Giúp trẻ dân tộc thiểu số vững bước vào lớp 1

09:08, 09/08/2016

Những năm học qua, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Đam Rông đã thực hiện tốt việc mở các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Kinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi. Qua đó, giúp cho các em có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vững bước vào lớp 1.

Những năm học qua, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Đam Rông đã thực hiện tốt việc mở các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Kinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi. Qua đó, giúp cho các em có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vững bước vào lớp 1.
 
Lớp học tăng cường tiếng Việt
Lớp học tăng cường tiếng Việt
Tranh thủ thời gian nghỉ hè, đông đảo trẻ em dân tộc thiểu số và những trẻ em dân tộc Kinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 trên địa bàn huyện Đam Rông cùng tham gia các lớp tăng cường tiếng Việt. Qua đó, giúp cho các em có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vững bước vào lớp 1.
 
Bà Phạm Thị Ngũ - Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đam Rông cho biết: “Môn tiếng Việt là môn rất quan trọng, là chìa khóa để các em học các môn khác. Đối với học sinh dân tộc thiểu số, rào cản lớn nhất đối với các em là tiếng Việt yếu. Vì vậy, địa phương chú trọng mở các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nhằm giúp cho các em có kiến thức cơ bản và có hiệu quả trong năm học”. 
 
Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, như đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, cứ vào dịp hè, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Kinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 được tham gia lớp tăng cường tiếng Việt. 
 
Tại huyện Đam Rông, trong năm học 2016-2017, có hơn 860 học sinh thuộc đối tượng trên đã được toàn bộ 15 trường tiểu học trên địa bàn huyện tổ chức mở 39 lớp tăng cường tiếng Việt, mỗi lớp học 36 buổi. Trong thời gian từ 1/7 đến 5/8, học sinh được trang bị vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu để giúp các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói (nghe - hiểu, nói) trong môi trường lớp học và tạo cho trẻ tâm thế sẵn sàng đi học, có một số nề nếp sinh hoạt, kỹ năng học tập bước đầu để làm quen với bạn bè, thầy cô và tự tin trong học tập theo chương trình lớp 1.
 
Song, để đạt được những nội dung và mục tiêu có thể là cơ bản đó cũng không hề đơn giản. Bởi học sinh của các lớp tăng cường tiếng Việt mới chớm bước vào bậc tiểu học, nên còn nhiều sự bỡ ngỡ, rụt rè. Đó là trở ngại lớn mà giáo viên cần phải vượt qua. Cô Đặng Thị Thanh Thủy - Giáo viên Trường Tiểu học Liêng S’rônh, xã Liêng S’rônh cho biết:“Hàng ngày, chúng tôi gần gũi với các em, cho các em chơi trò chơi để gắn kết học sinh với nhau. Khi ra chơi, chúng tôi thường trò chuyện với các em để xây dựng tình cảm yêu thương và sự tin tưởng của học sinh đối với cô giáo.”.
 
Để thực hiện có hiệu quả các lớp tăng cường tiếng Việt, ngay từ khi kết thúc năm học cũ, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đam Rông cũng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện rà soát, lập danh sách học sinh chuẩn bị vào lớp 1 để tổ chức lớp tăng cường tiếng Việt. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho việc tổ chức lớp học. Đồng thời, có sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp tăng cường tiếng Việt một cách đông đủ. Cùng với đó, đảm bảo chế độ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt theo quy định.
 
Năm 2016, Trường Tiểu học Liêng S’rônh, xã Liêng S’rônh có 100 học sinh ở 4 lớp tăng cường tiếng Việt. Bám sát sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, nhà trường cũng đã làm tốt các nội dung trên. Thầy giáo Tô Hiến Tiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêng S’rônh, xã Liêng S’rônh cho hay: “Nhà trường làm tốt công tác phổ cập giáo dục, đặc biệt là nắm chắc số lượng học sinh chuẩn bị vào lớp 1 và những học sinh phải học chương trình 36 buổi. Phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để vận động học sinh ra lớp. Chúng tôi xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên có năng lực và chuẩn bị phòng học cũng như lên lịch báo giảng, phân phối chương trình”.
 
Các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh ở huyện vùng sâu Đam Rông thật sự hữu ích để các em vững bước vào lớp 1.
 
VĂN TRỌNG