Cần huy động nguồn lực để phòng chống sốt xuất huyết

09:07, 21/07/2016

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao tại địa phương, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BSCKII Đồng Sĩ Quang - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Dược Sở Y tế Lâm Đồng về nguyên nhân vì sao các ca bệnh tăng và làm thế nào để kiểm soát tình hình dịch bệnh. 

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao tại địa phương, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BSCKII Đồng Sĩ Quang - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Dược Sở Y tế Lâm Đồng về nguyên nhân vì sao các ca bệnh tăng và làm thế nào để kiểm soát tình hình dịch bệnh. 
 
BSCKII Đồng Sĩ Quang - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế
BSCKII Đồng Sĩ Quang - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế
BS cho biết tình hình SXH hiện nay trên địa bàn tỉnh?
 
- Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh lưu hành tại địa phương trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, so với 20 tỉnh, thành phố phía Nam thì Lâm Đồng có số ca mắc SXH thấp nhất. Qua theo dõi và đánh giá tình hình SXH trên địa bàn 6 tháng đầu năm nhận thấy rằng tình hình SXH tại Lâm Đồng đã có tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể tới tháng 6/2016, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đã có 396 ca mắc SXH, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 360 ca. Một số địa bàn “điểm nóng” về SXH nổi lên là: Bảo Lộc 164 ca (tăng 152 ca), Bảo Lâm, Cát Tiên, Di Linh.
 
Vì sao Bảo Lộc có ca bệnh SXH cao hơn các địa phương khác?
 
- Bảo Lộc được xác định là vùng trọng điểm của tỉnh về SXH, do điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi để phát triển loài muỗi gây bệnh SXH, là địa bàn thành phố tập trung đông dân cư. Theo dõi tình hình nhiều năm, SXH ở Bảo Lộc có đỉnh cao theo chu kỳ, do đặc điểm dịch tễ học, các năm 2013 - 2014 số ca mắc thấp, năm 2016 lại tăng lên.
 
BS cho biết về việc chẩn đoán xác định SXH và khi nào được gọi là ổ dịch SXH? 
 
- Trong 396 ca nói trên dựa trên chẩn đoán dịch tễ, lâm sàng, triệu chứng; còn chẩn đoán xác định SXH phải dựa trên chẩn đoán xét nghiệm phân lập virus hoặc chẩn đoán huyết thanh học. Trong quy định, những ca nào chẩn đoán SXH đều nên lấy máu xét nghiệm. Xét nghiệm huyết thanh học làm tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, xét nghiệm phân lập virus phải gởi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê số ca SXH đã lấy được máu để giám sát trong 6 tháng đầu năm, số mẫu xét nghiệm huyết thanh học dương tính chưa tới 50%; còn số mẫu gởi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, phân lập virus dương tính khoảng 11%. 
 
Ổ dịch SXH được định nghĩa chuyên môn là nơi có ca chẩn đoán xác định SXH nặng, hoặc có ca SXH xét nghiệm phân lập virus kết quả dương tính; hoặc trong một địa bàn đó có 2 ca trong vòng 1 tuần được chẩn đoán SXH; hoặc chỉ cần 1 ca SXH tử vong thì địa bàn có ca tử vong đó gọi là ổ dịch. Ổ dịch được quy định trong phạm vi bán kính 200 m tính từ nhà có ca bệnh SXH theo quy ước trên. Trong 6 tháng qua, ngành y tế đã phát hiện và xử lý 48/50 ổ dịch (Bảo Lộc 20 ổ dịch) nhằm mục đích khoanh vùng và triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dập tắt bệnh dịch, tránh lây lan trên diện rộng. 
 
Thưa BS, công tác điều trị SXH hiện nay như thế nào?
 
Theo quy định BYT có phân cấp, phân tuyến điều trị SXH. Các cơ sở y tế trong tỉnh đều được hướng dẫn, tập huấn phòng chống, điều trị SXH, và phân loại bệnh để điều trị phù hợp theo phân tuyến điều trị.
 
Trong 396 ca mắc có 4 ca SXH nặng có biểu hiện choáng (độ 3), ở Bảo Lộc, Đức Trọng, Cát Tiên, Di Linh; không có ca tử vong. Vì vậy, để ngăn ngừa SXH nặng dẫn tới sốc, choáng, bệnh nhân cần được phát hiện, chẩn đoán sớm để theo dõi, điều trị kịp thời, trường hợp nặng cần được chuyển tuyến phù hợp để điều trị. 
 
Ngành y tế đã có biện pháp phòng chống SXH hiệu quả?
 
- Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống SXH, có văn bản chỉ đạo các đơn vị tham mưu chính quyền địa phương tăng cường công tác truyền thông. Một trong những giải pháp phòng chống SXH hiệu quả là triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, phòng chống muỗi đốt và truyền thông phải đi trước một bước. Truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh, các dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh để người dân tự phát hiện và đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, theo dõi, điều trị kịp thời.
 
Đối với địa bàn Bảo Lộc, trước tình hình gia tăng ca bệnh SXH, Sở Y tế đã phối hợp với TTYT Dự phòng và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đến địa phương để nắm bắt tình hình dịch tễ, giúp địa phương triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện ca bệnh, xử lý ổ dịch, giám sát dịch tễ học. Cụ thể là các địa bàn có ca bệnh SXH triển khai chiến dịch diệt loăng quăng hàng tuần, khoanh vùng xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng.
 
Thưa BS, trước mắt, chúng ta cần làm gì để khống chế SXH?
 
- Phải xác định bệnh SXH là bệnh do vi rút, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và triển khai các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh mắc bệnh. Để phòng tránh muỗi đốt thì chúng ta phải diệt loăng quăng, loại trừ các nơi muỗi sinh sản, mầm bệnh phát triển. Người dân mắc các dấu hiệu nghi SXH phải đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến biến chứng nặng.
 
Khó khăn hiện nay trong phòng chống SXH đó là công tác truyền thông. Mặc dù chúng ta đã triển khai các hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp qua các kênh thông tin; ngành y tế có mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe đến tận y tế thôn bản, nhưng thực tế hiện nay nhận thức hành vi của người dân trong triển khai các biện pháp phòng chống SXH chưa tốt; nên khi giám sát, các chỉ số về dịch tễ học ở các nơi có ca bệnh chậm cải thiện, thậm chí cao bất thường. Điều quan trọng nữa là cần tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống SXH, đặc biệt là công tác truyền thông, hoạt động giám sát thường xuyên và các hoạt động can thiệp khác.
 
AN NHIÊN