Lạc Dương: Hướng đến chuẩn hóa 90% trường học trên địa bàn

08:08, 10/08/2016

Là một huyện nghèo, đất rộng, người thưa, nhưng tốc độ kiên cố hóa trường lớp của Lạc Dương rất nhanh trong những năm gần đây. Mục tiêu của huyện đặt ra trong 4 năm tới là sẽ xây dựng 90% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia.

Là một huyện nghèo, đất rộng, người thưa, nhưng tốc độ kiên cố hóa trường lớp của Lạc Dương rất nhanh trong những năm gần đây. Mục tiêu của huyện đặt ra trong 4 năm tới là sẽ xây dựng 90% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia.
 
Trường MN Sơn Ca, Lạc Dương vừa được đầu tư 25 tỷ đồng để xây mới
Trường MN Sơn Ca, Lạc Dương vừa được đầu tư 25 tỷ đồng để xây mới

40 tỷ đồng chuẩn bị cho năm học mới 
 
Theo chân cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lạc Dương, chúng tôi đến thăm Trường Mẫu giáo Sơn Ca nằm ngay thị trấn của huyện.
 
Trong sự ngạc nhiên của chúng tôi, đây là một ngôi trường cực kỳ khang trang, tầm cỡ nhất nhì của Lâm Đồng trong bậc học mầm non hiện nay. Trường được xây mới hoàn toàn, đang chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm học mới 2016 - 2017 này. Với tổng mức đầu tư khoảng 22 tỷ đồng, Mầm non Sơn Ca có 12 phòng học, 2 phòng chức năng, 6 phòng hiệu bộ, hội trường và nhà bếp rộng rãi, có hàng rào cổng trường, trường còn có thêm một gói cung cấp trang thiết bị 3 tỷ đồng khi đi vào hoạt động. “Đầu năm học này, trường sẽ được công nhận đạt chuẩn quốc gia và là trường mầm non đầu tiên của huyện đạt chuẩn mức độ 2” - cô Hiền tươi cười.
 
Không chỉ Mầm non Sơn Ca, hàng loạt trường của Lạc Dương được đầu tư xây mới trong dịp này. Ngay tại thị trấn Lạc Dương, Mầm non Họa Mi cũng đã hoàn tất 6 phòng học mới, 2 phòng chức năng, 5 phòng hiệu bộ và xây lại toàn bộ hàng rào cổng trường. Gần đó, Tiểu học Hùng Vương cũng được xây mới 2 phòng học, 5 phòng chức năng, 3 phòng thực hành, 5 phòng hiệu bộ, hội trường và hàng rào cổng trường, công trình sẽ được bàn giao trước ngày tựu trường. 
 
Ở các xã, có thể kể đến Tiểu học Đạ Sar đang thi công 5 phòng học mới, 2 phòng chức năng và nhà vệ sinh; Tiểu học Đạ Nghịt đang thi công hội trường và 5 phòng hiệu bộ; Trung học cơ sở (THCS) Xã Lát đang thi công 3 phòng bộ môn, thư viện cùng hội trường; việc thi công các công trình này có khả năng kéo dài qua đầu năm học mới nên Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu trường không để ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Riêng THCS Long Lanh đang thi công 4 phòng bộ môn; 4 phòng nhà công vụ, dự kiến hoàn tất trước ngày khai giảng.
 
Hàng loạt các trường học khác cũng được sửa chữa nhỏ trong dịp này như Tiểu học Trần Quốc Toản cho xây dựng lại hàng rào và cổng trường; Mầm non Đạ Nhim và Mầm non Đạ Sar sửa chữa lại các phòng học của mình; Tiểu học và THCS Đưng K’Nớ sửa chữa 3 phòng thiết bị, hàng rào cổng trường; Tiểu học - THCS Lán Tranh đang xây thêm hệ thống phòng vệ sinh cho học sinh.
 
Theo UBND huyện Lạc Dương, tổng mức đầu tư xây mới và sửa chữa trường lớp chuẩn bị cho năm học mới 2016 - 2017 trên địa bàn huyện khoảng trên 40 tỷ đồng. Kinh phí này được lấy từ nguồn ngân sách xây dựng cơ bản của tỉnh, ngân sách địa phương cùng nguồn tài trợ; tất cả các công trình trên đều do Trung tâm Quản lý Khai thác Công trình công cộng huyện trực tiếp phụ trách.
 
Phòng Giáo dục trong dịp này cũng chỉ đạo tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn có phương án cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương để vận động học sinh ra lớp trong đầu năm học mới. Trong đầu tháng 7/2016, các trường trên địa bàn cũng đã mở 19 lớp tăng cường tiếng Việt cho gần 480 học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn đang chuẩn bị bước vào lớp 1. 
 
Chuẩn hóa 90% trường học trong 4 năm tới 
 
Lạc Dương hiện có 5 xã, 1 thị trấn, trong đó có 2 xã thuộc vùng khó khăn và 3 xã đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, dân cư đa số là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống không tập trung nên gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp.
 
Toàn huyện hiện có 23 trường học, trong đó có 3 trường trực thuộc Sở GD&ĐT Lâm Đồng quản lý gồm: Trung học phổ thông (THPT) Langbiang, THCS -THPT Đạ Sar và Phổ thông Dân tộc nội trú huyện; 20 trường còn lại do Phòng GD&ĐT huyện quản lý gồm 7 trường mầm non, 7 trường tiểu học và 6 trường THCS (với 4 trường THCS, 2 trường có cả cấp tiểu học và THCS). Tổng số học sinh trên địa bàn huyện thuộc Phòng GD&ĐT quản lý khoảng trên 5.200 học sinh. Mạng lưới trường học trên địa bàn huyện đến nay đã phủ đều đến các xã - thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. 
 
Trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong 20 trường do Phòng GD&ĐT Lạc Dương quản lý, đến nay đã có 7 trường đạt chuẩn gồm 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS. Hiện đã có thêm 5 trường đang hoàn chỉnh hồ sơ để được công nhận trong tháng 10 đến (gồm Mầm non Sơn Ca (chuẩn mức độ 2), Mầm non Họa Mi, Tiểu học Long Lanh, THCS Xã Lát và THCS Hùng Vương).
 
Với tiến độ đầu tư xây dựng trường lớp nhanh như hiện nay, Phòng GD&ĐT Lạc Dương nhận định, chỉ vài năm đến, các trường còn lại cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí về cơ sở vật chất theo chuẩn qui định và đây là một tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu xây dựng các tiêu chí còn lại. 
 
Sắp tới, huyện sẽ tiến hành tách riêng các trường tiểu học gắn với THCS trên địa bàn, cụ thể là tách Tiểu học - THCS Lán Tranh và Tiểu học - THCS Đưng K’Nớ thành 2 cấp học riêng, 2 trường này thành trường tiểu học trong khi cấp THCS sẽ nhập chung thành một trường mới, dự kiến xây dựng gần trụ sở UBND xã mới hiện nay.
 
Mục tiêu của Lạc Dương trong 4 năm học đến (đến 2020) sẽ phấn đấu toàn huyện có 90% với 18/20 trường trực thuộc Phòng GD&ĐT quản lý đều đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, bậc mầm non toàn bộ 7/7 trường đều đạt chuẩn, trong đó có 3/7 trường đạt chuẩn mức độ 2. Trong bậc tiểu học có 7/8 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5/8 trường đạt chuẩn mức độ 2; bậc THCS có 4/5 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo cô Hiền, huyện đang đưa ra một lộ trình cụ thể cho các trường, và nếu được, trong năm 2020, Lạc Dương sẽ nỗ lực để 2 trường còn lại cũng đạt chuẩn quốc gia.
 
VIẾT TRỌNG