Đà Lạt với hành trình 15 năm "gầy dựng" công tác gia đình

08:06, 28/06/2016

15 năm triển khai công tác gia đình, TP Đà Lạt đã đạt được một số kết quả nhất định, các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều. 

15 năm triển khai công tác gia đình, TP Đà Lạt đã đạt được một số kết quả nhất định, các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều. Để có được kết quả này, trước tiên, mỗi thành viên trong gia đình phải thật sự có ý thức trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình và quan trọng là phải biết nói không với bạo lực gia đình!
 
Biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu
Biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu

Hạnh phúc là khi biết yêu thương, chia sẻ
 
Ngày 25/6, tại Nhà hàng Hạnh phúc (Khu du lịch đồi Mộng mơ, TP Đà Lạt), Phòng Văn hóa - Thông tin, Liên đoàn Lao động và Hội LHPN TP Đà Lạt đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam.
 
Tại buổi gặp mặt, Ban tổ chức đã khen thưởng, biểu dương 34 gia đình văn hóa tiêu biểu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu sôi nổi như: Các gia đình chụp hình lưu niệm; tham gia các trò chơi... Đây là dịp để các gia đình gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Anh Phạm Ngọc Linh - gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của TP Đà Lạt, đã chia sẻ với chúng tôi như vậy khi được hỏi về “bí quyết” gìn giữ hạnh phúc gia đình của bản thân. Vợ chồng anh Linh có 2 người con: một trai, một gái. Bản thân anh là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 7, công việc lúc nào cũng bận rộn, nhưng anh luôn yên tâm vì có một “hậu phương” vững chắc, một người vợ luôn biết quan tâm, hiểu và tạo mọi điều kiện để chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng anh Linh, dù bận rộn mấy, nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi, anh lại vào bếp, chẳng nề hà việc gì, từ nấu cơm, rửa chén, nhặt rau... giúp vợ. “Để cùng xây dựng hạnh phúc thì vợ chồng phải hiểu và chia sẻ mọi công việc và quan trọng là không để xảy ra bạo lực trong gia đình, tránh làm tổn thương nhau. Bản thân tôi cũng luôn vận động gia đình, người thân nói không với bạo lực, cũng như thường xuyên chỉ đạo địa phương tuyên truyền, vận động người dân tránh xảy ra bạo lực gia đình!” - anh Linh nói thêm.
 
Đồng quan điểm với anh Linh, chị Trần Thị Thu Bông - giáo viên Trường Mầm non Họa My cho rằng, bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân chính “bóp chết” hạnh phúc gia đình. Ở một gia đình hạnh phúc, bạo lực gia đình sẽ chẳng thể nào có “cơ hội” để tồn tại. Chồng chị là giám đốc một doanh nghiệp nhưng không vì thế mà anh nề hà bất cứ việc gì, ngược lại, anh luôn tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi để giúp đỡ vợ, đặc biệt, anh rất tâm lý. Chị chia sẻ thêm, 10 năm chung sống, vợ chồng chị chưa hề xảy ra xích mích, nếu bất đồng quan điểm thì cùng ngồi lại để “tháo gỡ” và chị nghĩ, nếu chồng “căng” thì vợ phải “chùng”, và quan trọng là người phụ nữ phải hiểu được tính cách của chồng mình, cũng như hai bên phải tôn trọng, hiểu và nhường nhịn nhau...
 
Nhiều giải pháp tích cực phòng, chống bạo lực gia đình
 
Theo ông Nguyễn Quang Hải - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt, 15 năm qua, các mục tiêu của công tác xây dựng gia đình luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo, thực hiện; nhiều chỉ tiêu đã và đang được thực hiện tốt. Các gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước; nuôi dạy con cháu thành đạt, xây dựng tình làng, nghĩa xóm bền chặt, tích cực hưởng ứng các phong trào xã hội, từ thiện của địa phương, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình làm kinh tế giỏi”. Nếu như năm 2001, toàn thành phố có 20.101 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (tỷ lệ 64,25%) thì nay, toàn thành phố có 38.017 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (tỷ lệ 93,7%). Đồng thời có 249 Câu lạc bộ Gia đình văn hóa được thành lập và hoạt động tương đối hiệu quả; duy trì và nhân rộng 5 mô hình điểm thuộc lĩnh vực xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, trong đó có 1 mô hình can thiệp các giải pháp bạo lực gia đình, 3 mô hình thuộc Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam và 1 mô hình phát triển nông thôn mới... Tính đến nay, toàn thành phố có 353 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, có 18 cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện can thiệp, hỗ trợ và tư vấn, hòa giải thành công hơn 400 vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn thành phố. 
 
Qua 15 năm tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, đến nay, thành phố và các phường - xã đã tổ chức gặp mặt được hơn 1.500 gia đình văn hóa tiêu biểu, với nhiều nội dung và hình thức phong phú như: Tọa đàm, gặp mặt, biểu dương...; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện các phóng sự, bài viết về gia đình và công tác phòng chống bạo lực gia đình, cũng như nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng chống bạo lực gia đình... lồng ghép tuyên truyền nội dung ngày Gia đình Việt Nam trong các buổi sinh hoạt tại cơ sở và tổ chức biểu dương các cá nhân và gia đình CBCC-VC tiêu biểu “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình... “Trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng, từ chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái..., phụ nữ được ví như “người giữ lửa”, quyết định hạnh phúc của gia đình. Vì vậy, hãy luôn nâng niu và trân trọng họ, để ngọn lửa đó luôn ấm áp và hạnh phúc gia đình vì thế cũng sẽ bền chặt hơn!” - chị Hoàng Nhật Lệ - Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Lạt “nhắn nhủ”.
 
Thy Vũ