố mang tính chất bắt buộc để nhận diện danh (tên) và tính (giới), thì người K’Ho và người Mạ (thuộc ngữ hệ Môn Khmer) lại có quy định rất rõ ràng: “K’” (con trai), “Ka” (con gái). “Do không nắm rõ quy định này, một số cán bộ làm hộ tịch hộ khẩu (chủ yếu là người Kinh) đã có sự nhầm lẫn căn bản giữa K’ và Ka. Hậu quả của sự nhầm lẫn này là cho đến nay, cả người K’Ho và người Mạ đều có những cái tên... sai giới tính. Ví dụ như bà Rơ Ông K’Dơng, bà Kơ Să K’Hiền, ông Ka Mhiết; thậm chí, có cả những cái tên mang giới tính thứ ba như Ka’ Trí”, ông K’Ninh (thôn Bộ Bê, xã Gia Bắc, huyện Di Linh) cho biết. 
 
Khi tìm hiểu về vấn đề này, tôi nhận thấy ở một số địa phương đông người dân tộc thiểu số sinh sống như Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông..., có những làng cả đàn ông và đàn bà mọi giấy tờ đều ghi là K’, chứ không hề có Ka để phân biệt giữa nam và nữ. Già làng Duôm Dai K’Bát (cư trú tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) xác nhận: “Ở đây, cả làng hầu hết đều ghi là K’!”. “Cách ghi như vậy có ổn không, thưa già làng?”, tôi hỏi. Già làng Duôm Dai K’Bát: “Cái đó cũng... đúng!”. “Vậy, Ka ghi trong tờ giấy khen kia sai hay đúng?”, tôi chỉ tờ giấy khen treo trên tường của vợ già làng và hỏi. “Cái này cũng không sai!”, già làng trả lời. 
     
Theo ông K’Ninh, chính sự luẩn quẩn, không phân biệt được trường hợp nào thì dùng K’ và trường hợp nào thì dùng Ka của người dân (do nhận thức hạn chế), cộng thêm sự thiếu hiểu biết, lại chủ quan và có phần... vô trách nhiệm ở cán bộ làm hộ tịch hộ khẩu, nên đã “đẻ” ra những cái tên nghe rất chối tai, gây phiền hà lâu dài cho chính người dân. “Cái lỗi chính vẫn là ở người cán bộ làm công tác hộ tịch hộ khẩu. Còn người dân, phần vì nhận thức hạn chế, phần vì ngại va chạm, nếu phát hiện ra vấn đề cũng đành lặng im chấp nhận. Điều này giải thích vì sao trong chứng minh nhân dân hay trong sổ hộ khẩu của người K’Ho hoặc người Mạ vẫn tồn tại những cái tên lẫn lộn giữa đàn ông và đàn bà”, ông K’Ninh nói. 
 
Cũng theo ông K’Ninh, về vấn đề này, một số cán bộ làm công tác hộ tịch hộ khẩu đã nhận ra sai lầm trước kia, nhưng cho đến giờ vẫn chưa chịu sửa. Do đó, phiền toái từ sai sót trên chắc chắn khó tránh khỏi, khi mà trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều văn bản mang tính pháp lý cần phải khai báo. Nội dung cần khai báo đầu tiên trong các bản khai lý lịch, đơn từ lại bắt đầu bằng việc “xưng danh” họ tên và giới tính. Chưa kể, việc ghi sai giới tính còn gây nên những hệ lụy lâu dài khác. “Giả dụ anh là Trương Văn Thái (con trai), nhưng bị ghi thành Trương Thị Thái (con gái), anh nghĩ sao? Rơi vào trường hợp đó, anh sẽ hiểu cảm giác của người Mạ và người K’Ho khi bị nhầm lẫn giữa K’ và Ka là như thế nào!”, ông K’Ninh nhấn mạnh.
 
TRỊNH CHU