Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy

08:06, 27/06/2016

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH; tình hình cháy, nổ đã được kiềm chế...

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH); tình hình cháy, nổ đã được kiềm chế thấp nhất cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra (chỉ tăng trung bình 9,17%/năm). Kết quả này đã khẳng định các chủ trương về PCCC, CNCH trong 5 năm gần đây rất kịp thời, đúng đắn, bám sát và giải quyết có hiệu quả các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.
 
Kết quả bước đầu
 
Trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức 89.507 buổi tuyên truyền miệng, thu hút trên 5,6 triệu lượt người nghe và 56.359 lớp huấn luyện cho gần 1,9 triệu lượt người về công tác PCCC, CNCH. Cũng trong giai đoạn này, hàng trăm mô hình PCCC được phát triển, nhân rộng như mô hình “Chợ kiểu mẫu về PCCC”, “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn về PCCC”, “Chung cư an toàn PCCC”, “Một ngày làm lính chữa cháy”… gắn với phát triển 171.161 đội dân phòng và PCCC cơ sở với trên 1,8 triệu đội viên. Qua đó, ý thức của người dân, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp về PCCC nâng lên rõ rệt; phong trào, mô hình PCCC phát triển rộng khắp; lực lượng phòng cháy quần chúng từng bước khẳng định và phát huy vai trò thường trực chữa cháy tại cơ sở…; góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý sớm các sự cố cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh.
 
Trong giai đoạn 2010 - 2015, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả 6.416 vụ; cứu nạn, cứu hộ 2.644 vụ, cứu được 1.625 người, tìm được 949 thi thể nạn nhân; bảo vệ được khối lượng tài sản, hàng hóa trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng và hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng chục nghìn người trong các đám cháy. Chỉ riêng năm 2015, số vụ CNCH do Cảnh sát PCCC đảm nhiệm tăng gấp 4,2 lần và số người cứu được tăng gấp 4,8 lần so với năm 2012. Nhiều vụ cháy lớn, tai nạn, sự cố nghiêm trọng được ngăn chặn, tổ chức CNCH kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, điển hình như: vụ cháy ở chung cư CT4 khu đô thị Xala Hà Nội, vụ lật xe khách có 49 hành khách tại Lào Cai, vụ sập giàn giáo tại khu kinh tế Formosa Hà Tĩnh, vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng…
 
Về tổ chức bộ máy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH được nâng cấp trực thuộc Bộ Công an. 5 năm qua, đã thành lập 20 Cảnh sát PCCC địa phương, 85 Đội chữa cháy và 37 Đội Cảnh sát CNCH; quân số toàn lực lượng Cảnh sát PCCC tăng 10.022 người so với năm 2010. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác, chiến đấu đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư; tiềm lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH tăng cường đáng kể. Đến nay, có 42 địa phương đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tỷ trọng ngân sách địa phương đầu tư cho công tác PCCC, CNCH tăng từ 27,1% (giai đoạn 2010 - 2012) lên 41,7% (giai đoạn 2013 - 2015)… 
 
Và những nhiệm vụ trọng tâm 
 
1.506 vụ cháy trong 6 tháng đầu năm 2016
 
* Làm chết 31 người và thiệt hại về tài sản trên 831 tỷ đồng
 
* Lâm Đồng xảy ra 42 vụ cháy, làm chết 2 người và thiệt hại trên 8,2 tỷ đồng
 
Trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 1.506 vụ cháy, trong đó có 1.409 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 97 vụ cháy rừng. Các vụ cháy đã làm chết 31 người, bị thương 181 người, thiệt hại về tài sản hơn 831 tỷ đồng và 722,2 ha rừng. 
 
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 571 vụ CNCH, trong đó có 406 vụ CNCH trong đám cháy, 98 vụ CNCH dưới nước, 21 vụ CNCH phương tiện giao thông, 14 vụ CNCH trên cao, 9 vụ CNCH hang hầm và 11 vụ CNCH tai nạn sự cố khác.
 
Riêng tại Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ cháy, làm 2 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại trên 8,2 tỷ đồng.                                     LHT

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Do một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC, CNCH; chưa nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống cháy nổ và CNCH chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được ý thức thường trực về phòng ngừa cháy nổ trong các tầng lớp nhân dân. Lực lượng Cảnh sát PCCC thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ, phương tiện PCCC, CNCH và các điều kiện hạ tầng bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Để nâng cao hiệu quả PCCC và CNCH trong thời gian tới, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH; xác định công tác PCCC và CNCH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người lao động. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH. Gắn việc thực hiện các quy định PCCC với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Lồng ghép việc phổ biến kiến thức và kỹ năng về PCCC vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.
 
Công tác PCCC và CNCH phải lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tập trung xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC và CNCH sâu rộng gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với phương châm bốn tại chỗ.
 
Xây dựng chiến lược PCCC và CNCH. Từng bước thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hệ thống hạ tầng bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC ở các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC.
 
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH.
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở các nơi có nguy cơ cháy, nổ cao; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác PCCC rừng...
 
Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm, Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
 
TỨ KIÊN