Về với Đăng Đừng

08:06, 16/06/2016

Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 25 km, sau điểm du lịch thác Đạm Ri sôi động, tại buôn Đăng Đừng (thôn 6, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) có chùa Di Đà, có những đồi trà xanh bạt ngàn, có khu rừng thiêng thác đổ và còn cả những mái nhà nhỏ e ấp mang đậm bản sắc văn hóa người Châu Mạ.

Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 25 km, sau điểm du lịch thác Đạm Ri sôi động, tại buôn Đăng Đừng (thôn 6, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) có chùa Di Đà, có những đồi trà xanh bạt ngàn, có khu rừng thiêng thác đổ và còn cả những mái nhà nhỏ e ấp mang đậm bản sắc văn hóa người Châu Mạ.
 
Một góc trong chùa Di Đà - Ảnh: T.Hoàng
Một góc trong chùa Di Đà - Ảnh: T.Hoàng

Về chốn tịnh tâm
 
Buôn Đăng Đừng có hơn 120 hộ gia đình với hơn 900 người theo đạo Phật, nhưng cứ tới mùa mưa, đường sá ngập nước lầy lội, bà con vất vả lắm mới ra được tu viện Bát Nhã để sinh hoạt Phật sự. Chứng kiến bà con chân bùn đất, quần áo lấm lem, Đại đức Thích Đồng Châu lại trăn trở “Giá mà có được một ngôi chùa nằm trên địa phận buôn”. Và đến năm 2005, thầy quyết định mang y bát lên đường với quyết tâm dựng nên một mái chùa ngay trên mảnh đất Đăng Đừng.
 
Tâm nguyện của thầy hợp với mong muốn của bà con, nên dân làng đã tự nguyện giúp thầy 6 sào đất dựng chùa. Những nhát cuốc đầu tiên được thầy bổ xuống mảnh đất còn rậm rạp cỏ cây, rắn, mối. Ngày này qua ngày khác, tà áo màu đất được vấn lên, những dòng mồ hôi đổ xuống để phạt từng vạt cỏ, dặm từng mầm cây. Hiểu được tâm sức thầy, bà con người cúng dường miếng ruộng, kẻ nhượng lại mảnh vườn, để đất chùa dần thành một khu rộng hơn 10ha. Ngôi chùa nằm sâu trong thung lũng bình yên và được mang tên Di Đà.
 
Ở Di Đà, mái chùa không phải hình long, ly, quy, phụng mà là những họa tiết được khắc trên trống đồng Đông Sơn. Và dưới mái chùa ấy là những tấm lòng đùm bọc, yêu thương như lịch sử muôn đời người Việt. Từ bấy tới nay đã bao lớp trẻ thơ gắn bó với chùa. Những ngày đầu thầy còn mở lớp trong chùa để các em được đi học. Nay không còn nữa, nhưng lũ trẻ vẫn “đòi” lên ở trên chùa, sau giờ tan trường lại quấn quýt bên thầy như đàn con nhỏ. 
 
Ngôi chùa nằm ở ngay làng người Châu Mạ nên mang dáng dấp của những ngôi nhà sàn của bà con nơi đây. Ở chùa Di Đà, để công trình có thể bền vững với thời gian không thể thiếu được việc xây dựng từ xi măng, cốt thép bên cạnh những nếp nhà tranh, nhà gỗ… gần gũi, bình dị. Trong khuôn viên chùa, ngoài những nét đặc trưng nhà Phật, còn có tượng già làng, mẹ địu con và rất nhiều những chiếc crăngđa (chuông gió, bà con làm bằng nứa, cắm trên nương để đuổi thú rừng). Tiếng crăngđa vang lên trong gió hòa cùng bài hát trong kinh Bát Nhã hay tiếng 13 cô, chú tiểu tụng kinh bằng tiếng Châu Mạ (các bài kinh được dịch sang tiếng Châu Mạ). Không chỉ là cơ sở tôn giáo, chùa Di Đà còn là nơi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Châu Mạ.
 
Ngắm thác, uống trà nghe kinh
 
Trong câu chuyện của già K’ Đúc - người cao tuổi ở buôn Đăng Đừng, chúng tôi được biết: Buôn có 3 ha rừng già nằm ngay sau chùa. Bà con gọi đó là rừng thiêng. Những cây cổ thụ lâu năm ở đây thường xuyên bị đe dọa, nhưng từ khi có chùa  rừng được chăm sóc, bảo vệ tươi nguyên xanh mướt. Đi sâu vào giữa rừng già, qua những dòng suối nhỏ, những nhánh lan rừng, những cây đa bóp cổ lừng lững và đôi khi cả những con khỉ chuyền cành. Đi vào rừng một lúc, tiếng thác Tam Hợp ầm ào hòa cùng tiếng gió, tiếng chim. Thác có 3 dòng nước đổ xuống từ độ cao chừng 70m. 
 
Chúng tôi đến Tam Hợp đi qua chùa, còn một nhóm học sinh khác lại theo rẫy cà phê đi vào thác. Lũ trẻ tha hồ vùng vẫy ở hồ nước dưới chân thác hay dạo chơi ở phiến đá phía sau dòng nước. Nước từ thác đổ xuống hồ, bắn bọt trắng mờ. Nếu gọi khu rừng già này là một ngôi nhà, thì thác Tam Hợp chẳng khác nào giếng trời của ngôi nhà ấy. Ánh nắng như tụ hợp về đây để đổ xuống lòng hồ, nắng đổ lên cả những phiến đá rêu phong khiến chúng càng trở nên lấp lánh, quyến rũ. Thầy thích Đồng Châu đã đặt cho chốn này tên gọi Cốc Đào Nguyên và dựng chòi ở đó để bà con đi làm rẫy có chỗ tránh nắng mưa, còn du khách có nơi dừng chân thưởng ngoạn.
 
Tìm hiểu văn hóa tại nhà già K’Đúc
Tìm hiểu văn hóa tại nhà già K’Đúc

Nước từ thác Tam Hợp đem pha với trà trồng trong chùa, vừa thưởng trà vừa nghe kinh trong cảnh bình yên của Di Đà, một cảm giác bình yên như bao trùm cả đất trời Châu Mạ. 
 
Thầy thích Đồng Châu và các chư tăng trong chùa đã sử dụng hơn 1,2 ha đất quanh chùa để trồng trà Ôlong, vừa có thêm việc làm cho mọi người sau những giờ tu học và vừa có thêm kinh phí trang trải việc trong chùa. 
 
Trà ở chùa được Quý Thầy và bà con Phật Tử địa phương trồng và chăm sóc theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Trong khuôn viên chùa và quanh những nương trà được trồng rất nhiều hoa sặc sỡ, để làm đẹp và dụ thiên địch để diệt trừ sâu, bọ. Ngoài ra, để đề phòng những lúc sâu xuất hiện nhiều, các chư tăng trong chùa còn ngâm sẵn rất nhiều hạt xoan (xay nhỏ) với vôi bột dùng làm thứ diệt sâu bọ...
 
Trà được tưới tắm bởi nguồn nước mát lành dẫn về từ khu rừng già, sớm chiều được nghe tiếng chuông ngân vang, những lời kinh, kệ và được bàn tay chăm sóc cần mẫn của các chư tăng. Có lẽ bởi thế mà trà nơi đây không chỉ xanh tốt mà còn ẩn chứa cả một sức sống tiềm tàng. Trà sau khi thu hoạch được nhà chùa gửi vào chế biến, đóng gói tại cơ sở sản xuất trà ÔLong trong vùng. Trà ÔLong của chùa Di Đà được thầy Đồng Châu đặt tên “Vô Lượng Thọ”, bởi thầy mong muốn rằng “người thưởng thức trà tinh thần sảng khoái, tâm hồn nhẹ nhàng, thọ mạng dài lâu”.
 
Ấm tình người Châu Mạ
 
Đường vào buôn Đăng Đừng, đi giữa những đồi chè nằm trên triền dốc thoai thoải. Những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác giữa vườn chè. Ở đây hầu như nhà nào cũng vậy, bên ngôi nhà mới xây vẫn còn một ngôi nhà gỗ truyền thống. Chúng tôi ghé thăm nhà già K’Đúc. Ngôi nhà đã được sửa sang đôi chút cho phù hợp với đời sống hiện tại, nhưng bước vào nhà vẫn là cảm giác rộng rãi, thoải mái, gần gũi, thân thuộc vốn có của người Châu Mạ. 
 
Từ nhà của già K’Đúc có thể phóng tầm mắt nhìn ra vườn chè xanh mướt. Nhâm nhi ly trà Vô Lượng Thọ, già K’Đúc nói “Từ ngày có chùa Di Đà, trẻ con trong buôn có sân bóng chuyền, bóng đá vui chơi, rèn luyện thân thể. Thầy Đồng Châu xây khu nhà vệ sinh, nhà tắm, giếng khoan phục vụ bà con để đẩy lùi lối ăn ở tạm bợ. Nhà chùa cùng với bà con dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Thầy còn kêu gọi Phật tử gần xa quyên góp tiền làm cầu cống, đường sá giúp bà con địa phương đi lại được thuận tiện. Tất cả các công việc trong chùa đều có sự tham gia nhiệt tình của bà con trong thôn”. Câu chuyện của già K’Đúc khiến cho tôi hiểu vì sao trên đường đi cùng chúng tôi thầy Thích Đồng Châu luôn vẫy tay chào và nở nụ cười ấm áp với tất cả bà con trong buôn đi làm qua lại trên đường. Và bà con cũng vậy. 
 
Con rể già K’Đúc là anh K’Kim - cán bộ thôn, vừa đi làm về, biết chúng tôi ghé thăm anh đãi chúng tôi bằng ché rượu cần truyền thống. Chị Ka Mết vợ anh đãi chúng tôi những món ăn dân dã nơi này như: canh lá sắn, lá bép xào, cà đắng nướng và đặc biệt là món thịt luộc quấn lá trà. Bữa cơm còn có những bà con xung quanh cũng ghé góp vui và tha thiết mời chúng tôi ghé thăm nhà. 
 
Đăng Đừng đêm hôm ấy có đám cưới của đôi bạn trẻ. Bố của cô dâu mang thịt heo đi chia cho mỗi nhà một ít như sẻ chia niềm vui của gia đình. Và những người khách lạ như chúng tôi cũng được mời đến đám cưới, vui chung với cả buôn làng. Để rồi đến khi mệt nhoài trở về có thể ngủ ngay giữa sàn ngôi nhà già K’Đúc.
 
Ở Đăng Đừng bạn có thể tìm hiểu cách dệt vải, đan lát, ủ rượu cần, hái rau, lá thuốc... giao lưu văn hóa, ẩm thực của người Châu Mạ. Bên bếp lửa bập bùng, bạn sẽ cùng bà con vít cong cần rượu, thưởng thức những món ăn bản địa, nghe kể chuyện về những phong tục tập quán của dân tộc Châu Mạ và cùng hát vang những giai điệu bạn bè...
 
NGỌC NGÀ