Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển quân

09:06, 10/06/2016

Với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và các địa phương, năm 2016, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân.

Với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và các địa phương, năm 2016, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân.
 
Lễ giao nhận quân ngày càng được tổ chức hết sức trang trọng
Lễ giao nhận quân ngày càng được tổ chức hết sức trang trọng
Đánh giá về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2016, Đại tá Đỗ Quang Bình - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 với nhiều điểm mới như: về độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi; thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng, tăng 6 tháng so với trước đây; công tác tuyển quân được tiến hành một đợt trong năm...
 
Ngoài ra, năm 2016 chỉ tiêu giao quân của toàn tỉnh là 1.200 thanh niên, tăng 20% so với năm 2015 nên công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ có một số khó khăn nhất định và chất lượng giao quân có một số mặt giảm so với năm 2015. 
 
Cũng theo Đại tá Đỗ Quang Bình, đối với địa phương vừa thực hiện công tác giao quân đợt 2 năm 2015 (tháng 9/2015), lại tiếp tục thực hiện công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2016 (tháng 2/2016) nên gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, sau khi thực hiện giao quân đợt 2, số công dân có trình độ cao đẳng, đại học và sức khỏe tốt đã nhập ngũ; số công dân trong độ tuổi nhập ngũ còn lại trình độ học vấn thấp, sức khỏe hạn chế và số lượng công dân trong độ tuổi thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự giảm. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian tại ngũ (tại ngũ 24 tháng thay vì 18 tháng như trước đây) cũng đã tác động trực tiếp đến công dân và gia đình các công dân trong độ tuổi thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự... Đó là những khó khăn trực tiếp tác động đến chất lượng công tác tuyển quân năm 2016.
 
Trước những khó khăn khách quan trong công tác tuyển quân năm 2016, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và có kế hoạch hướng dẫn triển khai cụ thể, đồng bộ, kịp thời các khâu trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Hội đồng Nghĩa vụ quân sự đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện các bước tuyển quân, thông qua thực hiện công tác tuyển quân “tròn khâu”, các địa phương tiến hành đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng Luật Nghĩa vụ quân sự.
 
Bên cạnh đó, cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện quy trình tuyển quân theo quy định. Nhờ đó, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ tỉnh Lâm Đồng năm 2016 đã hoàn thành 100% chỉ tiêu trên giao. Toàn tỉnh đã tuyển 1.200 thanh niên nhập ngũ; trong đó, tỷ lệ đảng viên nhập ngũ đạt 3,5%, đoàn viên 96,5%; trên 63% thanh niên nhập ngũ đạt sức khỏe loại I và II; và có 7,3% thanh niên nhập ngũ có trình độ từ trung cấp trở lên...
 
Là địa phương đạt thành tích cao trong công tác tuyển quân năm 2016, huyện Di Linh đã tuyển 160 thanh niên nhập ngũ, trong đó, tỷ lệ đảng viên đạt 3,75%, thanh niên có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 8,12%... Để đạt được kết quả này, ông Trần Đình Sỹ - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện đã chỉ đạo Ban CHQS huyện là cơ quan thường trực để xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị rà soát và lập danh sách thanh niên trong độ tuổi 17 và danh sách thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ từ 18 đến 25 tuổi chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
 
Trên cơ sở đó phát lệnh gọi và tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự trong tháng 4 hàng năm. Căn cứ kết quả đăng ký và quản lý công dân sẵn sàng nhập ngũ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện chỉ đạo Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp xã phối hợp chặt chẽ với các, ban ngành, công an huyện nhằm nắm chắc về số lượng, chất lượng chính trị, trình độ văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp, trình độ đào tạo, ngành nghề chuyên môn, hoàn cảnh gia đình... tổng hợp báo cáo danh sách để tổ chức xét duyệt theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, thanh niên nhận lệnh gọi nhập ngũ luôn an tâm tư tưởng, xác định tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ quốc.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại tá Đỗ Quang Bình đã thẳng thắn thừa nhận, công tác tuyển quân năm 2016 vẫn còn một số hạn chế như: Việc tổ chức thực hiện quy trình tuyển quân, từng khâu có nơi còn thiếu chặt chẽ, phúc tra nguồn còn bỏ sót, sơ tuyển gọi khám sức khỏe, bình cử chưa thực sự công khai minh bạch, dân chủ rộng rãi.
 
Qua kiểm tra, đánh giá kết quả của Quân khu và Bộ CHQS tỉnh cho thấy, đây là một khâu còn nhiều mặt hạn chế cần phải quan tâm khắc phục, cụ thể như: việc sơ tuyển, xét duyệt chỉ do Ban CHQS cấp xã và một số thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, xét duyệt hồ sơ không kỹ, không tổ chức bình cử, công khai từ tổ dân phố, thôn dẫn đến việc sau khi gọi khám sức khỏe, gọi nhập ngũ vẫn còn phát sinh trường hợp sai sót... Việc tuyển cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nhập ngũ kết quả chưa cao; tỷ lệ công dân tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học nhập ngũ chưa tương xứng với nguồn hiện có của địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ thanh niên nhập ngũ năm 2016 có sức khỏe loại I và II chỉ đạt 63,8%, giảm 10% so với năm 2015, các địa phương có tỷ lệ giảm nhiều như Cát Tiên (giảm 30%), Bảo Lộc (giảm 22%), Đạ Huoai (giảm 22%)...
 
Năm 2017, dự kiến chỉ tiêu tuyển quân trên giao cho tỉnh Lâm Đồng còn cao hơn năm 2016. Để nâng cao chất lượng tuyển quân, một mặt phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp đối với công tác tuyển quân.
 
Mặt khác, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các địa phương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyển quân; tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân và thanh niên hiểu rõ các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.
 
Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Thật khó để khuyến khích cán bộ, công chức, thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học hăng hái nhập ngũ nếu chúng ta chưa có một chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đối tượng này sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về.
 
LÊ HỮU TÚC