Không gắn bó với dân thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ

08:08, 23/08/2016

Đó là khẳng định của đại úy Lê Trường Giang - Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đam Rông.

“Làm công tác an ninh, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); địa bàn rộng, phức tạp, giáp ranh nhiều tỉnh như Đam Rông, nếu không gắn bó với dân thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ được” - đại úy Lê Trường Giang (33 tuổi) - Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đam Rông khẳng định.
 
Đại úy Lê Trường Giang như người con của buôn làng
Đại úy Lê Trường Giang như người con của buôn làng

Đồng hành cùng chúng tôi suốt quãng đường dài vào tiểu khu 179, thuộc xã Liêng Srônh - nơi có bà con người Mông di cư tự do vào Đam Rông đang sinh sống, đại úy Giang cũng không thể kể hết những vui buồn trong nghề suốt gần 10 năm công tác ở Đam Rông. Không phải những chuyên án lớn, nhưng những vụ việc liên quan đến an ninh - trật tự vùng đồng bào DTTS thì nhiều không kể hết. 
 
Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, nhưng 4 tuổi đại úy Lê Trường Giang đã theo bố mẹ vào Lâm Hà làm kinh tế mới. Đối với những vùng này, công an là một trong những lực lượng chính hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Cũng từ đó trong tâm hồn trẻ thơ của cậu bé Giang, những chiến sỹ mặc áo xanh là hình ảnh thật lớn lao để rồi sau này Giang đã phấn đấu thi đậu vào Trường Đại học An ninh. Năm 2007, Lê Trường Giang được phân công về nhận nhiệm vụ tại huyện Đam Rông.
 
Đã gần 10 năm trôi qua, dấu chân anh đã đi qua không biết bao nhiêu lần ở những địa bàn xa xôi hiểm trở và cũng chừng ấy thời gian anh được bà con thương yêu, quý mến và xem anh như con của buôn làng. Chúng tôi tin như vậy khi đến tiểu khu 179, ông Ma Seo Tráng - người uy tín của bà con người Mông ở đây đã ra đón anh với cả tấm lòng yêu thương trìu mến. Với những người khách lạ như chúng tôi, hỏi gì bà con cũng chỉ “Chư pâu” (không biết). Nhưng với đại úy Giang và anh em trong đội an ninh thì câu chuyện với bà con như kéo dài mãi, bởi bà con tin tưởng “cán bộ” và bởi bà con và chiến sỹ nói chuyện với nhau bằng cả tiếng Kinh và ngôn ngữ của dân tộc họ.  
 
Đam Rông là huyện mới thành lập, đa phần cán bộ, chiến sỹ ở đây đều làm việc xa nhà. Họ đùa nhau là “cán bộ 26” nghĩa là sáng thứ hai có mặt và tối thứ sáu trở về với gia đình. Lê Trường Giang cũng vậy, nhưng anh không trở về nhà đều đặn vào tối thứ sáu hàng tuần. Bởi anh cùng các đồng đội còn phải làm nhiệm vụ. “Làm công tác an ninh mình phải gắn chặt với bà con. Đã có lúc anh em tôi vào với người dân cả tuần liền để “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng ngôn ngữ), với mong muốn hiểu rõ tâm tư tình cảm của bà con, nhờ thế hiệu quả công việc được nâng cao” - đại úy K’Liêng chia sẻ. 
 
“Nhờ sự thâm nhập sâu và nhận được sự tin tưởng của bà con nên lực lượng an ninh đã chủ động trong công tác phòng ngừa, làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra ở cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng” - đồng chí Dơng Gur Ha Jack - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long khẳng định.
 
Ngoài công tác chuyên môn, đại úy Lê Trường Giang cùng đồng đội còn tham gia phối hợp với các tổ công tác xuống địa bàn thôn nắm tình hình đời sống và tâm tư nguyện vọng của bà con. Từ đó, tập hợp tình hình tham mưu cho lãnh đạo địa phương giải quyết các vụ việc liên quan đến tình hình di cư của đồng bào dân tộc Mông từ phía Bắc vào; tình hình tranh chấp khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; tình hình người DTTS tại chỗ xin về làng cũ để phát rừng làm rẫy trái phép. 
 
Gần 10 năm công tác, đại úy Lê Trường Giang đã nhiều lần đạt danh hiệu: Chiến sỹ thi đua cơ sở; được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2014. Đặc biệt, đầu năm 2016, đại úy Lê Trường Giang là đại diện duy nhất của Công an tỉnh Lâm Đồng, góp mặt trong số 70 gương mặt tiêu biểu nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng an ninh.
 
Ngọc Ngà