Từ mô hình "Nói không với thách cưới"

08:06, 21/06/2016

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Gung Ré (huyện Di Linh) đã có sáng kiến xây dựng mô hình "Nói không với thách cưới' để xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu.

Trước đây, trong đời sống hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, tập tục thách cưới đã trở thành gánh nặng của người phụ nữ và ảnh hưởng đến bình đẳng giới. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Gung Ré (huyện Di Linh) đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Nói không với thách cưới’ để xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã chọn thôn K’Long Trao I để làm điểm triển khai mô hình này.  
 
Hội trường Thôn văn hóa K’Long Trao, nơi chị em phụ nữ thường đến sinh hoạt Hội
Hội trường Thôn văn hóa K’Long Trao, nơi chị em phụ nữ thường đến sinh hoạt Hội

Theo chị Ka Dỏi, Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn K’Long Trao I, việc thách cưới là một trong những luật tục đã có từ lâu trong đời sống của người K’Ho. Theo luật tục này, bên họ nhà trai được đòi hỏi bên họ nhà gái những lễ vật có giá trị, như vàng, tiền, con trâu, ché rượu... Trong thực tế, do luật tục này, không ít cô gái nghèo có hoàn cảnh khó khăn không “bắt” được chồng hoặc bắt được chồng rồi mà không có tiền để tổ chức lễ cưới thì coi như còn chịu một khoản nợ. Có những cặp vợ chồng nhà nghèo ăn ở, sống chung với nhau và đã có 2, 3 đứa con, nếu không tổ chức được lễ cưới (do không có lễ vật thách cưới để tổ chức lễ vu quy), thì những cặp vợ chồng này vẫn chưa được dòng họ chính thức công nhận là vợ chồng. 
 
Tại thôn K’Long Trao I, khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chọn làm điểm để triển khai mô hình “Nói không với thách cưới”, Chi hội Phụ nữ thôn và Ban Chủ nhiệm mô hình đã phối hợp với Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, các đoàn thể, các già làng, người có uy tín và bà con trong dòng họ để vận động, thuyết phục. “Cuộc vận động này, ban đầu không phải là dễ, vì có người đồng tình và cũng có người không. Bởi một lý do rất đơn giản là họ cho rằng, đây là một phong tục, tập quán đã có từ bao đời nay và đã làm được, tại sao bây giờ lại bỏ đi!” - chị Ka Dỏi kể lại. 
 
Được triển khai từ năm 2011, mô hình đã thu hút ngày càng đông chị em hội viên tham gia. Cứ định kỳ 2 tháng, Ban Chủ nhiệm mô hình tổ chức sinh hoạt 1 lần để triển khai lồng ghép các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; các hoạt động, các phong trào thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ gắn với việc phổ biến pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới và các quy định của pháp luật về thực hiện nếp sống mới trong việc tổ chức cưới hỏi, đám tang…; đồng thời, vận động, thuyết phục chị em phụ nữ trong thôn K’Long Trao I “nói không với thách cưới”. 
 
Tuy có những khó khăn nhất định, nhưng Chi hội Phụ nữ thôn và Ban Chủ nhiệm mô hình kiên trì vận động và dần dần đem lại kết quả khả quan. Việc thách cưới trong thôn giảm dần theo thời gian đồng nghĩa với các hộ gia đình đã được giảm bớt áp lực về chi phí  trước mỗi hạnh phúc lứa đôi. Để tổ chức đám cưới cho con, sau khi trao đổi, thống nhất giữa hai bên, gia đình bà Ka Dim - ông K’Biu chỉ đưa cho bên gia đình nhà trai 2 chỉ vàng và 7 triệu đồng tiền mặt; gia đình bà Ka Nhôm - ông K’Brẹo chỉ đưa cho bên gia đình nhà trai 2 chỉ vàng và 20 triệu đồng tiền mặt; gia đình bà Ka Doi cũng chỉ đưa cho bên gia đình nhà trai 2 chỉ vàng và 5 triệu đồng tiền mặt... “Nếu tính từ khi triển khai mô hình, trong thôn K’Long Trao I có 21 đám cưới thì đã có 17 đám cưới thực hiện theo nếp sống mới, linh hoạt, tùy điều kiện thực tế của từng gia đình. Có những đám cưới, hai họ có thể đóng góp tiền cùng lo tổ chức đám cưới chung và hầu như bên nhà trai chẳng đòi hỏi bên nhà gái phải có vàng, có tiền mặt hoặc con trâu... gì cả!” - chị Ka Dỏi nhẩm đếm và cho chúng tôi biết thêm. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông K’Brềs, Bí thư Đảng ủy xã Gung Ré, ghi nhận: “Mô hình “Nói không với thách cưới” tại thôn K’Long Trao I bước đầu đã đem lại kết quả đáng mừng, góp phần làm giảm bớt áp lực “thách cưới” do phong tục, tập quán từ lâu đời của bà con dân tộc thiểu số tại địa phương. Trước đây, có những đám cưới, bên nhà trai đòi hỏi nhà gái phải nộp 60 - 70 triệu đồng, 2 - 3 cây vàng, 1 - 2 con trâu... mới “bắt” được con trai về ở rể. Còn bây giờ, phần đông bà con không đòi hỏi như vậy nữa, tùy theo điều kiện kinh tế để lo hạnh phúc gia đình cho các con”.  
 
Theo chị Ka Lèm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Gung Ré, tuy gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng trong quá trình triển khai mô hình “Nói không với thách cưới” là một trong những nội dung gắn với việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên có phần thuận lợi và đạt hiệu quả khá cao. “Từ mô hình “Nói không với thách cưới” của thôn K’Long Trao I, chúng tôi sẽ đúc rút kinh nghiệm và dự kiến sẽ nhân rộng tại thôn Hàng Làng vào tháng 7 tới” - chị Ka Lem cho biết thêm.
 
XUÂN LONG