Giải pháp hạn chế học sinh bỏ học và bạo lực học đường

09:06, 22/06/2016

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phân tích và đề ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và bạo lực học đường trên địa bàn. Từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Vấn đề đáng quan tâm của mỗi gia đình và toàn xã hội là thực thi tốt các quyền cơ bản của trẻ em, để những mầm non của đất nước được chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ chính là tình trạng trẻ bỏ học và bạo lực học đường ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
 
Học sinh ở xã Đạ Tông - huyện Đam Rông
Học sinh ở xã Đạ Tông - huyện Đam Rông
Năm học 2015 - 2016 là năm thứ 3 ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục và đào tạo Lâm Đồng đã đạt được những thành quả đáng kể. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm của ngành và toàn xã hội, trong đó việc duy trì sĩ số học sinh, hạn chế học sinh bỏ học là một chỉ tiêu quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ năm học. 
 
 Theo con số thống kê của ngành, từ năm học 2013 - 2014 đến học kỳ I năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 5.158 học sinh bỏ học. Cụ thể: Năm học 2013 - 2014, số học sinh bỏ học là 1.649 em, chiếm 0,67% tổng số học sinh; năm học 2014 - 2015 có 2.359 học sinh bỏ học, chiếm 0,98% và tính đến hết học kỳ I năm học 2015 - 2016 có 1.150 học sinh bỏ học (chiếm 0,46%). Như vậy, tỉ lệ học sinh bỏ học của học kỳ I năm học 2015 - 2016 có giảm so với năm học trước. Đối tượng học sinh bỏ học ở cấp tiểu học rất ít, chủ yếu là học sinh THPT. Học sinh bỏ học tập trung ở các trường thuộc vùng sâu, vùng khó khăn, vùng DTTS. 
 
Nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu là: Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chưa tốt, nhiều phụ huynh còn có tư tưởng phó mặc con em cho nhà trường; điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên bố mẹ không đủ điều kiện cho con đến trường buộc các em phải nghỉ học để phụ việc nhà và lao động sớm; học sinh lười học, học lực yếu, kém nên mặc cảm tự ti với bạn bè, ngại đến lớp rồi bỏ học; một số em không có ý chí vươn lên trong học tập, ham chơi hoặc thích đi làm nên bỏ học. Hiện tượng tảo hôn ở một số địa phương vẫn xảy ra, đặc biệt là học sinh nữ của các dân tộc phía Bắc di cư vào, yêu sớm, lớp 8 - 9 đã bỏ học để lập gia đình. Điều kiện đường sá đi lại khó khăn, nhiều em ở cách trường hơn 10 km, không có phương tiện đi lại nên nghỉ học thường xuyên, kiến thức mất căn bản nên học lực yếu, kém rồi chán nản bỏ học.
 
Bạo lực học đường cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh bỏ học. Theo ghi nhận của Trường THCS & THPT Tây Sơn, từ năm học 2009 - 2010 đến năm học 2015 -2016, xảy ra 42 vụ bạo lực học đường với 153 học sinh vi phạm. Cao nhất là năm học 2009 - 2010 có 15 vụ với 54 học sinh, riêng 2 năm học gần đây đã giảm xuống 2 vụ/năm với 4 - 8 học sinh vi phạm. Học sinh đánh nhau vì những lý do tưởng chừng đơn giản như “tại nó nhìn đểu em” hoặc “tại nó sĩ” hay tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp, hay mách chuyện với thầy cô... hoặc những vụ việc học sinh va chạm xảy ra ngoài trường, ngoài gia đình nhưng lại gọi bạn bè đến đánh nhau...
 
Nguyên nhân bạo lực học đường được Trường THCS & THPT Tây Sơn nhận định: Do trường có 2 cấp học với số học sinh quá đông, trên 2.200 em/56 lớp nên công tác quản lý học sinh còn gặp nhiều khó khăn; không ít phụ huynh vì hoàn cảnh khó khăn mà thiếu sự quan tâm đến con em, ngược lại, cũng không ít gia đình có điều kiện thì quá nuông chiều khiến con em dễ hư. Kinh nghiệm phòng chống bạo lực học đường của Trường THCS & THPT Tây Sơn là huy động tất cả các tổ chức đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, đội tự vệ tham gia vào việc đảm bảo an ninh trật tự trường học; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm nội quy và bạo lực học đường; nhà trường quản lý chặt chẽ số học sinh chưa ngoan (cá biệt), phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương trong việc quản lý, giám sát, ngăn chặn các hành vi phạm pháp, vi phạm an toàn giao thông và bạo lực học đường. 
 
Theo Sở Giáo dục và đào tạo Lâm Đồng, giải pháp để duy trì sĩ số học sinh, hạn chế học sinh bỏ học đến mức thấp nhất là một hệ thống giải pháp liên hoàn. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề cần phải có sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên trong toàn ngành và sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể mới đem lại kết quả ngày càng cao. Đó là đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện tốt các quy định của Nhà nước như chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt học sinh DTTS, học sinh có học lực yếu, kém; tăng cường dạy học 2 buổi trong ngày. Định hướng cho con em có nhận thức đúng đắn về học tập, khơi dậy ý thức vượt khó vươn lên; phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường để ngăn chặn bạo lực học đường và học sinh bỏ học. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất các trường vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao, CLB giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật - phòng chống bạo lực học đường, thư viện nhằm thu hút học sinh đến trường, để tất cả học sinh đều xem mỗi ngày đến trường là một ngày vui. 
 
Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng dân cư trong việc duy trì sĩ số, huy động học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Tích cực vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các Mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Chủ động phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội; lãnh đạo nhà trường thường xuyên báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình học sinh bỏ học, để có kế hoạch duy trì sĩ số, vận động học sinh bỏ học ra lớp. Nhà trường thường xuyên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đến từng gia đình có học sinh bỏ học, động viên con em và gia đình để các em có thể tiếp tục trở lại trường học.
 
AN NHIÊN